Công nghệ mở triển vọng ngành tôm Việt
Công nghệ Biofloc
Hệ thống Biofloc có thể vận hành với tỷ lệ trao đổi nước rất thấp (khoảng 0,5 - 1%/ngày). Các yêu cầu cơ bản để tối ưu hóa công nghệ nuôi tôm Biofloc thương phẩm bền vững là các ao lót bê tông hoặc bạt nhựa HDPE. Tôm giống thả với mật độ cao 130 - 150 con/m2 và mức độ sục khí mạnh công suất 28 - 32 HP/ha. Quạt nước được lắp đặt trong ao để giữ cho hàm lượng ôxy hòa tan cao và hướng bùn về khu vực giữa ao. Năng suất nuôi có thể đạt tới 38 - 49 tấn/ha/vụ, thông thường khoảng 24 - 30 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, chi phí sản xuất giảm khoảng 15 - 20%, kích thước tôm khi thu hoạch đều được cải thiện, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp do không cần phải thay nước.
Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín
Ở khâu nuôi, lúc tôm dưới 20 ngày tuổi, thức ăn được rải xuống ao nuôi như cách thông thường. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, tôm được cho ăn theo công nghệ tự động. Về môi trường sống, tôm được nuôi trong mô hình nhà kín tiệt trùng hiện đại với nhiều trang thiết bị tối tân. Bên trong nhà kín, các ao nuôi đều lót bạt dưới đáy, nguồn nước mặn được xử lý bằng một ao lắng rồi mới đưa vào ao nuôi. Ở mô hình này, tôm nuôi với mật độ khá cao, trung bình 200 - 300 con/m2. Năng suất có thể đạt 60 - 90 tấn/ha/vụ và mỗi năm thu hoạch 3 - 4 vụ.
Nuôi tôm hai giai đoạn
Mô hình cần ít nhất 1 ao ương tôm giai đoạn còn nhỏ, 1 ao nuôi chính và các ao lắng xử lý nước trước khi đưa qua ao nuôi chính. Tôm giống cỡ PL 10 - 12 được thả với mật độ khoảng 100 - 150 con/m2. Sau khi ương được 30 - 40 ngày, tiến hành san ra ao nuôi. Ưu điểm của mô hình này là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn… Năng suất bình quân đạt 40 - 60 tấn/ha
CPF-Combine Program
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã triển khai mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao CPF-Combine Program, bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C. Trong đó, CPF-Green House là mô hình nuôi tôm trong nhà ương (25 - 30 ngày), sau đó tôm được đưa ra các ao nuôi thương phẩm. Ao CPF-Green House diện tích từ 500 m2 trở lại. CPF-Turbo Program là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, diện tích không quá 2.000 m2. Đồng thời, phải có thêm hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Còn chương trình ba sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch. Áp dụng mô hình CPF-Combine Program, người nuôi cần đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha, tôm đạt tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất bình quân đạt 40 tấn/ha, mỗi năm sản xuất 4 vụ.
Hệ thống tuần hoàn khép kín (RAS)
RAS đã được cải tiến và áp dụng trong nuôi tôm mang lại hiệu quả rõ rệt đối với việc kiểm soát yếu tố môi trường, tiết kiệm nước và nâng cao tỷ lệ sống của tôm. Hệ thống tuần hoàn gồm có ao nuôi, ống và hố xi phông đáy ao dạng phễu, hố chứa bùn, kênh dẫn nước tuần hoàn và ao lắng có thả cá rô phi. Mật độ nuôi khoảng 60 con/m2, tỷ lệ thành công đạt từ 80% trở lên. Với ao nuôi có diện tích khoảng 1.200 m2, khi thu hoạch người nuôi có lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng.
Related news
Năm 2017, ngành tôm Việt Nam ghi nhận nhiều triển vọng tươi sáng về kết quả sản xuất, góp công lớn vào thành tích chung của toàn ngành thủy sản
Đó là mô hình của ông Nguyễn Văn Thắm. Cái hay của mô hình này là sử dụng vi sinh để khống chế rong tảo không cho bám lên thành và đáy bạt, giúp giảm công lao
Là yếu tố quan trọng, quyết định lớn đến hiệu quả mỗi vụ nuôi của người dân, những năm qua, việc quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống luôn được chú trọng.