Chăn nuôi độc, lạ sẽ thắng
Tuy nhiên vẫn đang có rất nhiều chủ trang trại tự tìm những mô hình chăn nuôi “độc”, lạ để cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Các trang trại này vẫn đang đứng vững trước những thách thức, khó khăn của ngành chăn nuôi.
Đứng vững nhờ “3 không”
Ông Nguyễn Viết Kháng ở thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn (Gia Lâm - Hà Nội) là chủ của một trang trại lợn có tổng đàn hơn 200 con, với diện tích chuồng hơn 600m2 được trang bị hệ thống làm mát tự động và rất hiện đại. Với kinh nghiệm chăn nuôi gần 20 năm nay, ông Kháng chia sẻ: “Bao năm chăn nuôi, trang trại nhà tôi chưa bao giờ biết dùng chất cấm. Dù đã có nhiều lần, nhiều mối bạn làm ăn “to nhỏ” với tôi về chất tạo nạc, chất kích thích vỗ béo lợn để tiết kiệm tiền công, chi phí nhưng tôi đều lắc đầu. Chăn nuôi ai chẳng muốn có lợi nhuận nhưng đưa những chất hóa học đó vào lợn rồi bán ra thị trường thì khác nào chính mình đang gián tiếp giết con cháu nhà mình?”.
Ông Kháng cũng cho hay, bản thân ông những năm trước đã tận mắt chứng kiến một trang trại sử dụng chất tạo nạc trộn vào thức ăn cho đàn lợn. Vì hám lợi, người chủ trang trại đã bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng, cho lứa lợn sắp xuất chuồng ăn cám có trộn chất tạo nạc. Nhưng có lẽ chủ trang trại cho lợn ăn quá mức và chưa xuất chuồng ngay nên đàn lợn bị phù chân, không đi lại được và nằm bẹp một chỗ. Ông Kháng nói: “Tận mắt chứng kiến tác hại của chất tạo nạc nên chưa bao giờ trong tư tưởng của tôi có suy nghĩ sử dụng cho đàn lợn nhà mình”.
Ông Kháng nói thêm: “Hiện nay, một số trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phát hiện và xử lý nên ít nhiều những trang trại làm ăn chân chính như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, giá lợn xuất chuồng giảm xuống. Tôi cho rằng, nếu ngành chức năng “bắt” được trang trại nào dùng chất cấm thì phải xử lý phạt thật mạnh tay, thế mới đảm bảo công bằng”.
Ghé thăm trang trại của anh Đỗ Văn Chuyên ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Hưng Yên), anh Chuyên cho biết chuồng trại của gia đình đã được mở rộng lên hơn 300m2 so với trước, tổng đàn lợn đã lên tới gần 200 con. Mỗi năm, đàn lợn đem về cho gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng. Điều đáng nói là dù nhiều trang trại đang lao đao vì chất cấm thì sản phẩm thịt lợn thương phẩm của gia đình anh Chuyên vẫn đắt hàng như thường nhờ chăn nuôi sạch.
Anh Chuyên bày tỏ quan điểm: “Một người chăn nuôi sử dụng các chất cấm để làm ăn gian dối, chạy theo lợi nhuận trước mắt thì chính họ đang bán rẻ lương tâm của mình và làm hại chính bản thân và gia đình mình. Mô hình chăn nuôi của nhà tôi là chăn nuôi khép kín từ sản xuất giống, chăm sóc đến bán thịt sẵn nên tôi luôn nhắc nhở mình thực hiện đúng “3 không”: không có chất cấm trong chăn nuôi, không nên sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và không cần sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mà đàn lợn vẫn tăng trưởng đảm bảo an toàn và chất lượng”.
Chăn nuôi “độc”, lạ sẽ nở rộ
Nức tiếng dưới chân núi Vua Bà là trang trại Hoa Viên của chị Trương Kim Hoa ở thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Với diện tích chuồng trại 3,5ha, chị Hoa đang nuôi hơn 1 vạn con lợn rừng, bình quân 1 tháng trang trại xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và 500 - 1.000 con lợn giống, doanh thu bình quân đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Chị Hoa chia sẻ, nói về nuôi lợn rừng thì hầu như địa phương nào ở miền bắc cũng có người nuôi, lợn rừng đã “đẻ” ra nhiều triệu phú, tỷ phú. Tuy nhiên, bởi vì nhiều trang trại nuôi, ai cũng tự xưng là hàng thật giá cao nên sẽ có ít nhiều trang trại chạy theo lợi nhuận. Chị Hoa từng tới một số trang trại nuôi lợn rừng nhưng cho ăn cám cò đậm đặc để lợn nhanh lớn, chóng xuất chuồng. Theo chị, cách làm của những trang trại này không nhằm mục đích chăn nuôi lâu dài và sẽ không tồn tại được khi người tiêu dùng đã bắt đầu cảnh giác khi chọn mua chất lượng thịt. Những ai sử dụng chất cấm cho sản phẩm của gia đình mình thì cuối cùng cũng vẫn sẽ bị tẩy chay.
