Chuyển trại lợn sang nuôi bò 3B
Nuôi bò 3B lợi nhuận không cao bằng nuôi lợn. Nhưng giá bán bò thịt luôn ổn định, và rất ít khi bị rủi ro dịch bệnh
Bò lai 3B nuôi trong nhà lạnh của ông Nguyễn Văn Vẻ. Ảnh: H.Tiến.
Sau nhiều lần đắn đo, ông Nguyễn Văn Vẻ ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) mới đồng ý cho tác giả bài viết này được tiếp cận trang trại chăn nuôi bò lai BBB (3B) trong nhà lạnh của gia đình. Bởi vì ông rất sợ cho người lạ ra vào, sẽ vô tình đưa dịch bệnh các loại gia súc bên ngoài vào lây lan trên đàn bò của ông, nhất là bệnh viêm da nổi cục.
Ông Vẻ chia sẻ: Ông đã có bề dày 20 năm chăn nuôi lợn. Vào thời ăn nên làm ra, trang trại lúc nào cũng có 500 - 600 lợn nái ngoại, trên 1.500 con lợn thịt. Nhưng không ngờ, chỉ 3 năm (2017 - 2019) “bão” giá heo và dịch tả lợn Châu Phi khiến toàn bộ vốn liếng mà ông tích cóp được “đội nón ra đi", làm cho gia đình lâm vào cảnh nợ nần đầm đìa.
Là người từng đi lên từ con số không, ông không thể bằng lòng chịu phận. Sau nhiều đêm cân nhắc, ông tính: Nếu tiếp tục nuôi lợn sẽ phải chấp nhận lúc được, lúc thua. Không khéo tổng cuộc lại bằng không! Nếu chuyển hướng sang nuôi đại gia súc như trâu, bò quy mô lớn thì không có đồng ruộng đủ rộng cho chăn thả.
Vì thế ông nghĩ, nếu chuyển sang nuôi bò nhốt chuồng trong nhà lạnh, sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng trang trại lợn khép kín sẵn có, lại dễ dàng cho chăm sóc, quản lý. Ý tưởng chăn nuôi bò 3B hướng thịt trong nhà lạnh được hình thành từ đó (năm 2019).
Vốn đã quen cung cách làm ăn lớn, không biết thì hỏi, không giỏi thì học nên ngay từ năm đầu tiên, ông đã dốc hết mọi nguồn lực ra thế chấp ngân hàng, rồi xuống tay mua liền lúc 150 con bò lai 3B về nuôi.
Ông thuê mượn gần 4ha ruộng trồng cỏ voi, ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho bò. Ngoài ra, còn khai thác thêm phụ phẩm nông nghiệp như rau củ quả, thân cây ngô, cây chuối, cỏ tự nhiên, bã bia, bã đậu cho bò ăn, kết hợp với cho ăn cám công nghiệp chuyên dùng.
Về quy trình nuôi, ông chăn nuôi gối đàn, trang trại khép kín hợp vệ sinh, có hệ thống thông gió, làm mát chuồng trại, có máy ép phân và hầm biogas xử lý chất thải, cho ăn cân đối các chất thô, tinh. Vì vậy, đàn bò 3B của ông Vẻ không bị nhiễm dịch bệnh, tăng trưởng nhanh, đều đặn đạt 1,1 - 1,3kg/con/ngày.
Theo đó, tháng nào ông Vẻ cũng có bò xuất bán, mỗi năm đưa ra thị trường 100 - 120 con bò thương phẩm, sản lượng thịt hơi đạt trên 100 tấn, lợi nhuận thu về khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. “Nuôi bò 3B lợi nhuận không cao bằng nuôi lợn. Nhưng giá bán bò thịt luôn ổn định, và rất ít khi bị rủi ro dịch bệnh”, ông Vẻ so sánh.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình, ông Vẻ rút ra: Để chăn nuôi đạt hiệu quả tốt, trước hết nhà đầu tư phải thật sự tâm huyết, yêu qúy vật nuôi như con trẻ, chăm sóc thế nào sẽ thu được thành quả ấy. Theo đó, để nuôi bò lai 3B hướng thịt thành công, cần lựa con giống khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, da mỏng, chân to, hông nở, ngực nở, mõm bạnh, đi lại nhanh nhẹn, không khuyết tật, không nhiễm bệnh và chỉ nên nuôi bò đực.
Chuồng trại phải cách xa khu dân cư, đảm bảo mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông và luôn được dọn vệ sinh sạch sẽ. Chuồng phải có máng ăn, nước uống sạch, thuận tiện cho bò dùng. Diện tích nuôi trung bình 4 - 5 m2/con. Vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồn long móng và bại liệt bò định kỳ 6 tháng/lần. Thức ăn cho bò phối trộn khoảng 70% thô xanh, 30% tinh. Khẩu phần ăn hỗn hợp mỗi ngày bằng 2,5% trọng lượng cơ thể.
Chuyển sang vỗ béo (trước xuất chuồng 3 tháng), phải tiến hành tẩy giun sán, giảm thức ăn thô, tăng thức ăn tinh và cho bò ăn 4 - 5 bữa/ngày, kết hợp bổ sung thêm muối vào thức ăn hoặc nước uống cho bò.
Chú ý, liên hệ thường xuyên với các chuyên gia về vật nuôi để được tư vấn tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò lai 3B nói riêng. “Bò 3B tăng trọng thuận lợi ở điều kiện nhiệt độ 25 - 33 độ C. Nếu nuôi chăn thả hoặc bán chăn thả thì các tháng mùa hè bò gần như không lớn. Vì vậy làm nhà lạnh cho nuôi bò 3B theo quy trình khép kín là tốt nhất”, anh Vẻ bật mí.
“Bò 3B đã nhập nội vào nước ta gần 10 năm, được ví như “cỗ máy” sản xuất thịt bởi có ưu điểm: Tốc độ tăng trọng nhanh (1,2kg/con/ngày); thể trọng lớn (900 - 1.200kg/con); tỉ lệ thịt xẻ cao (gần 78%); chất lượng thịt ngon; khả năng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết khí hậu nhiều địa phương trong nước.
Đến nay, chưa có loại vật nuôi tương tự nào soán ngôi nên nuôi bò 3B vẫn là sự lựa chọn tốt nhất cho các nhà nông trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng Phòng chăn nuôi, Sở NN-PTNT Hưng Yên.
Related news
Sau khi cai sữa, chọn những con đực, con cái tốt nhất để làm giống gọi là giai đoạn nuôi hậu bị. Giai đoạn này kéo dài từ lúc đạt 13 tháng tuổi
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có khả năng lây lan qua nhiều con đường. Bệnh đã có mặt nhiều nước Châu Á, nguy cơ lây lan sang Việt Nam rất cao.
Nuôi gối đàn 15 con bò sữa, sau hơn 1 năm, anh Nguyễn Văn Tám, Dân tộc Mường ở Hòa Bình có thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/1 tháng.