Cây khoai mì Ô Tà Bang
Đó là thế mạnh sản xuất nông nghiệp khu vực tiếp giáp Thới Sơn, An Phú, An Cư, Văn Giáo (Tịnh Biên - An Giang)… do đồng bào Khmer và người Kinh trồng trên đất đồi dốc, xen vườn cây ăn trái và cây rừng. Khoai mì ở đây không chỉ lấp vụ chờ mưa, mà còn giúp nông dân cải thiện kinh tế gia đình và ứng phó trong điều kiện biến đổi thời tiết.
Cây trồng thích nghi thổ nhưỡng
Bước sang rằm tháng bảy âm lịch, khoai mì Ô Tà Bang được khoảng 60 ngày tuổi, đây là thời điểm cần chăm sóc và bón phân để cây tiếp tục phát triển và đạt năng suất như ý. Ông Chau Kunh (ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo) cho hay, thời vụ trễ hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng cây lên cỡ đầu gối thì không còn sợ chết nữa, dù cho nắng hạn nhiều ngày. “Tui biết trồng khoai mì hơn mười năm nay. Đây là giống mới của Nhà nước cấp phát, được cán bộ kỹ thuật dạy cách thức trồng, rồi giữ giống luôn tới giờ” – ông Chau Kunh nói.
Đối với người dân xứ núi, cây khoai mì không lạ lẫm, mà đã trở nên quen thuộc. Bởi, loài cây này thích nghi với đất pha cát và chống chịu được hạn, nhất là đất đồi dốc và đất ven triền núi. Đó là loài khoai mì ngắn hạn, chu kỳ sinh trưởng từ 4,5 - 6 tháng, nhiều người còn gọi là khoai mì kè hay khoai mì nấu ăn thường thấy. Thế nhưng, đối với khoai mì giống mới thì đặc tính sinh trưởng dài ngày (khoảng 8 tháng), không nấu ăn mà thường dùng để sơ chế. Theo ông Chau Kunh, bà con quen gọi là khoai mì lấy tinh bột hoặc khoai mì công nghiệp, chỉ máy móc mới chế biến được.
Biến đổi theo thời gian, khoai mì kè Ô Tà Bang có giá “teo tóp” dần, nhường chỗ cho khoai mì công nghiệp. Vài năm trở lại đây, loài giống mới luôn mở rộng, một phần nhờ có doanh nghiệp thu mua và sơ chế tại chỗ, một phần do biến đổi thời tiết và thường gặp khó khăn về khâu nước tưới. Ông Chau Thanh (khu vực chùa Rô, xã An Cư) than vãn: “Nắng hạn, trồng đậu cũng chịu thua, hổng có nước tưới bị thất bát. Đất đồi dốc chỉ có khoai mì, vì cây này chịu hạn tốt”. Do vậy, cây bắp, củ sắn, họ đậu… chỉ rải rác, còn cây khoai mì công nghiệp chiếm ưu thế trong khu vực.
Kích thích nhờ thu mua
Mấy năm nay, khoai mì Ô Tà Bang khoảng 130.000đ/tạ (75kg), giá còn tùy thuộc từng thời điểm và củ cho tinh bột nhiều hay ít. Hiện tại, giá khoai mì cỡ 100.000đ/tạ. Ông Nguyễn Văn Thuận (ấp Núi Két, xã Thới Sơn) lý giải: “Dân nhà nông gọi đó là mì non, giá mới vậy, chứ để đúng tuổi thì giá phải cao hơn. Đó là những hộ gặp khó khăn, cần tiền xoay sở gia đình, đôi khi họ tính trồng cây khác mới dỡ sớm”. Thu hoạch sớm, năng suất sẽ thấp và giá cũng thấp. Tuy nhiên, hạch toán chi phí sản xuất, người trồng khoai mì công nghiệp lãi không dưới 20% mỗi tạ.
Trên đoạn Hương lộ 17A (ấp Bà Đen, xã An Cư) và khu vực Đây Cà Hom – Vĩnh Thượng, có nhiều điểm thu mua và sơ chế khoai mì. Theo người dân sở tại, đây chính là động lực thúc đẩy cây khoai mì Ô Tà Bang và cả miền núi Tịnh Biên phát triển. Ông Chau Tít (khu vực chùa núi Nenl Non, xã Văn Giáo) cho hay, nếu chăm sóc tốt thì năng suất 40 tạ/công, trừ chi phí 50% cũng còn lời 50%. “Đất gò cao hổng có nước tưới, được như vậy là mừng lắm. Bây giờ, trồng cây gì bán cũng gặp khó khăn, chi bằng trồng khoai mì, bán tại chỗ” – ông Chau Tít nhẩm tính.
Nhiều nông dân Ô Tà Bang cho biết, khoai mì là một trong những cây trồng thuộc thế mạnh vùng đất này, với điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nên nhiều người bỏ cây trồng khác để trồng khoai mì, ai cũng cảm thấy yên tâm hơn, mùa màng đảm bảo trọn vẹn và đất đai không bị bỏ trống. Đồng bào Khmer và người Kinh xứ núi xem đây như là giải pháp ứng phó với biến đổi thời tiết, vừa cải thiện thu nhập kinh tế gia đình, vừa khai thác triệt để đất đồi dốc.
“Hàng năm, diện tích trồng khoai mì công nghiệp ở Tịnh Biên khoảng 700 héc-ta, là vùng nguyên liệu lớn nhất miền núi của An Giang. Trong đó, khu vực Ô Tà Bang (nơi tiếp giáp Văn Giáo, An Cư, An Phú và Thới Sơn) chiếm trên 50% diện tích toàn huyện”.
Related news
Mặc dù diện tích xuống giống giảm, nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi, lúa được giá phần nào khuyến kích nông dân đầu tư, chăm sóc nên năng suất
Việt Nam vừa thỏa thuận ký hợp đồng cung cấp cho phía Philippines 200.000 tấn gạo 25% tấm với giá tương đương 475 USD/tấn; cung cấp cho phía Indonesia 200.000 tấn gạo (trong đó 50.000 tấn gạo 5% tấm với giá 443,5 USD/tấn (FOB) và 150.000 tấn gạo 15% tấm với giá 442,1 USD/tấn).
Tính đến nay, tổng diện tích mía tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng mía đường năm 1999-2000, mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực. Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê trở thành đơn vị đầu tư, thu mua phần lớn nguyên liệu mía khu vực phía Đông.
Năm nay, Hương Trà (Thừa Thiên Huế) thả nuôi 306 ha thuỷ sản các loại như: cá kình, tôm sú, tôm rảo, cua…, tập trung chủ yếu ở 2 xã Hải Dương và Hương Phong.
Sáng 27/9, tại UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Tiểu Ban quản lý Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (gọi tắt là CRSD) Khánh Hòa đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP trên 4 ao nuôi tôm tại xã Ninh Phú.