Trồng cây cà na tứ quý cho hiệu quả kinh tế
Mạnh dạn chuyển đổi 2 công đất trồng nhãn kém hiệu quả sang trồng cà na tứ quý, mỗi năm anh Nguyễn Văn Nhẫn (28 tuổi, ngụ ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh, H.Long Hồ, Vĩnh Long) thu lãi trên 250 triệu đồng.
Anh Nhẫn chiết nhánh cà na để bán giống. Ảnh: Duy Tân
Theo anh Nhẫn, cây cà na tứ quý trồng khoảng 2 năm là cho thu hoạch. Để cây phát triển tốt nên trồng thưa. Nếu diện tích vườn không nhiều, có thể trồng mỗi cây cách nhau khoảng 3 m.
Cây cà na chịu hạn rất tốt, khoảng 10 ngày có thể tưới 1 lần, ít bị sâu bệnh tấn công nên hạn chế được tối đa lượng phân thuốc. Từ lúc cây trổ bông tới lúc hái khoảng 5 tháng, mỗi năm cho 3 mùa trái, khác với loại cây cà na thông thường chỉ cho 1 mùa trái trong năm. Cây cà na tứ quý dễ trồng, không tốn công chăm sóc, trái to, thịt nhiều, hột nhỏ, vị chua không đắng chát, sản lượng rất cao.
Để cây phát triển tốt, trước tiên phải chú trọng khâu chọn giống. Vì vậy, khi chiết nhánh, anh Nhẫn thường xuyên kiểm tra, chăm sóc để nhánh ghép đẹp, da phải non, đạt chất lượng, mỗi nhánh chiết tầm cao khoảng từ 5 - 6 tấc. Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công thu hái, mỗi ngày anh thu hoạch bằng cách dùng những thanh tre dài rung lắc cho cà na rơi xuống hoặc trực tiếp leo lên cây hái rồi mang rửa sạch cân cho thương lái. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP.HCM, Vĩnh Long, An Giang… và xuất bán sang tận Campuchia để làm món gỏi cà na.
Anh Nhẫn cho biết hiện nay với hơn 200 cây cà na cho trái, mỗi cây thu hoạch được 300 kg/năm, với giá bán dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, anh thu lãi trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, cây giống cà na rất “sốt” hàng, mỗi năm anh xuất bán trên 5.000 cây với giống, với giá bán 35.000 đồng/cây, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Anh Nhẫn đã phổ biến mô hình, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ cây giống cho nhiều thanh niên khác cùng trồng. Nhờ vậy, đến nay mô hình trồng cà na xen vườn nhãn được nhiều thanh niên địa phương áp dụng. Hiện có hơn 20 thanh niên được anh Nhẫn hỗ trợ 1.000 cây giống, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện mô hình trồng cây cà na tứ quý.
Related news
11 giống lúa chủ lực gồm nhóm giống lúa chất lượng cao là OM 4900, OM 5451, OM 7547, OM 6162; VD 20, Jasmine 85...
Trong canh tác lúa, bón lót là giai đoạn bón phân đầu tiên và quan trọng nhất, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt, hiệu quả sản xuất lúa cao
Cây cao su được trồng nhiều ở một số tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đất đỏ bazan phù hợp hơn cả với cây cao su.