Chưa An Tâm Với Gà, Lợn Hữu Cơ
Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm thực phẩm mới được ghi là “hữu cơ” như lợn hữu cơ, gà hữu cơ, cá hữu cơ… Vậy những loại sản phẩm này có thực sự “hữu cơ” như giới thiệu, quảng cáo?
Tự nhận là sản phẩm hữu cơ
Tại Hà Nội có một trang trại tên là Bảo Châu ở xã Minh Phú (Sóc Sơn) được coi là trang trại chăn nuôi hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam, được Sở NNPTNT Hà Nội chọn đưa lên Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn.
Từ thông tin này, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Đại Thắng – chủ trang trại Bảo Châu. Ông Thắng giới thiệu, với diện tích quy mô trang trại 17.000ha, trang trại có sản phẩm chính là lợn và gà được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như ngô, đỗ tương, cám, không hề có sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh hay thuốc tăng trưởng. Chính vì thế mới gọi là thịt “hữu cơ”.
“Các sản phẩm lợn và gà hữu cơ của trang trại sau khi giết mổ sẽ được đóng gói, dán nhãn mác đầy đủ và khi bán ra thị trường ở Hà Nội, khách hàng hoàn toàn có thể truy xuất được nguồn gốc và quy trình sản xuất của chúng tôi” - ông Thắng khẳng định. Tuy nhiên, khi nghe phóng viên xin vào trang trại để xem gà, lợn hữu cơ được nuôi như thế nào, thì ông Thắng từ chối với lý do “trang trại đang bảo trì”!
Ngoài trang trại Bảo Châu, trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều trang trại khác cũng sản xuất theo hướng tương tự. Điển hình như trang trại Erahouse ở đường Đê Vàng, phường Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) cũng phát triển rầm rộ với đủ các vật nuôi hữu cơ như lợn hữu cơ, cá hữu cơ, thậm chí cả chim hữu cơ... Với tên gọi là trang trại giáo dục Erahouse, Trang trại này có 2 cơ sở, với diện tích gần 3ha nằm ở vị trí đắc địa bên bờ sông Đuống.
Trong vai trò là khách tìm mua thực phẩm hữu cơ, phóng viên được bà Đặng Lưu Hoa – chủ trang trại Erahouse chào mời giới thiệu rất nhiệt tình: “Trang trại của tôi có đủ các sản phẩm từ lợn, gà, cá, chim và cả rau xanh cũng đều được sản xuất, chăn nuôi theo quy trình hữu cơ khép kín. Em mua về ăn cứ yên tâm khỏi lo về chất lượng”.
Thấy khách phân vân, bà Hoa giải thích tỉ mỉ: Đối với lợn, cá, chim… chúng tôi đều cho ăn ngô, đỗ tương và bã bia, chứ không hề cho ăn thức ăn công nghiệp, và sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Còn về thuốc, chỉ khi nào vật nuôi bị bệnh quá, thì mới sử dụng thêm thuốc kháng sinh để chữa”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, bà Hoa nói: “Về giấy chứng nhận hữu cơ thì không chỉ trang trại của tôi không có mà tất cả các trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi hữu cơ của Việt Nam đến thời điểm hiện tại đều không có. Nói sản phẩm hữu cơ thì hiểu với nhau là đều được sản xuất theo quy trình sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng…”.
Không thể gọi là thực phẩm hữu cơ
Trao đổi với phóng viên NTNN, PGS-TS. Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện ở Việt Nam có rất nhiều ý kiến trái chiều khi nói về thực phẩm hữu cơ. Có ý kiến cho rằng cứ mua giống rau, giống vật nuôi về nhà trồng và nuôi là thành sản phẩm hữu cơ.
Tôi cho rằng, đó không phải là thực phẩm hữu cơ. “Có lần sang Pháp, tôi thấy người nông dân ở đó mang gà, vịt và lợn vào tách biệt trong rừng để nuôi và họ dùng các sản phẩm tự nhiên có nguồn gốc thực vật như ngô, đỗ tương, lạc… để nuôi, thì sản phẩm thịt đó mới có thể gọi là thực phẩm hữu cơ được”- ông Vang cho biết thêm.
Giá đắt gấp nhiều lần sản phẩm thường
Khảo sát giá thực phẩm hữu cơ tại một vài cửa hàng cho thấy, sản phẩm này đắt gấp nhiều lần so với sản phẩm thường. Như tại cửa hàng Ofarm trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) bán sản phẩm thịt lợn và gà hữu cơ của trang trại Bảo Châu, với giá cả được niêm yết cụ thể như thịt lợn mông sấn, vai sấn và thịt ba chỉ đều có giá chung là 258.000 đồng/kg, thịt gà có giá là 280.000 đồng/kg. Riêng trứng gà hữu cơ có giá là 63.000 đồng/10 quả.
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang cũng cho rằng, ở Việt Nam, để có bộ quy chuẩn rõ ràng về thực phẩm hữu cơ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cùng các cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi lại bàn bạc.
TS Võ Văn Sự - Chủ tịch Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam cho biết: “Trong khi chúng ta chưa có quy chuẩn quy định thế nào là thực phẩm hữu cơ, thì việc các trang trại tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình là hữu cơ thực sự chưa chuẩn xác.
Bởi theo tôi được biết, quy chuẩn về chăn nuôi hữu cơ ở một số nước phát triển trên thế giới rất khắt khe. Cụ thể, động vật được nuôi hoàn toàn an toàn và thực sự sạch”.
Theo TS Sự, một số đồng bào dân tộc ở vùng núi phía bắc nuôi lợn, gà thả rông, tự nhiên, động vật ăn các sản phẩm thô nguyên gốc như ngô hạt, sắn củ… thì đó mới gần đạt quy chuẩn của sản phẩm hữu cơ.
Một chuyên gia của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, hiện ở các nước phát triển như Nhật Bản, Đan Mạch… đang có nền nông nghiệp hữu cơ rất phát triển và đã có bộ quy chuẩn cụ thể. Có thể một số trang trại, mô hình sản xuất, chăn nuôi được gọi là hữu cơ ở Việt Nam hiện nay đã lấy các quy chuẩn của các nước trên để áp dụng và làm theo. Còn hiện tại, Bộ NNPTNT chưa đưa ra bộ quy chuẩn về thực phẩm hữu cơ, mà chỉ có bộ quy chuẩn VietGAP...
Related news
Dù bị nghiêm cấm nhưng hiện nay, trên nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Trị vẫn tồn tại nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, hủy diệt môi sinh, tận diệt nguồn lợi thủy sản trên các sông ngòi, kênh rạch và đồng ruộng.
Trong chiến dịch hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TPHCM, Sở Công thương TPHCM vừa chủ trì buổi kết nối các DN sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) với Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Trước tình hình dịch bệnh heo tai xanh đã bùng phát tại tỉnh Long An, địa phương giáp ranh Tiền Giang, ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thú y (CCTY) Tiền Giang
Thời gian gần đây, trang trại Út Thúy (xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) luôn tấp nập các đoàn khách đến tham quan, học tập.
Trong tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức triển khai thả 12.500 con hàu giống Thái Bình Dương, trọng lượng bình quân 95 con/kg.