Cây Trồng Vụ Đông, Ấm Lòng Người Dân Quản Bạ
Tiết trời se lạnh của những ngày cuối Thu báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt đang đến với người dân “một nắng hai sương” của huyện Quản Bạ.
Những năm qua, cây trồng vụ Đông đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Qua kinh nghiệm sản xuất của bà con, vụ Đông phải được gieo trồng sớm, đảm bảo thời gian sinh trưởng và thu hoạch mà không ảnh hưởng tới sản xuất vụ Xuân. Vào thời điểm này, bà con huyện Quản Bạ đã hoàn thành 50% diện tích cây trồng vụ Đông.
Với phương thức luân canh: Tăng hệ số sử dụng đất lên 2 lần, đa dạng các loại cây trồng, có năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định và phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, vụ Đông năm nay, huyện Quản Bạ triển khai ra quân sản xuất tại tất cả các xã, thị trấn với tổng diện tích gieo trồng khoảng 1.000 ha, tăng gần 175 ha so với vụ Đông năm trước, trong đó: khoai tây 150 ha, rau đậu các loại 877 ha, ngoài ra còn trồng xen canh trong vườn trên 700 ha rau đậu các loại và triển khai trồng 34 ha hoa Tam giác mạnh ở 7 xã.
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, huyện Quản Bạ đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ sớm, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ động quỹ đất tại các địa phương.
Vùng duy trì và phát triển mạnh là các xã Quyết Tiến, Đông Hà, thị trấn Tam Sơn... Trong khi cây trồng ở nơi khác còn chưa bén rễ, các cánh đồng khu vực những xã này đã được phủ xanh bằng cây bắp cải, su hào, rau màu các loại. Hiện tại, bà con đang gối vụ các loại rau màu, chăm sóc diện tích đã trồng.
Do luôn đảm bảo khung thời vụ nên sản lượng cũng như chất lượng các loại cây trồng ở khu vực này luôn đạt ở mức cao với các loại rau chủ yếu như su hào, bắp cải, khoai tây, cà chua, cải ngồng...
Sản xuất rau màu vụ Đông đã trở thành vụ chính của bà con nông dân. Cây trồng vụ Đông không chỉ thay đổi thói quen, tư duy trong lao động sản xuất theo hướng thâm canh tăng vụ mà còn mang lại nguồn thu nhập chính cho người nông dân, bởi rau vụ Đông luôn cho thu nhập cao hơn so với một số cây trồng khác.
Trên cánh đồng thôn Nà Sài, xã Đông Hà, không khí sản xuất vụ Đông luôn sôi động. Từ rất sớm, nhiều bà con đã cười nói rôm rả dưới cánh đồng. Đang cố gắng hoàn thành việc trồng khoai tây trên khu ruộng của mình, ông Nguyễn Xuân Tráng vui vẻ cho biết: Với 1 sào trồng rau chỉ trong thời gian 1,5 đến 2 tháng có thể thu về 2-3 triệu đồng, nếu trồng cây khoai tây thì thu nhập còn khá hơn, khoảng 9-10 triệu đồng/sào...
Vụ Đông năm nay, toàn xã Đông Hà gieo trồng 85 ha ngô, 16 ha khoai tây và 20 ha rau, màu các loại. Đặc biệt năm nay Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình 5ha trồng rau, đậu các loại ở thôn Thống Nhất, được hỗ trợ giá giống, phân bón.
Công tác chỉ đạo triển khai sản xuất được UBND xã thực hiện từ rất sớm, nội dung phù hợp với tập quán canh tác, thổ nhưỡng địa phương; người dân trong xã chủ động, khẩn trương thu hoạch lúa, làm đất. Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Học cho biết: “Ngay từ giữa tháng 9, chúng tôi đã tham mưu với Đảng ủy xã ra Nghị quyết tập trung chỉ đạo nhanh chóng thu hoạch lúa mùa, chuẩn bị đất tiến hành sản xuất vụ Đông, thống nhất nội dung chỉ đạo tới từng thôn. Nhờ đó, tiến độ thu hoạch lúa mùa, làm đất, gieo trồng cây vụ Đông trên địa bàn xã được bà con tiến hành rất khẩn trương.
