Chấn Chỉnh Kinh Doanh Giống Thủy Sản
Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về quản lý giống thủy sản (gọi tắt là Thông tư 26) có hiệu lực từ ngày 5.7 là cơ sở để Quảng Nam chấn chỉnh hoạt động sản xuất, mua bán con giống thủy sản trên địa bàn.
Quản lý tôm giống
Thông tư 26 quy định các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư về giống thủy sản. Địa điểm thực hiện sinh sản giống thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; phải có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập về. Các cơ sở phải công bố tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo chất lượng giống thủy sản đã công bố, thực hiện ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất kinh doanh giống thủy sản, lưu giữ hồ sơ tối thiểu là 3 năm.
Đồng thời, cơ sở thực hiện cho sinh sản giống thủy sản phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thủy sản. Riêng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ thì phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trở lên.
Đây được xem là cơ sở để Quảng Nam siết chặt việc quản lý sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh. Bởi hiện tại, việc kinh doanh tôm giống diễn ra tràn lan, tự phát, trong khi đó hạ tầng các cơ sở ương giống không đảm bảo, trang thiết bị lạc hậu, nguồn nhân lực không được đào tạo bài bản...
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống. Trong đó 27 cơ sở sản xuất giống tôm sú đang hoạt động tại xã Điện Dương (Điện Bàn), 18 cơ sở ương giống tôm thẻ chân trắng ở các xã Tam Hải (Núi Thành) và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Trong khi các cơ sở sản xuất giống tôm sú đều có quy mô nhỏ, công suất thấp (dưới 5 triệu post/năm) thì hoạt động kinh doanh giống tôm thẻ chân trắng cũng rất manh mún, khó kiểm soát.
Do Quảng Nam chưa sản xuất nhân tạo được giống tôm thẻ chân trắng nên các cơ sở trên địa bàn tỉnh đều nhập giống từ các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận về lưu giữ trong một thời gian ngắn để xuất bán cho người nuôi. Số lượng giống tôm thẻ chân trắng xuất bán mỗi năm khoảng 500 triệu con. Tuy nhiên, hầu hết tôm giống tại Quảng Nam đều chưa qua kiểm dịch. Theo Thông tư 26, đảm bảo chất lượng giống là điều cấp thiết nhất hướng đến ổn định nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh giống thủy sản phải bắt buộc thực hiện kiểm dịch theo quy định. Khi vận chuyển giống về cơ sở để ương, dưỡng thành giống lớn phải có hóa đơn ghi xuất xứ rõ ràng, có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc mua giống để ương. Cũng theo thông tư, việc kiểm tra chất lượng giống thủy sản của ngành chức năng sẽ được tiến hành gay gắt hơn và có thể diễn ra trong bất cứ thời gian nào khi có nghi vấn.
Kiểm soát chất lượng giống thủy sản
Sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tồn tại nhiều bất cập. Việc đầu tư sản xuất thiếu ổn định đã khiến chất lượng con giống không đảm bảo. Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, khi thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5.7, đơn vị sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát kinh doanh giống thủy sản để đưa hoạt động này vào nền nếp.
Tuy nhiên, theo bà Tâm, đây là định hướng lâu dài, không thể thực hiện triệt để trong thời gian ngắn. Bởi vậy, đối với các cơ sở ương tôm giống trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện hoạt động theo quy định của thông tư sẽ được “nới lỏng” tồn tại đến cuối năm 2013.
Đến lúc đó, các cơ sở này vẫn chưa hoàn thiện đầu tư, chưa đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đầu tư giống thủy sản thì sẽ bị cấm hoạt động. “Con giống đảm bảo chất lượng mới có thể hy vọng vụ nuôi thành công, bởi vậy những cơ sở nào không đáp ứng được điều này thì thôi sản xuất.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh việc quy hoạch, tập trung sản xuất giống tại 3 địa phương quy tụ về một địa điểm để sản xuất đúng theo quy trình sản xuất khoa học đã được ban hành” - bà Tâm nói.
Liên quan đến việc quy hoạch, tập trung sản xuất giống thủy sản về một địa điểm, hiện tại khu sản xuất giống thủy sản Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) sắp sửa đi vào hoạt động. Theo bà Tâm, tại khu sản xuất này, các công ty, cơ sở sản xuất giống phải đáp ứng được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của tôm bố, mẹ được nhập về sinh sản giống.
Việc gia hóa, lai tạo tôm bố, mẹ cũng phải được tiến hành trên cơ sở khoa học. Theo đó, tôm bố, mẹ được các công ty, cơ sở sản xuất giống nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe nuôi an toàn sinh học.
Đặc biệt tôm bố mẹ phải được nuôi cách ly kiểm dịch và lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR - phương pháp cho phép phát hiện và định lượng vi rút gây bệnh tôm trước khi xuất hiện các biểu hiện sinh lý. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh trong nuôi tôm thẻ chân trắng.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, để Thông tư 26 phát huy hiệu quả, việc nâng cao các biện pháp chế tài đối với các cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh giống thủy sản không đảm bảo cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành là điều rất cần thiết. Cùng với đó là hoàn thiện các trang thiết bị, máy móc xét nghiệm công nghệ cao.
Related news
Là công nhân cơ khí tại Nhà máy Z195, với đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống, anh Trịnh Hồng Hiền ở xã Hợp Châu (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) đã nuôi ý định làm giàu trên chính mảnh đất ông cha để lại.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến ngày 9/5, trên địa bàn tỉnh có 49,3 ha tôm nuôi bị chết, do bệnh môi trường và đốm trắng; làm chết khoảng 8 triệu con tôm giống, thả nuôi từ 40-50 ngày tuổi.
Trong vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp không ít khó khăn như dịch bệnh, giá rớt, đầu ra chưa ổn định. Hậu quả là người chăn nuôi lỗ nặng, không đủ vốn để tái đàn khi giá sản phẩm lên cao...
Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, mô hình tôm sinh thái đang mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng rừng ngập mặn. Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả của huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Hiện nay, huyện đã có trên 5.270ha được công nhận tôm sinh thái, còn lại khoảng 5.000ha đang đề nghị công nhận trong thời gian tới.
Xuất khẩu phục hồi, giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại trong hơn một tháng qua, nhưng người nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn rất dè chừng, không dám đầu tư khôi phục sản xuất.