Chọn Tạo, Sản Xuất, Kinh Doanh Giống Lúa Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Thống kê sơ bộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi địa phương vùng ĐBSCL canh tác khoảng 20-30 giống lúa khác nhau cho mỗi vụ lúa. Nhiều ý kiến cho rằng: Trong cùng một cánh đồng, sản xuất nhiều giống khác nhau khiến chất lượng lúa gạo không đồng đều và giá trị thương mại của sản xuất lúa gạo không cao.
Vì vậy, công tác chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống lúa ở vùng ĐBSCL đang đứng trước những yêu cầu mới nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, nâng cao thu nhập, đời sống cho người trồng lúa.
Thách thức từ thực tiễn
Theo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm cây trồng Nam bộ, thành tựu nổi bật của công tác chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL là đã phát triển số lượng lớn giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng gạo khá đến tốt. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia chọn tạo giống mới; nhiều giống phát triển mạnh và trở thành giống chủ lực hoặc giữ vị trí quan trọng trong sản xuất, như: OM4900, OM5472, OM4218, OM6162, OM7347, OM6976, OM5451,… Tuy nhiên, việc chọn tạo giống lúa chống chịu tốt với sâu bệnh hại (rầy nâu và đạo ôn) ở vùng ĐBSCL còn hạn chế.
Phần lớn các giống được công nhận cho sản xuất đều có phản ứng nhiễm rầy và đạo ôn. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát dịch bệnh trên diện rộng hoặc làm gia tăng chi phí sản xuất. Chọn tạo giống lúa cho vùng khó khăn (phèn, mặn, hạn, ngập...) chưa có kết quả nổi bật. Chọn tạo giống lúa thơm đặc sản có giá trị thương mại cao chưa được quan tâm suốt thời gian dài qua.
Nhóm giống lúa cao sản ngắn ngày, năng suất cao với chất lượng gạo rất tốt, đặc biệt như OM3536, OM4900, OM7347... còn ít và có tỷ lệ diện tích sản xuất thấp… Nhiều giống lúa công nhận gần đây được lai tạo từ nguồn bố mẹ là giống cải tiến, gần nhau; phát triển nhanh giống mới nhưng không có sự khác biệt rõ ràng về giá trị canh tác và giá trị sử dụng; độ thuần của nhiều giống mới thấp, tính ổn định không cao.
ĐBSCL có các tiểu vùng sinh thái trong canh tác lúa: vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng phù sa ngọt cặp sông Tiền - sông Hậu, Tây sông Hậu, vùng ven biển và bán đảo Cà Mau. Mỗi vùng sinh thái có các điều kiện tự nhiên khác nhau, tác động của thời tiết, khí tượng thủy văn cũng khác nhau.
Theo Cục Trồng trọt, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về cơ cấu giống trong từng vụ sản xuất, từng tiểu vùng sinh thái của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, nhưng nông dân vẫn tự canh tác các giống lúa khác nhau. Vì vậy, trong cùng một cánh đồng có nhiều giống lúa khiến chất lượng lúa hàng hóa khác nhau, tiêu thụ khó khăn…
Ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), cho rằng: “Theo Đề án phát triển giống đến năm 2020, tỷ lệ giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đối với cây lúa đạt 70-80% và chấm dứt tình trạng các hộ gia đình sử dụng lúa thịt làm giống. Nhưng, theo các nghiên cứu và phân tích của VSTA, ở ĐBSCL cũng như Nam bộ, về mặt số lượng, tỷ lệ giống xác nhận và giống tốt đạt 40-45%, tăng 10-15% so với năm 2007.
Nhưng, về mặt chất lượng, thực chất chỉ có 18,1% khối lượng lúa giống gieo sạ hằng năm đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp xác nhận… Có thể chất lượng lúa giống hiện nay đã tiến bộ hơn trước nhiều. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, cung ứng lúa giống ở ĐBSCL đòi hỏi phải được cải thiện cả về khối lượng, chất lượng và nguồn cung ứng”.
Nâng cao giá trị hạt gạo từ công tác giống
Tại buổi tọa đàm “Chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống lúa vùng ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, thông qua việc phân tích tỷ trọng các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012 và 6 tháng năm 2013, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đúc kết: Gạo phẩm cấp thấp, gạo chất lượng cao hay gạo thơm đặc sản…, loại nào thị trường nội địa và thế giới cũng có nhu cầu.
Vấn đề đặt ra là chúng ta định hướng theo nhóm gạo nào là chính để tập trung cho nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh giống phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất lúa gạo hàng hóa giá trị cao... Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là gạo chất lượng cao.
