Home / Gia súc-Gia cầm / Nuôi bò

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò là gì, nguy hiểm ra sao?

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò là gì, nguy hiểm ra sao?
Author: Lê Bền
Publish date: Saturday. December 26th, 2020

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có khả năng lây lan qua nhiều con đường. Bệnh đã có mặt nhiều nước Châu Á, nguy cơ lây lan sang Việt Nam rất cao.

Vảy, loét, sẹo trên da bò bị bệnh. Ảnh: Cục Thú y

Theo Cục Thú y: Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD), còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virrus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virrus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.

Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.

Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Virus gây bệnh tồn tại thời gian dài ngoài môi trường

Virus gây bệnh viêm da nổi cục thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus, cùng chi với virus gây bệnh đậu trên dê, cừu.

Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 55 độ C trong 2 giờ, 65 độ C trong 30 phút. Virus có thể được hồi phục từ những nốt sần trên da được giữ ở nhiệt độ -80 độ C trong 10 năm và dịch nuôi cấy mô nhiễm virus được bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C trong 6 tháng.

Virus nhạy cảm với môi trường pH kiềm hoặc a xít; có thể tồn tại ở môi trường pH = 6,6 - 8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 37oC.

Hóa chất sử dụng để diệt virrus viêm da nổi cục bao gồm ether (20%), chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 - 3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), hợp chất amoni bậc bốn (0,5%) và một số chất tẩy rửa như sodium dodecyl sulphate.

Virus viêm da nổi cục rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô.

Virus nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.

Triệu chứng của trâu, bò bị bệnh

Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu : Sốt cao, có thể trên 41độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi).

Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.

Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi.

Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.

Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng.

Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang virus trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.

Chưa xác định được véc tơ truyền bệnh cụ thể

Động vật mẫn cảm với virrus viêm da nổi cục là trâu, bò. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.

Côn trùng chân đốt được xem là véc tơ truyền bệnh viêm da nổi cục. Mặc dù đến nay chưa xác định được véc tơ truyền bệnh cụ thể, muỗi, ruồi cắn và ve đực có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm lây truyền virus.

Bệnh rất dễ lây lan qua nhiều con đường khác nhau. Đồ họa: Cục Thú y

Vai trò của các véc tơ truyền bệnh là khác nhau giữa các khu vực địa lý khác nhau, phụ thuộc vào nguồn và đặc điểm của mỗi loại véc tơ. Trâu, bò đực nhiễm bệnh có thể bài thải virus qua tinh dịch. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bằng chứng về đường lây truyền bệnh viêm da nổi cục thông qua tinh dịch.

Ngoài ra, cũng chưa rõ có hay không việc truyền lây virus qua đường thức ăn và nước uống nhiễm mềm bệnh. Tiếp xúc trực tiếp được cho là không đóng vai trò quan trọng trong lây truyền virus viêm da nổi cục.

Các nốt sần và vảy da chứa một lượng virus tương đối cao. Virus có thể được phân lập từ những bệnh phẩm này trong 35 ngày và có thể lâu hơn. Virus có thể được phân lập từ máu, nước bọt, dịch tiết ở mắt và mũi và tinh dịch.

Virus được tìm thấy trong máu trong khoảng từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm bệnh, với mức độ thấp hơn so với trong các nốt sần ở da tại cùng thời điểm lấy mẫu.

Sự bài thải của virus trong tinh dịch có thể kéo dài tới 42 ngày. Cũng có bằng chứng về sự lây truyền virus qua nhau thai. Trong một số trường hợp, động vật mang mầm bệnh không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nhưng mang virus trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.

Bệnh đã lây lan ở nhiều nước Châu Á

Bệnh viêm da nổi cục lầu tiên được phát hiện và mô tả tại Zambia vào năm 1929, sau đó dịch bệnh đã lây lan và lưu hành ở hầu khắp các châu lục. Đến nay, bệnh viêm da nổi cục là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi.

