Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chè Việt Nam XK bị trả lại đã nghèo còn neo

Chè Việt Nam XK bị trả lại đã nghèo còn neo
Publish date: Thursday. April 23rd, 2015

Hàng chục container bị trả lại

GĐ một DN chuyên XK chè (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc hơn chục container chè XK từ Việt Nam sang một số nước EU cũng như Đài Loan bị trả lại là việc có thật.

Ông này khẳng định, mới đây nhất, trung tuần tháng 4, đã có đến 3 container chè Việt Nam bị phía Đài Loan trả lại.

DN chế biến chè của vị GĐ trên tuy là một trong không nhiều đơn vị XK chè lớn nhất Việt Nam và chiếm thị phần XK khoảng 15% trong tổng kim ngạch XK mặt hàng nông sản này, nhưng cách đây không lâu cũng “dính” một container chè bị phía Đài Loan cho “hồi hương”.

Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến chè Việt Nam bị trả lại là do lượng tồn dư thuốc BVTV trong chè thành phẩm quá lớn, có những thành tố thuốc BVTV vượt cả chục lần ngưỡng cho phép.

Vị lãnh đạo DN chè trên cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên chè có xuất xứ từ Việt Nam bị trả lại. Từ năm 2012, nhiều lô hàng XK sang châu Âu bị trả về do tồn dư hàm lượng hóa chất vượt quá mức cho phép.

Số hàng bị trả về được thông báo có dư lượng 2 hoạt chất thuốc BVTV Acetamiprid và Imidacloprid vượt mức cho phép của các nước EU - khu vực được coi là có những quy định khá ngặt nghèo về tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Việt Nam, hiện nay trong danh mục thuốc BVTV, 2 hợp chất này vẫn được phép sử dụng trên chè.

“Thực tế, không phải 2 hoạt chất trên bị vượt quá dư lượng, mà có đến 6 hoạt chất là Fipronil, Acetamiprip, Imidacloprid, Carbendazim, Cypermethrin và Buprofezin. Đây là những hoạt chất mà các nước NK chè của Việt Nam, đặc biệt là EU và Đài Loan nghiêm cấm sử dụng”, vị GĐ nói.

“Chỉ tạo ra khoảng 200 tấn sản phẩm XK mỗi năm, song Việt Nam hiện có xấp xỉ 700 nhà máy chế biến chè, ngoài ra còn có vô số cơ sở chế biến thủ công của các hộ gia đình.

Không chỉ vậy ngành trồng chè Việt Nam cũng cho thấy một thực tế là SX có công suất rất thấp, hiệu quả hạn chế. Chưa hết, đội ngũ thương lái luôn ép giá nông dân ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng người trồng chè luôn bị nhiều thua thiệt”, vị lãnh đạo này chỉ rõ nguyên nhân.

Chính vì vậy, mối quan hệ giữa người nông dân và DN không mặn mà và chẳng có ràng buộc gì nhiều. Người trồng chè chuyển sang chủ động tìm nguồn giống, tự xây dựng quy trình chăm sóc và bán sản phẩm của mình cho thương lái với giá thị trường.

Theo Vitas, để ngành chè phát triển bền vững, trong thời gian tới phải tổ chức thành chuỗi giá trị từ người trồng chè đến DN chế biến và tiêu thụ. Trước hết nhà nước phải quy hoạch về vùng nguyên liệu và chế biến phù hợp, quản lý được quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường chất lượng sản phẩm. 

Việc chạy theo lợi nhuận tất yếu khiến người trồng chè chỉ quan tâm đến sản lượng. Việc sử dụng các hóa chất nhằm tăng năng suất cũng như tránh rủi ro dịch bệnh được áp dụng tràn lan. Đây chính là lý do sản phẩm chè do các DN thu gom và XK bị trả về như đã đề cập.

Hàng trả lại vẫn bị đánh thuế NK

Chưa hết, khi chè XK bị các nước NK trả lại, ngành chè Việt Nam lại tiếp tục đối mặt với khó khăn khi ngay chính các container hàng này về đến cảng vẫn bị hải quan áp thuế với mức thuế NK 40% đối với hàng nông sản từ các nước không có quan hệ thương mại với nước ta bằng các hiệp định thương mại tự do. Như vậy, vô hình chung, mặt hàng chè của Việt Nam mang đi XK mà bị trả lại phải chịu 2 lần thuế.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), giá chè XK bình quân trong năm 2014 đạt 1.695 USD/tấn, tăng 4,3% so với năm 2013 (1.626 USD/tấn). Ba thị trường XK chè chính của Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga.

Trong đó, Pakistan là thị trường NK chè lớn nhất của Việt Nam. Loại chè được XK chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè XK chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng cũng như kim ngạch.

Tuy nhiên, có một thực tế là, trên thị trường thế giới, dấu ấn chè Việt vẫn còn khá mờ nhạt. Người tiêu dùng các nước chưa nhận biết hay phân biệt được đâu là chè “made in Việt Nam” với các loại chè SX tại các nước khác.

