Cây trồng biến đổi gien cuộc tranh cãi bất tận?
Bên phản đối lo ngại nguy cơ về những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe con người và sự đa dạng sinh học...
Giống biến đổi gien - không phải là chìa khóa vàng
Một nhà khoa học tại buổi tọa đàm về cây trồng biến đổi gien (do Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt tổ chức tuần qua ở TPHCM) nhận định, nếu như công nghệ thông tin được cả thế giới đón nhận thì với công nghệ sinh học, cụ thể hơn là biến đổi gien, đặc biệt là cây trồng biến đổi gien thì có 2 phe: bên ủng hộ, bên phản đối. Gần đây xuất hiện thêm “thành phần thứ 3”, không phản đối nhưng cũng chưa sẵn sàng ủng hộ khi cây trồng biến đổi gien được sản xuất trong nước. Chỉ có một điều là cả 2 bên đều đồng thuận: cây trồng biến đổi gien là thành tựu khoa học và không phải là giải pháp duy nhất để tăng năng suất.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, mục tiêu ban đầu của biến đổi gien là cải thiện khả năng bảo vệ cây trồng chống chịu sâu hại; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Gần đây, phát triển cây trồng biến đổi gien nhằm cải tiến hàm lượng dinh dưỡng nông sản cho người nghèo, người mắc bệnh nan y, cải tiến tính chống chịu stress trong tự nhiên do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Việt Nam đất ít, người đông, hạn hán luôn đe dọa và ngày càng mở rộng; an ninh lương thực luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu trong chiến lược khoa học công nghệ. Việc phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi buộc phải tận dụng cơ hội tiến bộ khoa học công nghệ để đảm bảo an ninh lương thực, trong đó có công nghệ gien.
Vì vậy, cây trồng biến đổi gien là một trong những giải pháp đáp ứng nhu cầu sản xuất, không phải là “chìa khóa vàng” của ngành nông nghiệp. Giống bắp biến đổi gien được đưa vào sản xuất có hai loại đặc tính là kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ. Những khu vực nào cây bắp thường xuyên bị sâu bệnh nặng thì trồng giống bắp biến đổi gien kháng sâu mới phát huy tác dụng, năng suất cây trồng được đảm bảo. Ngược lại, ở những vùng ít bị sâu bệnh mà trồng loại giống biến đổi gien trên sẽ không có ý nghĩa gì. Tương tự, đối với loại kháng thuốc trừ cỏ, ở những vùng có thể sử dụng các biện pháp trừ cỏ khác hoặc cỏ ít thì không nhất thiết phải sử dụng loại giống biến đổi gien.
Không “tô hồng” hay “bôi đen”
Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, không phản đối nhưng cho rằng cần tiếp cận thận trọng. Chưa thể ứng dụng diện rộng khi các nhà khoa học chưa đồng thuận. Trong nước hiện có giống 8 - trên 10 tấn/ha/vụ, nhưng năng suất bắp bình quân cả nước chỉ 4,3 - 4,4 tấn/ha/vụ là do 80% diện tích chưa có nước tưới, tổ chức sản xuất kém chứ không phải do giống. Vì vậy, cần tiếp cận thông minh và có lợi nhất cho Việt Nam. “Bên thứ 3” còn lo ngại việc cho phép đưa giống biến đổi gien nước ngoài vào sẽ dẫn đến việc độc quyền giống. GS-TS Nguyễn Văn Tuất, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng từ thập niên 1990, khi giống bắp lai vào Việt Nam cũng đã có không ít ý kiến lo ngại như trên, nhưng thực tế, giống bắp lai trong nước sản xuất chiếm thị phần lớn hiện nay. GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, nếu giống bắp biến đổi gien không mang lại hiệu quả thiết thực, bà con sẽ không mua để sản xuất tiếp.
Đã 20 năm kể từ khi giống cây trồng biến đổi gien đưa vào sản xuất rộng rãi, các tranh cãi lợi - hại vẫn tiếp diễn. Do đó, minh bạch thông tin là ý kiến được nói đến nhiều ở cả các bên để người tiêu dùng hiểu đúng và lựa chọn. Bản chất giống cây biến đổi gien không làm tăng năng suất như một số người ngộ nhận. Nhờ chống chịu được đặc tính nào đó như kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ… nên sẽ giúp cho giống cây đó năng suất tăng thêm lên như tiềm năng giống bắp đó có thể đạt được. Việc đưa giống bắp biến đổi gien vào trồng không phải là biện pháp thay thế mà chỉ làm phong phú thêm bộ giống đang có để người nông dân có thêm sự lựa chọn.
“Bên” phản đối hay “trung gian” thừa nhận đây là tiến bộ khoa học nhưng vẫn lo ngại về tương lai nên yêu cầu cần dán nhãn sản phẩm biến đổi gien để người tiêu dùng biết và lựa chọn. TS Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết đến nay chưa có báo cáo chính thức nào trên thế giới được công nhận về tác hại của cây trồng biến đổi gien. Một số nghiên cứu ở Pháp, Anh nói thực phẩm biến đổi gien ảnh hưởng đến bào thai hay chuột đã bị phản biện và phải rút lại các bài báo. Bên phản đối lo ngại tác hại trong tương lai, phe ủng hộ nêu lên ảnh hưởng trước mắt đối với sức khỏe người dân và môi trường nông thôn vì lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ngày càng nhiều.
Related news
Cuối tháng 5-2014, dịch bệnh ở tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) diễn biến phức tạp, nhưng với sự tập trung cao của ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương, dịch bệnh đã được khống chế. Người nông dân đã yên tâm thả bù đợt mới, một số diện tích không bị dịch bệnh đang bắt đầu cho thu hoạch.
Đến nay, tổng diện tích gieo sạ lúa Hè Thu là 225.260ha bằng 91,1% so với cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch 14.589ha chủ yếu ở các huyện Đồng Tháp Mười, năng suất tươi ước đạt 58,7 tạ/ha, sản lượng đạt 85.565 tấn. Tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhiều nơi nông dân thu hoạch sớm nhưng giá lúa đang dao động ở mức thấp.
Ngày 7.7.2014, UBND huyện Xín Mần đã tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ xuân. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện và Bí thư, Chủ tịch, cán bộ Khuyến nông, Khuyến lâm, một số các gia đình sản xuất giỏi thuộc 19 xã, thị trấn cùng tham dự.
Trong 3 năm qua, Lô Lô Chải được Đảng ủy, UBND xã Lũng Cú (Đồng Văn) chọn là 1 trong 2 thôn điểm xây dựng Chương trình Nông thôn mới (NTM). Để phát huy hiệu quả nét văn hóa truyền thống đặc sắc của thôn và xuất phát từ nhu cầu cuộc sống thực tế của người dân trên địa bàn, vì thế chăn nuôi và dịch vu, du lịch luôn là 2 lĩnh vực được thôn chú trọng phát triển.
Sau gần 2 năm khủng hoảng nặng nề khiến DN làm giống, người chăn nuôi lao đao, gần 3 tháng trở lại đây, thị trường chăn nuôi trong nước ổn định tích cực.