Bản đồ phân bố các ổ dịch viêm da nổi cục trâu, bò tại Châu Á, từ 01/01/2014 đến 29/7/2020 (theo năm xuất hiện). Nguồn: Cục Thú y

Từ năm 2012, bệnh đã lây lan nhanh sang khu vực Trung Đông, Đông Nam Châu Âu, Ban-căng, biên giới Á - Âu, Nga và Kazzakhstan. Bệnh đã và đang xảy ra trên diện rộng tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi có tới 131 ổ dịch được ghi nhận trong năm 2019. 

Theo thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), từ năm 2013 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại một số nước như thuộc khu vực Châu Á như các nước thuộc khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Trung Quốc.

Cụ thể tại khu vực Tây Á và Trung Á, bệnh được ghi nhận xuất hiện từ năm 2013 và tiếp tục xảy ra từ đó đến nay.

Tại khu vực Nam Á, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 8/2019 tại Ấn Độ, sau đó bệnh được ghi nhận tại Bangladesh vào tháng 9/2019.

Tại Ấn Độ, bệnh được báo cáo lần đầu tiên cho Tổ chức Thú y thế giới (OIE) vào ngày 18/9/2019 tại bang Odisha; các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng được báo cáo trong khoảng thời gian tháng 9/2019 đến tháng 7/2020 tại 4 bang.

Tại Bangladesh, bệnh được xác nhận tại 8 đơn vị địa lý trong giai đoạn từ tháng 9 - 12/2019; các ổ dịch nghi ngờ được ghi nhận vào tháng 5 – 6/2020.

Tại Nepal, vào tháng 7/2020, phát hiện một số bò bệnh với triệu chứng điển hình của bệnh tại một tỉnh cực Đông. Đang chờ kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Tại Trung Quốc, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận vào tháng 8/2019 tại khu vực Tân Cương, đặc biệt vào tháng 7/2020 tại tỉnh Quảng Tây đã ghi nhận 5 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục (chỉ cách tỉnh Cao Bằng khoảng 200 km); tính đến ngày 13/9/2020, tổng số đã phát hiện 14 ổ dịch bệnh tại nước này.

Nguy cơ lây lan bệnh từ Trung Quốc vào Việt Nam rất cao

Trên thế giới, trong những năm vừa qua, bệnh viêm da nổi cục đã lây lan nhanh từ nước này qua nước khác, đặc biệt là bệnh đã xuất hiện tại tỉnh Trung Quốc chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng 200 km, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam là rất cao.

Việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn xẩy ra nhiều.

Lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt trâu, bò nên có thể đưa mầm bệnh viêm da nổi cục vào Việt Nam.


Related news

Bò 3B - Hướng đi của người dân Củ Chi Bò 3B - Hướng đi của người dân Củ Chi

Với năng suất, chất lượng và hiệu quả vượt trội, bò 3B được nhiều người dân Củ Chi (TP.HCM) lựa chọn nhằm thay thế việc tái đàn lợn đang gặp rất nhiều khó khăn

Monday. July 27th, 2020
Một số bệnh thường gặp ở bò và cách điều trị Một số bệnh thường gặp ở bò và cách điều trị

Bệnh do một loại tiêm mao trùng có tên gọi là Trypanosoma evansi gây ra. Triệu chứng điển hình của bệnh là gây sốt cao 40-41 độ C

Friday. August 21st, 2020
Kỹ thuật chăn nuôi bò hậu bị giai đoạn từ 13 - 24 tháng tuổi Kỹ thuật chăn nuôi bò hậu bị giai đoạn từ 13 - 24 tháng tuổi

Sau khi cai sữa, chọn những con đực, con cái tốt nhất để làm giống gọi là giai đoạn nuôi hậu bị. Giai đoạn này kéo dài từ lúc đạt 13 tháng tuổi

Friday. August 28th, 2020