Chư Jút Chủ Động Triển Khai Sản Xuất Vụ Đông Xuân
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2014-2015, toàn huyện sẽ gieo trồng 900 ha cây trồng các loại; trong đó, chủ lực vẫn là ngô, lúa. Hiện nay, chính quyền và người dân các xã, thị trấn đang tích cực triển khai các giải pháp cần thiết để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả, kịp thời và phòng tránh những thiệt hại có thể xảy ra trong vụ.
Những ngày này, tại xã Chư K’nia, bà con nông dân đang tiến hành làm đất, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, tích nước… sẵn sàng xuống giống cho kịp thời vụ.
Theo UBND xã Chư K’nia thì năm nay, địa phương dự kiến gieo hơn 350 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước là 325 ha, diện tích còn lại chủ yếu là trồng rau màu. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho mùa vụ đã được địa phương chủ động triển khai, từ khâu làm đất, dọn cỏ, ủ giống, gieo trỉa đều được thông báo đầy đủ cho bà con. Xã cũng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện, các doanh nghiệp… tổ chức nhiều lớp tập huấn, xây dựng các mô hình thử nghiệm giống, chuyển giao kỹ thuật để bà con tiếp cận, áp dụng đồng bộ khi bước vào sản xuất, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Triệu Văn Đoài ở thôn 3 cho hay: “Tranh thủ những ngày nghỉ đợt hái cà phê đợt hai, gia đình tôi đã tiến hành cày xáo lại ruộng để ngâm cho ải đất, diệt mầm cỏ và vệ sinh đồng ruộng. Vì theo kinh nghiệm sản xuất nhiều năm của gia đình cho thấy, nếu làm đất từ sớm, khi có lịch xả nước xuống thì ruộng sẽ có thêm màu mỡ và tiêu diệt được các mầm sâu bệnh còn lưu tồn từ vụ sản xuất trước”.
Còn ông Nông Văn Siêu cũng ở thôn 3 thì gia đình hiện đã tiến hành dọn cỏ bờ, vừa cày ải đất, vừa bón phân vi sinh từ vỏ cà phê ủ với phân chuồng.
Ông Siêu cho biết: “Năm nay, gia đình tôi sẽ xuống giống khoảng 3 sào lúa nước. Mấy ngày qua, tranh thủ trời mưa do ảnh hưởng bão số 5, gia đình tôi đã tập trung ra đồng cày bừa, gia cố lại bờ ruộng. Hiện tại, rút kinh nghiệm những năm trước, tôi đã chủ động dự trữ sẵn nguồn lúa giống khi các hộ trong vùng “ra quân” là tôi có sẵn lúa giống để đồng loạt xuống giống với mọi người”.
Tương tự, tại cánh đồng xã Đắk Drông, hiện nay, nhiều nông dân đã và đang tiến hành dọn cỏ, cày ải đất để chuẩn bị gieo trồng đúng thời vụ.
Ông Lê Văn Phước, ở thôn 5, cho biết: "Hiện nay, đa số các hộ đã tiến hành làm đất, ủ giống và gieo sạ với diện tích khá lớn. Gia đình tôi cũng đã tập trung cày bừa đất, ủ giống đâu vào đấy cả rồi. Vì đây là vụ lúa chính trong năm nên gia đình luôn chuẩn bị chu đáo ở tất cả các khâu để việc sản xuất đạt hiệu quả cao”.
Cũng như mọi năm, ngay từ khi có lịch sản xuất vụ đông xuân, xã Đắk Drông đã triển khai kế hoạch sản xuất, đôn đốc bà con chú trọng khâu làm đất, xử lý mầm bệnh, tu sửa, nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng.
Theo Ðặng Quang Sang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì để vụ đông xuân 2014-2015 diễn ra thuận lợi, địa phương đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện, chính quyền các xã tiến hành kiểm tra, theo dõi các hồ đập, hệ thống kênh mương, đảm bảo nguồn nước tưới kịp thời.
Nhờ có sự chuẩn bị nghiêm túc ngay từ đầu như vậy nên việc triển khai sản xuất của nông dân trong các khâu từ vệ sinh đồng ruộng đến cày ải, gieo sạ diễn ra tương đối phù hợp với lịch thời vụ. Đối với khâu giống, trong vụ này, huyện khuyến cáo nông dân nên đưa vào gieo trồng những giống lúa chủ lực, có năng suất cao như RVT, ML 48, PC6, AC5, VNĐ 95-20, OM 2517, OM 706, các giống lúa lai: PBH 71, 27P31, PTE 1, TH3-3…
Đối với những vùng đất có nguồn nước bấp bênh, địa phương vận động bà con ưu tiên sử dụng những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, dưới 100 ngày. Đơn cử, tại công trình thủy lợi Ea Diêr, dự đoán năm nay sẽ không đủ cung cấp nước tưới cho toàn bộ trên 30 ha đất ruộng.
Vì vậy, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh yêu cầu xã Đắk Drông quy hoạch 10 ha trong phạm vi gần với kênh dẫn nước và suối để trồng lúa nước. Số diện tích còn lại chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Còn đối với cây ngô, vụ này nông dân tiếp tục đưa nhiều giống ngô lai như PAC 999, PAC 339, P4199, 30I87, 30B80, 30T60… vào gieo trồng.
Cùng với không khí vào vụ sản xuất của nông dân, các cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều buổi tập huấn về kỹ thuật ủ giống, gieo cấy, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, vụ đông xuân 2014-2015 sẽ đạt được nhiều kết quả, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/chu-jut-chu-dong-trien-khai-san-xuat-vu-dong-xuan-36373.html
Related news
Bước đầu cho thấy việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở bản Poọng đã nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân.
Đây là địa phương có truyền thống sản xuất rau, củ, quả quanh năm với diện tích và quy mô lớn. Với kinh nghiệm trồng rau hàng hóa, nông dân Hoằng Hợp đã đạt hệ số quay vòng đất bình quân 3,5 lứa/năm, nhiều gia đình đã gieo trồng tới 4 đến 6 lứa rau/năm. Theo tính toán, một năm, mỗi ha đất vùng chuyên canh rau cho tổng thu nhập bình quân từ 150 đến 160 triệu đồng.
Dự án có quy mô 450 m3 bể nuôi với 2.000 con giống, thả làm 2 đợt. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng (gồm mua con giống, thức ăn, thiết bị máy móc, hỗ trợ công nghệ). Dự kiến sau thời gian 1 đến 2 năm nuôi sẽ bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt từ 1,5 đến 2 kg/con.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung ngành điện tử - tin học thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thay vì trước đây chỉ có 5 ngành là dệt may; da giày; sản xuất lắp ráp ôtô; cơ khí chế tạo; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Ngày 21/11, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cho biết, việc xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đài Loan, Trung Quốc vẫn không bị ảnh hưởng nhiều sau tin đồn thất thiệt chè Việt Nam nhiễm dioxin.