Có thu nhập cao và bảo vệ môi trường xanh, sạch

Yên tâm làm ăn
Một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH là gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung, thôn Nam Đường Tây, xã Nam Cao.
Chị Dung chia sẻ: “Năm 2005, UBND xã Nam Cao có chủ trương khuyến khích ND trong xã chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế theo hướng trang trại, vợ chồng tôi dồn đổi 1,3ha ruộng lúa để đào ao thả cá, trên bờ quây chuồng nuôi vịt, gà, lợn”.
Nhiều hộ dân xã Nam Cao, huyện Kiến Xương dùng vốn ưu đãi để chuyển đổi từ ruộng trũng sang làm mô hình trang trại tổng hợp cho hiệu quả cao.
Những năm đầu làm trang trại, vợ chồng chị Dung gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh nghiệm, vốn liếng không có.
Từ năm 2010 đến nay, thông qua ủy thác của Hội ND xã, gia đình chị Dung được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng chương trình tín dụng giải quyết việc làm.
Chị Dung mua 2 con lợn nái hướng nạc về nuôi thay thế con lợn nái giống cũ.
Từ đó, chị phát triển dần đàn lợn nái ngoại lên đến 15 con, chủ động được con giống.
“Mỗi năm tôi nuôi 4 lứa lợn thịt, 100 con/lứa, trừ chi phí tích lũy được hơn 100 triệu đồng”- chị Dung thổ lộ.
Bên cạnh vốn tín dụng chương trình giải quyết việc làm, năm 2012 gia đình chị Dung còn được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường (NSVSMT) để xây hầm khí biogas thể tích 30m3.
Với hầm biogas này, gia đình chị tiết kiệm được chi phí sinh hoạt và bảo vệ môi trường.
Khuyến khích ND chăn nuôi an toàn
Cũng được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kiến Xương cho vay 20 triệu đồng theo chương trình tín dụng giải quyết việc làm và 8 triệu đồng chương trình NSVSMT, ông Phạm Văn Mẫn ở thôn Nam Đường Tây, xã Nam Cao kể: “Được vay vốn, tôi quyết định cải tạo hơn 1,1ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế theo hướng trang trại có hệ thống xử lý chất thải.
Đầu tư đúng hướng, chăn nuôi an toàn nên mỗi năm gia đình tôi lãi ròng hơn 100 triệu đồng”.
Theo chia sẻ của chị Dung và ông Mẫn, để chăn nuôi an toàn, bên cạnh đầu tư hệ thống xử lý chất thải, các hộ cần gây được đàn lợn nái đủ để cung cấp con giống sẽ hạn chế được việc lây lan các mầm dịch...
Trao đổi về vấn đề chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở địa phương, ông Nguyễn Ngọc Ánh – nguyên Chủ tịch Hội ND xã Nam Cao (hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã) cho biết: “Trước đây, nghề dệt là thu nhập chính của bà con.
Tuy nhiên, những năm gần đây do thị trường tiêu thụ không ổn định, nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại.
Tổng đàn lợn toàn xã luôn duy trì ở 11.000 con, 80% hộ chăn nuôi sử dụng bình biogas để xử lý môi trường và tận dụng làm chất đốt”.
Thực hiện chương trình ủy thác vay vốn với Ngân hàng CSXH huyện Kiến Xương, Hội ND xã Nam Cao đang trực tiếp quản lý 6 chương trình tín dụng ưu đãi gồm: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; giải quyết việc làm; học sinh-sinh viên; NSVSMT và cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, với tổng dư nợ là hơn 2,3 tỷ đồng.
Related news

Từ ngày 8 đến 10-7-2014, Đoàn công tác huyện do bà Phạm Thị Thanh Nga - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri làm trưởng đoàn phối hợp với lãnh đạo xã An Hiệp tổ chức lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hộ dân nuôi tôm trong vùng nước ngọt (ngoài quy hoạch).

Trên 5 công đất lúa, nông dân Lê Văn Danh (ấp An Nhơn, xã Lương Phi, Tri Tôn, An Giang) thử nghiệm chuyển đổi trồng đậu nành, với 4 loại giống triển vọng: VĐ19, HLĐN29, HL07-15, 17A. Sau 3 tháng canh tác, ông Danh thu hoạch được 200 kg/công, bán 17.000 đồng/kg, thu lợi nhuận gần 1,7 triệu đồng/công.

Những năm gần đây, Bến Tre là một trong những tỉnh được đánh giá có mức tăng trưởng khá ổn định về sản xuất ca cao. Tuy nhiên, sản xuất ca cao cũng gặp nhiều khó khăn: qui mô sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, diện tích manh mún, thiếu tính đồng bộ về chăm sóc, đầu tư, kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ luôn chịu áp lực cạnh tranh với các cây trồng khác.

Để giải quyết đầu ra cho trái vải và nhiều loại nông sản khác, Bộ Công thương đang xúc tiến quảng bá tìm đầu ra cho nông sản tại Singapore, Lào, Campuchia...

Với những ưu thế kỹ thuật nuôi mới, giá cả, thị trường tiêu thụ, tôm chân trắng đã trở thành sự lựa chọn của không ít hộ nông dân. Tuy nhiên, tôm chân trắng là đối tượng không phù hợp cho nuôi trong vùng nước ngọt. Tình trạng phát triển nuôi ở vùng nước ngọt được xem là “lợi bất cấp hại” và cần phải được kiểm soát chặt chẽ.