Nhiều năm nay, vụ Đông đã trở thành vụ chính trên đồng đất Đông Hà. Không còn diện tích đất nông nghiệp nhàn rỗi, bỏ hoang. Hộ nào ít lao động, không có nhu cầu trồng trọt vụ Đông được các gia đình khác mượn lại ruộng đất canh tác tăng thêm thu nhập”.
Cùng việc mở rộng diện tích các cây trồng chính ra khắp các xã trong huyện, những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường, nông dân của xã Quyết Tiến và thị trấn Tam Sơn đã gieo trồng cây vụ Đông sớm.
Mặc dù không nằm trong kế hoạch sản xuất vụ Đông nhưng nhiều gia đình đã phát triển các cây trồng này, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Theo tính toán của chuyên môn và các hộ dân, trồng các loại cây rau màu như rau, đậu các loại cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Bà Lý Thị Tuyên, tổ 4, thị trấn Tam Sơn cho biết: “Trồng cây vụ Đông tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá, 1.000m2 ruộng cấy 2 vụ lúa cũng chỉ bảo đảm được lương thực cho gia đình, lợi nhuận không đáng kể nhưng với diện tích đó trồng rau màu, gia đình tôi có thu nhập hơn 10 triệu đồng”.
Có thể khẳng định: Ngoài 2 vụ lúa thì cây vụ Đông trở thành cây thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Bên cạnh thu nhập trực tiếp mà nông dân có được, phát triển vụ Đông còn thúc đẩy chăn nuôi bởi nguồn thức ăn là các loại rau củ rất phong phú, có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Trao đổi với ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quản Bạ được biết: Để khuyến khích người dân tích cực tham gia phong trào sản xuất vụ Đông, năm nay huyện đã hỗ trợ 6 triệu đồng/ha trồng cây khoai tây, nông dân tích cực chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa.
Huyệnđịnh hướng để các xã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông, chọn các cây trồng phù hợp với đất đai của từng vùng để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, giúp người dân có thêm nguồn thu từ chính những thành quả lao động của mình.
Với kinh nghiệm của bà con cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, vụ Đông năm nay, Quản Bạ quyết tâm giành thắng lợi cả diện tích lẫn năng suất, đặc biệt là tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, mang no ấm đến với người dân.
Related news
Là xã miền núi với nhiều khó khăn, nhưng Sơn Kim 2 (Hương Sơn - Hà Tĩnh) vẫn mạnh dạn đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2016. Cả hệ thống chính trị đến từng người dân đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch đặt ra, trước mắt là đạt 15 tiêu chí vào cuối năm 2015.
Ngày 9/9, Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Củ Chi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Liên kết vừa là phương phức vừa là mục tiêu hướng đến trong việc sản xuất gắn với thị trường, phục vụ cho Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh. Gần 3 năm qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành liên kết chăn nuôi Lợn với qui mô lớn với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) và Công ty Khoáng sản Thương Mại Hà Tĩnh đã mang lại nhiều tín hiệu lạc quan.
Mấy năm nay, tư thương biết đến ông, họ đã tìm lên tận Pha Cúng cất hàng. Ông chỉ việc ngồi nhà đếm tiền mỏi tay. “Giờ thì vợ chồng tôi nhàn rồi. Ngay từ đầu vụ đã chốt được giá nhãn. Thuê người hái rồi đếm tiền là xong” - ông Binh hào hứng khoe.
Cái bắt tay giữa nông dân và siêu thị Việt ngày càng chặt được kỳ vọng sẽ tạo nhiều đột phá cho nông sản Việt trên con đường khẳng định thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng trong nước và từng bước vươn ra khu vực.