Chị Hoa cho hay: “Trang trại của gia đình tôi đừng nói đến là dùng chất cấm trộn với thức ăn cho lợn ăn mà ngay cả thuốc kháng sinh để chữa bệnh lặt vặt của lợn chúng tôi cũng chưa bao giờ dùng đến. Hơn 10 năm chăn nuôi đến nay, thức ăn cho lợn chủ yếu là cây thuốc nam từ trên núi đem về trồng tại trang trại gồm các loại cây rau mơ, nhọ nhồi, lục vàng, rau mỏ. Phân lợn chị sẽ tiếp tục dùng để nuôi trùn quế và trùn quế lại trở thành thức ăn cho lợn. Dù không sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc tăng trọng đàn lợn vẫn có sức đề kháng cao. Cách đây mấy năm, dịch tai xanh khiến nhiều chủ trang trại bỏ chuồng, bỏ đàn thì trang trại nhà tôi vẫn bình an”.
Để thực hiện được “3 không” anh Đỗ Văn Chuyên cũng thay đổi khẩu phần ăn cho đàn lợn là sử dụng cám được chế biến từ gạo, ngô, đậu tương cùng với các cây thuốc bắc như kim ngân, bồ công anh, sơn tra đều là cây dược liệu tốt giúp phòng trị bệnh, tăng sức đề kháng cho đàn lợn và đảm bảo chất lượng thịt ngon sạch.
Anh Chuyên phấn khởi nói: “Với cách làm của mình thì tôi tin là dù không cần sử dụng đến các chất tạo nạc, vỗ béo thì đàn lợn của gia đình tôi vẫn tăng trọng, thịt vẫn nạc, ngon và bán với giá cao hơn thịt ngoài thị trường. Cá nhân tôi nghĩ, trước khi các chủ trang trại có suy nghĩ sử dụng các chất kích thích, chất cấm trong chăn nuôi lợn thì hãy nhớ lại xem gia đình mình thường ngày có ăn thịt hay không”.
Anh Phùng Văn Sơn ở thôn Muồng Voi, xã Vân Hòa (Ba Vì - Hà Nội) có trang trại VAC vừa nuôi lợn, vừa nuôi bò sữa cho hay: “Sử dụng chất tạo nạc, kích thích ở đàn lợn thì cũng nghe nhiều từ báo đài chứ tôi cũng chưa biết mặt mũi chất cấm đó trông như thế nào. Đã gọi là chất cấm thì chắc chắn là độc hại cho cơ thể người’.
Cũng theo anh Sơn, chất cấm có thể đến tay các chủ trang trại thì rất có thể bắt nguồn từ những nơi xuất bán thức ăn chăn nuôi. Nhiều khi chính các chủ trang trại cũng là vô tình sử dụng mà không biết. Nhận thấy điều này, anh Sơn chỉ mua thức ăn cho vật nuôi ở những đại lý lớn có uy tín. Gia đình anh cũng là một đại lý nhận cung cấp thức ăn chăn nuôi có thương hiệu cho bà con trong toàn xã.
Related news
Những ngày này, thương lái đã bắt đầu thu mua hải sản trở lại cho ngư dân Quảng Trị. Tuy nhiên, hiện tượng cá chết bất thường thời gian dài vừa qua khiến giá hải sản giảm từ 20-50 nghìn đồng/kg, người dân gặp vô vàn khó khăn.
Tốt nghiệp trung cấp thú y, tìm được công việc ở thành phố nhưng anh Phùng Văn Sơn, thôn Muồng Voi, xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội) lại về quê làm trang trại vườn-ao-chuồng (VAC).
Được sản xuất theo quy trình VietGAP, chế biến theo phương thức dân gian, chè bản Ven (xã Xuân Lương, Yên Thế, Bắc Giang) đã và đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, và người trồng chè đang rất tự tin hội nhập TTP...