Lý do chính là vì hiện nay, có tới 90% lượng chè của Việt Nam được XK dưới dạng nguyên liệu thô đóng bao 50 kg, chỉ 10% được XK dưới dạng thành phẩm. Tuy nhiên, ngay cả khi XK đạt kim ngạch cao thì giá chè XK của nước ta chỉ bằng 50-60% giá chè XK của các nước trên thế giới.

“Như vậy, rõ ràng việc Hải quan áp thuế NK đến 40% là hoàn toàn có cơ sở, bởi các DN XK chè Việt Nam không có căn cứ để chứng minh đó là chè của DN mình. Hải quan họ áp thuế vì cho rằng đó là nông sản được NK về Việt Nam, chứ không phải chè bị trả lại”, vị GĐ trên lý giải.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Phi, Tây Á và Nam Á (Bộ Công thương), mặc dù năm 2014, giá XK chè có tăng so với cùng kỳ năm 2013 nhưng Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có giá XK chè thấp trên thế giới. Nguyên nhân bởi chất lượng chè XK Việt Nam chưa đảm bảo, nhiều sản phẩm còn chứa tồn dư thuốc BVTV ở mức cao.

“Vì vậy cần làm tốt công tác từ khâu thu mua nguyên liệu đúng tiêu chuẩn với giá hợp lý, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, SX sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phấn đấu đưa giá chè XK ngang bằng với giá bình quân của thế giới”, Vụ này khuyến cáo.

Ngoài ra, chè Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ xuất thô nên kim ngạch XK chưa cao. Nguyên nhân là các DN XK chè Việt Nam chưa có sự liên kết mạnh hơn với người nông dân ngay từ khâu trồng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng từ nguồn nguyên liệu. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu không tự nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao uy tín, DN sẽ tự bị sàng lọc và đào thải trong quá trình giao thương.

Lâm Đồng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và sản phẩm chè XK, với 24 nghìn ha chè các loại, sản lượng chè năm 2014 vào khoảng 224 nghìn tấn, giá trị XK đạt 10 – 12 triệu USD. Thái Nguyên đứng thứ hai về diện tích và sản lượng.

Trong mục tiêu phát triển cây chè đến năm 2015, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đưa năng suất chè búp tươi đạt 120 tạ/ha, sản lượng đạt 200.000 tấn chè búp tươi/năm; 100% diện tích chè tại các vùng SX chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).


Related news

Cơ Sở Khoa Học Và Thực Tế Làm 3 Vụ Lúa Ở ĐBSCL Cơ Sở Khoa Học Và Thực Tế Làm 3 Vụ Lúa Ở ĐBSCL

Bước đầu qua điều tra tại một số huyện thuộc Hà Nội, Hà Tây cho thấy nông dân đã sử dụng 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng (thuốc trong danh mục gồm 7 loại, trong đó thuốc có chứa hoạt chất Gibberellic acid chiếm 70,9%; thuốc ngoài danh mục 1 loại).

Monday. July 16th, 2012
Cà Mau: Nuôi Cá Sấu Mắc Nợ Cà Mau: Nuôi Cá Sấu Mắc Nợ

Khoảng hai năm trở lại đây nhiều nông dân Cà Mau ồ ạt đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi cá sấu. Nhưng giấc mơ đổi đời đã thất bại, sau một thời gian nuôi, cá sấu bị chết hàng loạt hoặc tắc đầu ra khiến họ trắng tay.

Tuesday. March 20th, 2012
Kinh Nghiệm Trồng Chuối Theo GAP Của Philippines Kinh Nghiệm Trồng Chuối Theo GAP Của Philippines

Chuối là loại cây ăn trái quan trọng bậc nhất đối với Philippines về mặt sản lượng và diện tích. Do có giá trị dinh dưỡng và giá cả rẻ hơn so với xoài và khóm (dứa) nên chuối dễ tiêu thụ.

Thursday. October 4th, 2012
Nuôi Hải Sản Với Ao Chắn Ven Biển Ở Bình Thuận Nuôi Hải Sản Với Ao Chắn Ven Biển Ở Bình Thuận

Mỗi khi mùa mưa bão về, các ngư dân huyện đảo Phú Quý phải “di dời” cá mú lồng bè tránh bão. Để đối phó, ngư dân Dương Thanh Phong – xã Long Hải (Bình Thuận) đã có ý tưởng xây ao chắn quanh bờ biển để nuôi trồng hải sản. Không những tiết kiệm đất đai và cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình còn giúp ngư dân yên tâm vào mùa mưa bão.

Sunday. June 3rd, 2012
Hấp Dẫn Mô Hình Thanh Long Ruột Đỏ Hấp Dẫn Mô Hình Thanh Long Ruột Đỏ

Thanh Long ruột đỏ có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm nay nhưng mới bắt đầu trồng quy mô ở các tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh và một số ít ở TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, vùng Bảy Núi tỉnh An Giang… bước đầu đã mang lại hiệu quả rất khích lệ. Giống cây ăn trái nầy còn có tên là thanh long Nữ Hoàng, tên khoa học là Hylocereus.

Monday. October 8th, 2012