Phối hợp quản lý tốt tôm giống nước lợ
Là yếu tố quan trọng, quyết định lớn đến hiệu quả mỗi vụ nuôi của người dân, những năm qua, việc quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống luôn được chú trọng. Nhưng, để nâng cao hơn nữa công tác này, việc liên kết phối hợp quản lý trong việc sản xuất và cung ứng tôm giống cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất tôm giống là việc làm cấp thiết. Ảnh: Trần Út
Theo đó, mới đây, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau ký kết quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ.
Quản lý sản xuất giống
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, hiện nay, khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của Việt Nam là các tỉnh Nam Trung bộ như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hàng năm, các cơ sở sản xuất tại khu vực này cung cấp khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu nuôi của cả nước. Số còn lại được sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) và các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh). Hiện nay, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống chủ yếu từ đánh bắt tự nhiên, nhập khẩu và sản xuất trong nước. Riêng đối với tôm thẻ chân trắng bố mẹ, Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu từ nguồn nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Singapore, Thái Lan.
Năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Sản lượng giống tôm nước lợ của cả nước đạt 125 tỷ con, trong đó tôm sú khoảng 35 tỷ con và tôm thẻ chân trắng là 90 tỷ con. Tăng 10,8% so năm 2016 (115 tỷ con).
Chất lượng tôm giống là yếu tố then chốt quyết định đến thành công hay thất bại trong phát triển ngành tôm. Thời gian qua, vấn đề quản lý tôm giống đã được các cơ quan, ban ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo cũng như kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong quản lý giống tôm nước lợ và đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương cung cấp giống tôm gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận và các địa phương tiêu thụ gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau là rất cần thiết.
Nâng cao chất lượng tôm giống
Theo nội dung của Quy chế phối hợp trong quản lý tôm giống nước lợ, sẽ thống nhất cơ chế phối hợp quản lý tôm giống trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các địa phương, đảm bảo hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạ trong quản lý tôm giống nước lợ; cùng đó, đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương cung cấp tôm giống nước lợ (bên sản xuất) và các địa phương tiêu thụ tôm giống (bên tiêu thụ).
Hàng năm, các địa phương sản xuất giống tôm sẽ cung cấp danh sách và thông tin liên quan của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ đủ điều kiện trên địa bàn quản lý. Danh sách các cơ sở thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và thông tin về nội dung công bố cho các địa phương tiêu thụ được biết. Trong trường hợp các địa phương tiêu thụ phát hiện tôm giống tại cơ sở nuôi có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng như tôm chậm lớn, tôm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm trong gian đoạn đầu thả nuôi… thì thông báo cho các địa phương có cơ sở sản xuất giống để xem xét, xác minh và truy xuất nguồn gốc tôm giống. Ngoài ra, trong quá trình quản lý, các bên phát hiện hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và chất lượng giống tôm nước lợ thì báo cáo cho Tổng cục Thủy sản để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, bên sản xuất và bên tiêu thụ thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm trong quản lý giống tôm nước lợ và thông tin những mô hình sản xuất tôm giống có hiệu quả. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và chất lượng giống tôm nước lợ thì các bên cung cấp thông tin cho các địa phương trong Quy chế này. Trong trường hợp có phản ánh của bên tiêu thụ về cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ, các địa phương có cơ sở sản xuấtgiống có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xử lý và thông tin kịp thời.
Đại diện các địa phương cũng đã nêu lên một số khó khăn, bất cập trong công tác quản lý sản xuất tôm giống nước lợ hiện nay. Như kiểm dịch tôm giống xuất ra ngoài tỉnh còn chồng chéo; phân công công tác quản lý giống giữa bên Thú y và Chi cục Thủy sản. Hay vấn đề chất lượng nguồn tôm giống bố mẹ còn nhiều phức tạp, việc đầu tư và quy hoạch vùng sản xuất tôm giống, việc thống kê tổng hợp tình hình tại các huyện, xã còn gặp khó khăn; cùng đó, cần kiểm soát tốt cơ sở sản xuất ban đầu trước khi đưa nguồn giống đi phân phối tại các tỉnh, thành…
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản thông tin, cần phải kiểm soát chặt nguồn tôm giống từ sản xuất đến tiêu thụ, các cơ sở sản xuất tôm giống cần đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng giống. Các tỉnh trọng điểm nuôi tôm ĐBSCL và 3 tỉnh sản xuất tôm giống ở Nam Trung bộ cần phối hợp chia sẻ thông tin và tăng cường thanh, kiểm tra để đảm bảo nguồn giống cung cấp cho người nuôi đạt chất lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc ký kết quy chế phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tôm giống nước lợ là việc làm hết sức cần thiết, nhằm kiểm soát tốt hơn quá trình sản xuất đến tiêu thụ nguồn tôm giống, giúp nâng cao hơn chất lượng nguồn giống, mang lại thành công cho người nuôi tôm. Để nâng cao chất lượng nguồn tôm giống, Tổng cục Thủy sản sẽ cam kết đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tôm kém chất lượng đưa ra thị trường. Cùng đó, các hiệp hội cần khuyến cáo các hội viên, cơ sở sản xuất giống thực hiện nghiêm quy định trong sản xuất và cung ứng tôm giống.
>> Theo kế hoạch trong năm 2018, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên cả nước là 717.900 ha, trong đó, tôm sú là 621.600 ha và 96.300 ha tôm thẻ chân trắng. Theo đó, nguồn tôm giống cần khoảng 130 tỷ con, trong đó tôm sú là 30 tỷ con và tôm thẻ chân trắng 100 tỷ con. Trong khi, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 230.000 con, trong đó, tôm sú 30.000 con và tôm thẻ chân trắng 200.000 con.
Related news
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng với sự nghiên cứu, sáng tạo của con người đã biến những điều không thể thành có thể...
Năm 2017, ngành tôm Việt Nam ghi nhận nhiều triển vọng tươi sáng về kết quả sản xuất, góp công lớn vào thành tích chung của toàn ngành thủy sản
Đó là mô hình của ông Nguyễn Văn Thắm. Cái hay của mô hình này là sử dụng vi sinh để khống chế rong tảo không cho bám lên thành và đáy bạt, giúp giảm công lao