Nhưng, chiến lược sản xuất lúa gạo hàng hóa loại trắng, mềm, thon dài có giá mềm là phù hợp. Vì thị trường thế giới loại gạo này chiếm tới 75-80%; còn gạo thơm đặc sản chỉ khoảng 15%. Chúng ta vẫn cần và có khả năng nghiên cứu, sản xuất gạo thơm đặc sản để có giá trị cao hơn, không chỉ để xuất khẩu, mà nhu cầu trong nước cũng ngày một cao và để có thương hiệu lúa gạo quốc gia.
Do đó, theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, cần quy hoạch liên kết vùng để có vùng sản xuất nguyên liệu, chuyên canh lúa hàng hóa có giá trị cao. Nghiên cứu đưa ra giống lúa có tính nổi trội về năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, thích nghi biến đổi khí hậu và giải pháp kỹ thuật canh tác thích hợp.
Ngành nông nghiệp cần quản lý, chỉ đạo sản xuất theo hướng bố trí cơ cấu giống theo vùng sinh thái, quản lý giống 4 cấp... Ngoài ra, doanh nghiệp nên đặt hàng cho đơn vị khoa học công nghệ nghiên cứu giống, quy trình canh tác, mua hoặc hợp tác khai thác tác quyền giống để kinh doanh giống hoặc đầu tư vùng nguyên liệu.
Ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch VSTA, cho biết: Toàn vùng ĐBSCL chỉ có tỉnh An Giang có công ty giống cây trồng (Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang); còn lại chỉ là trung tâm giống. Hằng năm, nhu cầu lúa giống của nông dân trong vùng khoảng 37.750 tấn; trong đó có khoảng 11.325 tấn lúa giống cấp xác nhận (30%). Hiện nay, một vài trung tâm có thể cung ứng được 3.000 – 5.000 tấn lúa giống/năm.
Nhưng, trong hoạt động sản xuất, cung ứng phần lớn rất “vất vả” về mặt tài chính do hạn chế về nguồn vốn lưu động (không thể thế chấp tài sản trung tâm để vay vốn tín dụng của ngân hàng). Vì vậy, Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nên công ty hóa, hoặc cổ phần hóa các trung tâm sản xuất giống địa phương nhằm giảm áp lực khó khăn về tài chính trong công tác chọn, tạo cung ứng nguồn lúa giống tốt.
Để công tác chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống lúa vùng ĐBSCL đạt hiệu quả cao, nhiều ý kiến cho rằng: Bộ NN&PTNT cần công bố chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý về vai trò, nhiệm vụ của các thành phần trong hệ thống sản xuất và cung ứng lúa giống (chính quy, nông hộ…) để thúc đẩy từng hệ thống cung ứng giống, đảm bảo sản xuất và cung ứng đủ khối lượng, chất lượng lúa giống đạt tiêu chuẩn.
Cần có một chính sách về tạo thương hiệu cho giống lúa xuất khẩu. Trong đó, Nhà nước là chủ trì, doanh nghiệp xuất khẩu có vai trò quan trọng và chủ động cao, phối hợp với các nhà quản lý nông nghiệp, nhà khoa học chọn tạo giống, doanh nghiệp sản xuất cung ứng giống và nông dân để xây dựng chuỗi giá trị cho hạt gạo, nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Related news
Với những quyết tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, người sản xuất giống, người nuôi và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Hy vọng vụ tôm 2015 sắp tới sẽ đạt những kết quả khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra trong đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.
Cũng như nhiều hộ khác nuôi tôm ở trong vùng, ông Hòa mong muốn được các cơ quan nhà nước đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho nuôi tôm và hoàn chỉnh hệ thống điện 3 pha phục vụ việc nuôi tôm thâm canh. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu và phổ biến nhanh đến người nuôi tôm các biện pháp hiệu quả phòng trị bệnh cho tôm nuôi - nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp, nhằm giúp người nuôi giảm được rủi ro do dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi, góp phần làm tăng hiệu quả của nghề nuôi tôm ở địa phương.
Tham gia vào Hội có 50 thành viên. Mục đích chính của Hội là xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh có tổ chức theo hướng thương mại hóa, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho các hội viên trong sản xuất, kinh doanh "cá Tràu tiến vua".
Nguyên nhân diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh là do mô hình này có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân từng bước chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến, nhằm tăng thu nhập.
Là vùng đất có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thuỷ sản, cùng với việc đầu tư phát triển nuôi tôm, nuôi cá lồng bè, những năm gần đây, Quảng Ninh phát triển mạnh nghề nuôi nhuyễn thể như: Tu hài, ốc đá, ốc màu, ốc nhảy, ốc hương, hàu biển... góp phần xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.