Chăn Nuôi Cần Có Đột Phá Trong Khâu Giống
Phần lớn con giống đưa vào chăn nuôi nhập từ các địa phương khác hoặc do người dân tự sản xuất, trong khi nhiều giống vật nuôi đặc sản lại chưa phát huy được thế mạnh.
Đó là thực trạng đáng băn khoăn của ngành chăn nuôi Hà Nội hiện nay.
Nhập 70% giống lợn
Theo số liệu của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện đàn lợn sinh sản của TP hiện có 182.000 con. Hàng năm, đàn lợn sinh sản bố mẹ bị loại thải là 52.000 con, trong khi đàn lợn sinh sản ông bà chỉ sản xuất được 16.000 con để thay thế, bằng khoảng 30% yêu cầu.
Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Phát triển chăn nuôi gia súc nhỏ (Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội) cho biết, 70% giống lợn còn lại phải nhập từ các nơi khác về hoặc do người dân tự cho sinh sản. Chất lượng những con giống này chưa được kiểm soát nên ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi.
Điều đáng nói là hiệu suất sinh sản của đàn lợn bố mẹ khá thấp. Với các giống lợn nái ngoại, chỉ tiêu sinh sản đạt 2,2 lứa/năm, số con đạt 25 - 28 con/năm, số lợn con sau cai sữa đạt 24 con. Tuy nhiên, đàn lợn nái của TP hiện mới đạt chỉ số sinh sản 20 - 22 con/năm và số con sau cai sữa bình quân là 18,7.
Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cũng nhận định, hiện TP còn thiếu các trại sản xuất giống lợn ông bà, bố mẹ. Do vậy, không đủ lợn giống bố mẹ có năng suất cao cung cấp cho người chăn nuôi.
Không chỉ giống lợn, Hà Nội hiện cũng đang có nguy cơ thiếu giống bò cái sinh sản làm nền để sản xuất giống bò theo hướng lấy thịt, sữa, nhất là đàn bò cái nền lai Sind đang giảm mạnh.
Về gia cầm, thủy cầm, do sản xuất giống chưa đáp ứng nhu cầu nên người chăn nuôi vẫn phải nhập giống từ nơi khác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm. Trong khi đó, nhiều giống vật nuôi đặc sản của TP như gà Mía (Sơn Tây), vịt cỏ Vân Đình (Ứng Hòa), gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn... phát triển còn rất hạn chế.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất, cung cấp nguồn thực phẩm đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng cho Thủ đô, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là con giống.
Theo nhiều ý kiến, mỗi huyện cần có 2 - 3 trại nái ông bà để cung cấp con giống trên địa bàn. Đồng thời, cần tăng nhập các giống ngoại có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Ước tính, nếu cải tạo được đàn lợn nái, mỗi năm, TP sẽ có thêm 800.000 con lợn giống cung cấp cho các vùng chăn nuôi.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, nhiệm vụ của ngành chăn nuôi trong thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng con giống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, đưa giống gia súc, gia cầm mới vào sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Đặc biệt, cần phát triển mạnh mẽ sản xuất, cung ứng các giống gà đồi thả vườn, vịt cỏ của TP đảm bảo chất lượng để chăn nuôi phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, gắn với xây dựng thương hiệu. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội vừa qua đã đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn bò, đàn lợn và triển khai một số mô hình sản xuất giống chất lượng cao.
Tiêu biểu là tư vấn cho Công ty CP Tiên Viên (Chương Mỹ) thử nghiệm thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo gà trên cơ sở chọn lọc đàn gà trống Ri lai Mía cho đàn gà mái hậu bị. Kết quả, một liều tinh cho 10 - 12 con gà mái, gà con sinh ra có tỷ lệ sống cao (trên 90%). Mặc dù vậy, để đáp ứng yêu cầu chăn nuôi của TP vẫn cần bước đột phá mới trong khâu sản xuất con giống.
Related news
Trong những năm qua, từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội Nông dân tỉnh và vốn ủy thác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhiều hội viên đã có thêm vốn để phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng.
Nằm ngoài vùng dịch bệnh, không có tình trạng gia cầm nhập lậu tại địa phương, nhưng người chăn nuôi ở Vĩnh Phúc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ nặng.
Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã chuyển đổi từ nuôi heo, gà sang nuôi các loại đặc sản như heo rừng, rắn, chim trĩ, cá sấu… Đây là các loại vật nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, lãi cao.
Thời gian gần đây, do sức hấp dẫn từ hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lóc giống mang lại nên có rất nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã đổ xô đào ao cá lóc. Việc mở rộng diện tích nuôi cá lóc tự phát trên nền đất lúa không theo sự khuyến cáo và quy hoạch của ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.
Sáng ngày 16/8, Hội nghị Hợp tác 4 nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân) về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả nhãn chín muộn giá trị cao năm 2013 được tổ chức tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.