Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn nuôi gà liên kết, hướng đi thành công của thanh niên miền sơn cước Hà Tĩnh

Chăn nuôi gà liên kết, hướng đi thành công của thanh niên miền sơn cước Hà Tĩnh
Author: Nguyễn Hoàn
Publish date: Tuesday. August 16th, 2022

Cũng như nhiều thanh niên đang trăn trở trên con đường lập thân, lập nghiệp khác, anh Nguyễn Đình Khanh ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê luôn ấp ủ trong mình về mục tiêu phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sau khi học nghề, anh Nguyễn Đình Khanh trở về quê nhà ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê xây dựng gia đình và lập nghiệp, mở ốt kinh doanh vật liệu xây dựng. Mặc dù chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng với sự chịu thương chịu khó, anh cùng vợ chắt chiu lấy công làm lãi. Sau khi tích góp được một ít vốn, cộng với sự sáng tạo, ham học hỏi, anh đã bàn với vợ đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gà gia công, liên kết với doanh nghiệp. Được sự tin tưởng, ủng hộ từ người thân như đã tiếp thêm sức mạnh để anh bắt tay biến ý tưởng thành hiện thực.

Khi mọi kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tháng 4 năm 2021, trên diện tích 1200m2, anh Nguyễn Đình Khanh đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà khép kín với quy mô hơn 10.000 con/lứa. Anh Khanh cho biết, anh ký kết hợp đồng, thỏa thuận với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam đóng tại Vĩnh Phúc về đầu tư mô hình liên kết chăn nuôi gà gia công. Trong đó, công ty chịu trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà và hướng dẫn kỹ thuật. Hộ gia đình chỉ đầu tư chuồng trại ban đầu, hàng ngày chăm sóc cho đàn gà ăn và phòng dịch theo hướng dẫn.

Từ hệ thống làm mát, hệ thống máng ăn, nước uống, máy sưởi, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điện chiếu sáng,… của trại gà đều được thiết kế rất bài bản, tự động hóa hoàn toàn. Việc phân hủy phân dễ dàng làm cho mùi hôi và khí độc trong chuồng được giảm thiểu, cải thiện môi trường sống cho vật nuôi và người lao động.

Vốn dĩ là một người cần cù, chịu khó học hỏi nên ngoài việc được công ty hướng dẫn kỹ thuật, anh Khanh còn tìm hiểu nhiều tài liệu trên mạng và từ thực tiễn để có được cách chăm sóc gà tốt nhất. Nhờ nắm bắt kỹ thuật tốt nên đàn gà phát triển rất tốt, không có dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ sống đạt 98%.

“Thời gian nuôi khoảng hơn 100 ngày là có thể xuất bán, mỗi con gà có trọng lượng khoảng 2,2 kg đến 2,4 kg. Công ty đã chi trả mỗi kg gà 6.000 đồng tiền công chăm sóc. Năm đầu tiên, mỗi lứa gia đình đã chăn nuôi 10.000 con gà, sau hơn 3 tháng cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Mỗi năm 3 lứa nuôi gà đã cho gia đình thu về trên 300 triệu đồng”. Anh Khanh chia sẻ thêm.

Trên địa bàn huyện Hương Khê phong trào phát triển kinh tế đang được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện về mọi mặt; có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nhưng với quy mô 10.000 con/lứa, trại gà của anh Nguyễn Đình Khanh là trang trại chăn nuôi gà thương phẩm có liên kết quy mô lớn nhất của huyện.

Chăn nuôi gà liên kết không phải là mô hình mới trên địa bàn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, tại vùng miền núi như huyện Hương Khê, nơi được xem là “chảo lửa, túi mưa” này thì đây thực sự là hướng đi mới thể hiện được bước đột phá trong tái cơ cấu chuyển đổi vật nuôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Mà không ai khác đó chính là những người trẻ, dám nghĩ, dám làm, vượt lên khó khăn để làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Viết Long, Chủ tịch UBND xã Gia Phố, huyện Hương Khê nói: “ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, ý chí của thanh niên Nguyễn Đình Khanh trong việc mạnh dạn đầu tư liên kết phát triển chăn nuôi, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho bản thân và tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân tại địa phương. Từ kết quả của mô hình này, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn, nhằm mở ra hướng đi mới, nâng cao thu nhập cho người dân”.


Related news

Chuyện vượt khó, làm giàu của thanh niên miền núi Ba Vì Chuyện vượt khó, làm giàu của thanh niên miền núi Ba Vì

Thông qua chương trình “Thanh niên sáng tạo làm kinh tế giỏi” do Thành đoàn Hà Nội phát động, đã có nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Ba Vì vượt khó, làm giàu.

Tuesday. June 28th, 2022
Hiệu quả mô hình chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu Hiệu quả mô hình chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu

Với lợi thế nằm ven sông Hồng, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp.

Monday. July 4th, 2022
Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết sản xuất ở Ninh Thuận Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết sản xuất ở Ninh Thuận

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Wednesday. July 13th, 2022