Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chống nóng cho vật nuôi

Chống nóng cho vật nuôi
Author: Nguyễn Ngọc Sơn – CCCNTY Hà Nội
Publish date: Monday. May 14th, 2018

Dù mới bước vào mùa Hè, song nhiệt độ năm nay đã có hôm lên tới trên 40 độ C và dự báo trong thời gian tới tiếp tục có các đợt nắng nóng, thời tiết biến đổi khó lường. Để chủ động phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ cho đàn gia súc gia cầm, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số giải pháp kỹ thuật như sau:

Nuôi nhốt, chăn thả bò vào khu vực có bóng cây để tránh nắng.

Thứ nhất, cần kiểm tra, cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại. Trong đó kiểm tra ngay các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc gia cầm, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cho các hệ thống trên sử dụng tốt. Với các trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín cần kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật. Với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, cần tăng cường hệ thống làm mát đơn giản như dùng bạt che chắn, trang bị hệ thống giàn phun mưa thủ công tại chuồng nuôi để chủ động làm mát.

Với chuồng nuôi bò sữa đảm bảo vận hành hệ thống chống nóng tự động trong chuồng nuôi cũng như trên mái, thường xuyên kiểm tra nguồn nước làm mát, hệ thống quạt điện để bò sữa luôn được mát. Lưu ý trong chăn nuôi bò sữa nông hộ kết hợp cả hệ thống làm mát trong chuồng và chăn thả bò ra nơi có nhiều cây vào thời điểm trưa nắng để tạo mát tự nhiên cho con vật.

Thứ hai, làm tốt công tác nhập giống và vận chuyển gia súc gia cầm. Việc vận chuyển giống về địa phương cần thực hiện tốt quy trình kiểm dịch vận chuyển theo quy định. Theo luật Thú y hiện hành (có hiệu lực từ 1/7/2017) chỉ thực hiện việc cấp giấy vận chuyển đối với vật nuôi xuất nhập ngoại tỉnh. Khi vận chuyển gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng nên thực hiện vào buổi sáng sớm và chiều mát. Nếu vận chuyển đường dài chú ý cho vật nuôi nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung thức ăn, nước uống cũng như kiểm tra sức khỏe con vật trong quá trình vận chuyển. Khi vận chuyển về đến chuồng nuôi cần giảm nhiệt cho con vật thích nghi từ từ, không để con vật thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột.

Thứ ba, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm trong ngày nắng nóng. Việc đầu tiên là phải đảm bảo thức ăn đủ lượng và đủ chất, do thời tiết quá nắng nóng có thể làm cho con vật mệt mỏi, ăn uống kém hơn bình thường nên có thể chia nhiều lần ăn trong ngày. Những ngày nắng nóng con vật thường có nhiều biển đổi trong quá trình hấp thu, trao đổi chất, việc ăn uống của con vật có nhiều thay đổi không bình thường vì vậy cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, Premix, Vitamin để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Về nước uống, đảm bảo nghiêm ngặt chế độ nước uống đủ và sạch cho gia súc, gia cầm. Trường hợp không có hệ thống uống tự động, có thể sử dụng các hệ thống thủ công như xô, chậu, có thể bổ sung 1 thìa cà phê muối tinh/10 lít nước cho con vật uống cũng rất tốt.

Thứ tư, vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường xung quanh chuồng nuôi. Càng nắng nóng kết hợp với mưa nắng thất thường là điều kiện để mầm bệnh sinh trưởng và phát triển, do vậy khâu vệ sinh môi trường cũng như trong chuồng nuôi là rất quan trọng để hạn chế và ngăn chặn mầm bệnh. Hàng ngày phải đảm bảo vệ sinh cơ giới sạch sẽ từ trong ra ngoài, xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động với trâu bò.

Thứ năm, đảm bảo mật độ nuôi và chế độ vận động, tắm cho con vật. Những ngày nắng nóng cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Với chuồng nuôi trâu bò phải đảm bảo diện tích chuồng nuôi khoảng 4 – 6m2/con, bê nghé khoảng 1 – 2 m2/con. Mật độ trung bình chăn nuôi gà thịt tốt nhất là 6 – 8 con/m2.

Thứ sáu, xử lý gia súc, gia cầm có biểu hiện triệu chứng không bình thường. Hàng ngày theo dõi kiểm tra trực tiếp tại chuồng nuôi, trường hợp thấy gia súc, gia cầm có những biểu hiện không bình thường như uể oải, ăn uống kém, đặc biệt thấy biểu hiện lây nhiễm ốm nhanh thì cần tách đàn cho nhốt riêng con vật không bình thường để kiểm tra, theo dõi và điều trị. Nếu số lượng nhỏ (một vài con) không thấy biểu hiện lây lan thì áp dụng việc cho uống thuốc trợ sức trợ lực, tạo sự thoáng mát cho con vật, khi trở lại bình thường, con vật khoẻ mạnh cho nhập đàn. Trường hợp thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện triệu chứng nặng, biểu hiện lây lan, cần báo ngay cán bộ thú y cơ sở để can thiệp kịp thời.


Related news

Bón lót trong canh tác lúa thế nào cho hiệu quả? Bón lót trong canh tác lúa thế nào cho hiệu quả?

Trong canh tác lúa, bón lót là giai đoạn bón phân đầu tiên và quan trọng nhất, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt, hiệu quả sản xuất lúa cao

Monday. May 14th, 2018
Lân nung chảy Ninh Bình, NPK Ninh Bình tăng chất lượng mủ cao su Lân nung chảy Ninh Bình, NPK Ninh Bình tăng chất lượng mủ cao su

Cây cao su được trồng nhiều ở một số tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đất đỏ bazan phù hợp hơn cả với cây cao su.

Monday. May 14th, 2018
Trồng cây cà na tứ quý cho hiệu quả kinh tế Trồng cây cà na tứ quý cho hiệu quả kinh tế

Mạnh dạn chuyển đổi 2 công đất trồng nhãn kém hiệu quả sang trồng cà na tứ quý, mỗi năm anh Nguyễn Văn Nhẫn (Vĩnh Long) thu lãi trên 250 triệu đồng.

Monday. May 14th, 2018