Chuỗi Liên Kết Sản Xuất Trong Nông Nghiệp Sẽ Bắt Đầu Từ Vụ Lúa Đông Xuân 2014 – 2015

Dự án Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao tại Đức Linh, Tánh Linh của Công Ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát đang trong giai đoạn trình UBND tỉnh phê duyệt, sau đó mới đăng ký để Trung ương chấp thuận thực hiện. Hiện tại, mô hình này đang tạo sự háo hức cho dân trồng lúa ở 2 vùng trên.
Thông tư số 15/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều tại Quyết định số 62/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn như chốt lại những gì nông dân mơ ước bấy lâu.
Đó là tiêu thụ sản phẩm ổn định, biết rõ yêu cầu sản phẩm của nơi thu mua, ổn định hoặc mở rộng vùng nguyên liệu. Theo đó, việc xây dựng những cánh đồng lớn sẽ hình thành. Ở tỉnh đã xây dựng kế hoạch trong khoảng 10 năm nữa cho sự ra đời những cánh đồng như thế trên cây lúa, cây thanh long và cây cao su.
Và đơn vị tiên phong đề nghị thực hiện thí điểm mô hình này là Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát (TP.HCM) với Dự án xây dựng Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Đức Phú, Nghị Đức (huyện Tánh Linh) và xã Nam Chính, (huyện Đức Linh). Dự án này vừa mới được Hội đồng thẩm định đồng ý trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, dự án sẽ thực hiện trong 6 năm, bắt đầu từ năm 2015 (vụ đông xuân 2014 - 2015) tại các cánh đồng rộng 350 ha của HTX nông nghiệp Đức Phú, Tổ hợp tác sản xuất lúa và dịch vụ VTNN xã Nghị Đức và Tổ hợp tác nông dân thôn 2, xã Nam Chính. Đến năm 2020, sẽ nâng diện tích thực hiện mô hình lên 850 ha.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân tới, có 535 hộ nông dân tham gia dự án. Khi tham gia, hộ nông dân sẽ được hỗ trợ một lần tối đa 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên. Đồng thời, được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp, thời hạn tối đa là 3 tháng trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản.
Còn với các tổ chức nông dân được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê để thực hiện xây dựng cơ sở sấy, chế biến, kho chứa phục vụ cho dự án. Hỗ trợ tối đa 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên…Điều này đang tạo háo hức cho người nông dân ở hai nơi trên.
Còn với doanh nghiệp, ông Đoàn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát cho biết, thực hiện dự án này, phía doanh nghiệp có nhiều lợi ích.
Thấy rõ nhất sau nhiều ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ, hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng…là có vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu thực hiện các đơn hàng cho đối tác. Với sự phối hợp chặt chẽ với nông dân có vùng nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp có thể tiến nhanh, vững chắc hơn.
Từ đó, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu mọi thủ tục kịp thì dự án Cánh đồng lớn tại Đức Linh, Tánh Linh sẽ triển khai trong vụ đông xuân 2014 -2015.
Related news

Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, khi không khí xuân đang tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm và trong mỗi gia đình thì trên khắp các cánh đồng những ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhiều bà con nông dân trong tỉnh vẫn nô nức “trảy hội” xuống đồng. Nơi thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông, nơi thì tích cực san phẳng ruộng, chăm sóc mạ, nơi lại đang khẩn trương gieo cấy lúa xuân. Không khí lao động thật nhộn nhịp.

Thời gian qua, nhiều người nông dân (ND) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ công nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều loại nông sản “độc”, lạ để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những “nhà khoa học chân đất” này đã gặp không ít trở ngại về bản quyền.

Tại hội thảo, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này. Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca trong 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha.

Những ngày cuối năm, nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) tất bật chăm bón rau màu chuẩn bị thu hoạch cung ứng cho thị trường vào dịp tết. Trung bình mỗi ngày làng rau này xuất bán 2 tấn rau các loại cho các chợ và siêu thị lớn tại miền Trung.

Bộ NNPTNT và ngành chức năng đã chính thức cho phép đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2015. Đây là cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, nông dân tăng sản lượng, hạn chế sâu bệnh trên các cây trồng, đặc biệt là ngô. Từ số báo này, trên số ra thứ 5 hàng tuần, Báo NTNN mở chuyên mục “Nông dân với cây trồng biến đối gen” nhằm cung cấp mọi khía cạnh về loại cây này đến với bạn đọc, bà con nông dân.