Cơ hội quảng bá nông sản đặc sắc
Trao đổi với phóng viên NTNN sáng 25.11, ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Bắc Ninh khẳng định: “Tại hội chợ, các doanh nghiệp (DN) sẽ được tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để quảng bá sản phẩm tới người dân, du khách cả nước”…
Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ diễn ra Hội chợ Công thương, Nông sản an toàn miền Bắc 2015.
Thưa ông, công tác chuẩn bị cho hội chợ đã đến đâu?
- Hàng năm, Bắc Ninh thường tổ chức định kỳ 2 hội chợ ở quy mô cấp tỉnh.
Hội chợ Công thương, Nông sản an toàn miền Bắc 2015 là hội chợ thứ 3 trong năm nay được thực hiện theo chỉ đạo, chủ trương của UBND tỉnh, và do 3 đơn vị: Sở Công Thương Bắc Ninh, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, Báo NTNN phối hợp tổ chức tại trung tâm văn hóa Kinh Bắc (TP.Bắc Ninh).
Chúng tôi dự kiến sẽ có khoảng 250-300 gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội chợ.
Đến lúc này, mọi công tác chuẩn bị về giấy phép, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quảng cáo… đã được các ban ngành chức năng hoàn tất.
Các gian hàng đang được khẩn trương lắp ghép, băng-rôn quảng cáo cũng sẽ xuất hiện trên các tuyến đường dẫn tới TP.Bắc Ninh và trên các con đường trong thành phố.
Chiều 26.11, Ban tổ chức sẽ họp tại Sở Công Thương Bắc Ninh để chốt lại lần cuối những vấn đề xung quanh công tác tổ chức hội chợ.
Điểm nhấn đặc biệt của hội chợ lần này so với các hội chợ khác là gì?
- Điểm nhấn chính tập trung vào mảng triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp (nông sản đặc sắc, con giống, cây trồng, thực phẩm, hoa quả sạch…), sản phẩm làng nghề và một số đặc sản của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc.
Các DN tham gia hội chợ có 2 gian hàng sẽ được hỗ trợ hoàn toàn về mặt kinh phí (50% từ ngân sách tỉnh, 50% từ ban tổ chức).
Chỉ từ gian hàng thứ 3 trở lên, DN mới phải chi 2 triệu đồng/gian, so với các hội chợ khác trên cả nước thì đây là mức rất thấp.
Những sự hỗ trợ, ưu đãi này của ban tổ chức và địa phương đăng cai đều hướng tới mục đích chính giúp nhiều DN có điều kiện tham gia, quảng bá sản phẩm trong 7 ngày diễn ra hội chợ.
Để tăng tính hấp dẫn của hội chợ, bên cạnh các gian hàng, sản phẩm, chắc hẳn sẽ có nhiều hoạt động khác được tổ chức, thưa ông?
" Ban tổ chức hội chợ không đặt nặng việc các đơn vị, cơ sở tham gia phải bán được hàng, mà hướng tới cái đích lâu dài là giúp các DN, cơ sở có điều kiện giao thương, mở kênh phân phối sản phẩm, xúc tiến thương mại...
Phía ban tổ chức cũng nỗ lực hỗ trợ, tạo các điều kiện để sản phẩm của DN được giới thiệu, quảng bá tốt nhất tới người dân”. Ông Nguyễn Đức Hùng
- Thực tế là các nông sản đặc sắc, đặc sản từ nhiều địa phương quy tụ tại hội chợ đã là điểm hấp dẫn với công chúng, người tiêu dùng.
Nhưng ban tổ chức còn muốn hội chợ lần này thêm sức thu hút nhiều người, xem là một điểm đến thú vị qua việc tổ chức các hoạt động lần đầu tiên có ở Bắc Ninh là Hội thi trâu kéo khỏe và Giải đua ngựa phong trào miền Bắc 2015.
Các hoạt động này do Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh và Báo NTNN tổ chức.
Chúng tôi tin tưởng là cũng với hội chợ, các hoạt động mới lạ và đặc sắc này chắc chắn sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút thêm khách du lịch về miền quê Kinh Bắc.
Trong thời điểm mà vấn đề an toàn thực phẩm đang được cả xã hội hết sức quan tâm, thưa ông Hội chợ Công thương, Nông sản an toàn miền Bắc 2015 có phải là hoạt động cổ vũ cho việc sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?
- Chúng ta đều biết là hiện nay rất nhiều sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn và vệ sinh an toàn đang được đưa ra thị trường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Do đó hội chợ này là cơ hội quảng bá và khẳng định giá trị của các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn...
Đương nhiên, các DN tham gia hội chợ lần này phải cam kết mọi sản phẩm được trưng bày, giới thiệu, đều phải đảm bảo quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ban tổ chức hội chợ không đặt nặng việc các đơn vị, cơ sở tham gia phải bán được hàng, mà hướng tới cái đích lâu dài là giúp các DN, cơ sở có điều kiện giao thương, mở kênh phân phối sản phẩm, xúc tiến thương mại...
Phía ban tổ chức cũng nỗ lực hỗ trợ, tạo các điều kiện để sản phẩm của DN được giới thiệu, quảng bá tốt nhất tới người dân, góp phần để người Việt tin dùng hàng Việt, và xa hơn là hội nhập được với thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Related news
Huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 62.000 ha. Từ tập quán nuôi tôm truyền thống đến nay người dân chuyển đổi sang hình thức nuôi có hiệu quả hơn.
Những ngày qua, dư luận trong và ngoài tỉnh không ngớt bàn tán xôn xao về giống gà lông xù có nguồn gốc từ Thái Lan được ông Nguyễn Tấn Đẹp (sinh năm 1950, ngụ ấp An Lợi, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) nhập về nuôi hơn 3 năm qua.
Nhiều hộ nông dân ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã bước đầu nuôi thành công giống bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp. Đây là con vật nuôi mới chuyển đổi với nguồn vốn đầu tư không nhiều, nhưng lợi nhuận có chiều hướng tăng cao.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) có tốc độ phát triển tương đối nhanh. Nhiều dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã tạo cơ hội cho nông dân phát triển chăn nuôi.
Dưới chân núi Hòn Giang thuộc thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) có một trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Thành Hay, rộng hàng chục hecta, kinh doanh theo mô hình vườn, chuồng, rừng (VCR), doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.