Chăn Nuôi Bò Vượt Khó Trên Đất Cù Lao
Từ hộ nghèo, nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Thơm, ngụ ấp Bà Tiên 1 (Phú Đông, Tân Phú Đông - Tiền Giang) đã trở thành hộ điển hình trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, gia đình ông canh tác 2 ha ruộng, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa nhưng cho thu nhập không cao, đời sống kinh tế rất khó khăn. Qua báo, đài, ông được biết mô hình nuôi bò sinh sản cho lãi cao nhưng chăm sóc cũng không quá khó. Rồi ông nhận thấy vùng đất bãi bồi ven sông, kinh, rạch phù sa màu mỡ ở địa phương có nhiều cây cỏ và phụ phẩm nông nghiệp có thể làm thức ăn cho bò. Thế là ông bắt tay vào việc nuôi bò sinh sản.
Ông đã tìm đến Hội Nông dân xã mượn vốn với hình thức góp vốn xoay vòng mua 2 con bê cái về nuôi. Tận dụng nguồn cỏ tự nhiên từ các ruộng rau ở ven kinh rạch, ông dùng làm thức ăn cho bò. Khi đàn bò tăng về số lượng, ông tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng cỏ voi làm thức ăn thêm cho chúng. Còn vào những tháng mùa khô hay mưa dầm, ông tận dụng và dự trữ nhiều phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cám… cho bò ăn.
Theo ông, nuôi bò chủ yếu là lấy công làm lời, không tốn nhiều chi phí, lại chỉ đầu tư một lần để mua con giống. Để tránh rủi ro trong chăn nuôi, ông thường xuyên theo dõi các chương trình khuyến nông, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi và sản xuất để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Đặc biệt, việc theo dõi sức khỏe và tiêm phòng vắc - xin phòng dịch bệnh cho bò phải đúng định kỳ, chuồng trại phải luôn vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để tránh cho bò bị nhiễm bệnh. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào và được chăm sóc tốt, đàn bò của ông phát triển rất nhanh, mỗi năm xuất bán bò thịt thu lãi 30 triệu đồng.
Từ ngày nuôi đàn bò đến nay, kinh tế gia đình ông đã có của ăn, của để. Thu nhập từ nuôi bò đã giúp gia đình ông xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con học nghề. Bên cạnh nuôi bò, gia đình ông còn canh tác lúa, trồng sả, nuôi thêm gà, vịt để cải thiện cuộc sống gia đình. Sau khi trừ chi phí, nuôi bò, trồng lúa và cây sả mang lại thu nhập cho gia đình trên 60 triệu đồng/năm.
“Trước đây làm lúa, thu nhập rất bấp bênh. Từ ngày nuôi bò, kinh tế gia đình đã khá hơn. Trong năm, bò đẻ bê cái, tôi để lại nuôi và nhân giống. Còn bê đực, tôi nuôi từ 5 - 7 tháng sẽ bán. Tùy thời điểm và giá cả thị trường, mỗi con bò có thể bán được từ 14 - 15 triệu đồng. Thu nhập của gia đình vì thế cũng khá hơn” - ông Nguyễn Văn Thơm nói về hiệu quả của mô hình nuôi bò của mình.
Related news
Diện tích ca cao trong tỉnh Bến Tre còn không nhiều, từ trên 10.000ha nay giảm còn trên dưới 2.500ha. Hiện nay, ngoài kỹ thuật trồng, chăm sóc chưa đúng thì yếu tố sâu hại là vấn đề rất đáng lo ngại.
Thời gian qua, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng xác định sản xuất nông nghiệp là kinh tế chủ yếu, trong đó lúa là cây trồng chủ lực; Vì vậy, huyện đã tập trung thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng mô hình cánh đồng lúa lớn, giúp nông dân liên kết sản xuất, có đầu ra ổn định.
Mặc dù tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều biện pháp duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, diện tích mía trong tỉnh đang bị giảm mạnh.
Thời gian qua, nhận thấy trồng cây ăn trái theo kiểu manh mún nhỏ lẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã tích cực vận động các nhà vườn tăng cường liên kết, thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) cây ăn trái. Sự ra đời của các tổ chức kinh tế tập thể này đã và đang hứa hẹn sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ trái cây của nhà vườn trên địa bàn huyện.
“Thị trường cây giống luôn dao động, vì thế đòi hỏi người sản xuất phải luôn đi trước đón đầu tìm giống mới để không bị lạc hậu”. Đó là suy nghĩ của anh Lê Văn Thảo, được xem là “tỷ phú” cây giống mãng cầu ở ấp An Thạnh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách.