Câu chuyện thoát nghèo của một nông hộ ở xã Sơn Hồng
Cách đây hơn chục năm, ông Trần Xuân Lý ở thôn 9, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, như nhiều hộ trong xã, đã xoay xở với đủ các mô hình kinh tế nhưng cuộc sống của gia đình ông cũng chẳng khấm khá là bao do thiếu kiến thức, thiếu vốn trong đầu tư sản xuất. Ông Lý đã trăn trở nhiều để tìm hướng phát triển kinh tế.
Ông Lý và gia đình đã vay tiền để mở rộng diện tích trồng trọt với tổng 4,1 ha, trong đó 12 sào vườn đồi để trồng cam, bưởi; 3ha đất lâm nghiệp trồng keo; 7 sào luân canh trên cây ngô và lạc; 2 sào trồng cỏ. Tất cả những kiến thức ông có lúc đó là học hỏi từ bạn bè, làng xóm. Tuy nhiên, những cố gắng lúc đó của ông và gia đình chưa thật sự đưa lại hiệu quả.
Cơ duyên đến với gia đình ông Lý vào năm 2019, khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện dự án về xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Gia đình ông là một trong 4 hộ xã Sơn Hồng được chọn làm điểm để xây dựng mô hình nuôi ong dựa trên hệ sinh thái vườn, rừng và mô hình phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp. Năm 2020, được sự hỗ trợ từ dự án SIPA Hà Tĩnh, gia đình ông nhận được 2.474 kg phân bón, 3200 chồi dứa, 72kg giống cây lạc dại và 10 tổ ong. Dự án cũng phối hợp Trung tâm Khuyến nông chuyển giao kỹ thuật thông qua các hoạt động tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật thực hành ngay tại hiện trường, giúp ông làm chủ về kỹ thuật.
“Quá trình triển khai đoàn đã khảo sát định hướng và quy hoạch lại vườn hộ để nâng cao giá trị sử dụng của đất, điều này làm cho tôi càng phải suy nghĩ trăn trở và càng yêu thêm vườn của mình, không có ngày nào không đứng ở vườn. Năm 2020, tôi được tham gia vào các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, nắm bắt quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, tôi bắt tay vào thực hiện bài bản hơn.
Đối với cây ăn quả, trước tôi chỉ trồng và một năm bón vài lần phân không biết chăm sóc thì nay tôi đã biết cách chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây như: Cắt tỉa tạo tán ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, giai đoạn kinh doanh sau mỗi lần thu hoạch, chắn rể, xử lý thuốc, bón vôi, biết cách thay các dòng thuốc giữa các lần phun, sử dụng đúng các dòng thuốc trên các đối tượng cây trồng, thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết để chăm sóc bón phân, phun thuốc, bao quả” - ông Lý chia sẻ.
Năm 2021, gia đình ông Lý thu được 2 tấn bưởi (tăng 30% so với trước), 4 tấn cam (tăng 50% so với trước). Chất lượng sản phẩm của gia đình ông an toàn hơn được người dân ngày càng tin tưởng. Trong hai năm qua, mặc dù do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng sản phẩm của gia đình ông không đủ để cung cấp cho các thương lái, dù đã được thu mua với giá cao hơn thị trường 5 - 10 nghìn/kg.
Được sự hướng dẫn của Dự án, gia đình ông đã tận dụng quỹ đất trong vườn cam, bưởi để triển khai thực hiện trồng xen cây dứa và cây lạc dại theo đường đồng mức. Qua quá trình chăm sóc, ông thấy cây dứa, lạc dại ít bị sâu bệnh, chăm sóc dễ, che phủ được diện tích trống, hạn chế được cỏ dại, tạo độ ẩm tốt, cố định đạm cho cây ăn quả, chống được xói mòn đất, tạo nguồn thức ăn lớn cho chăn nuôi dê, hươu, làm phân, tấp tủ gốc cho cam, bưởi, giảm được một nửa số công so với trước. Cũng nhờ vậy, chi phí về chi phí về nước, điện và công của gia đình ông đã giảm, chỉ còn 1/3 so với trước. Vụ dứa sắp tới, ông ước tính thu được 1,2 tấn.
Đối với mô hình chăn nuôi ong trước gia đình có nuôi 2-3 tổ, đây là đàn ong được bắt trên rừng về thuần hoá, nên đàn ong thường bị bốc bay. Khi được dự án hỗ trợ 10 đàn ong và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đến tận nhà hướng dẫn, cầm tay chỉ việc rất cụ thể giai đoạn nào cho ăn, cách cho ăn, cách lắp cầu, tách đàn nhân tổ và cách lấy mật. Hai năm qua, ông đã thu được 80 lít mật ong.
Gia đình ông Lý đã đầu tư nông lâm kết hợp với chăn nuôi bò, hươu và tận dụng diện tích ruộng lúa lâu nay bỏ hoang. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng vừa kết hợp trồng ngô luân canh cây lạc. Mô hình kết hợp trồng cỏ chăn nuôi của gia đình ông là mô hình theo chuỗi khép kín. Theo đó, một phần sản phẩm trồng được như: ngô, lạc sẽ được lấy làm thức ăn cho gia súc; chất thải gia súc sẽ được sử dụng để làm phân bón cho vườn đồi. Năm ngoái, từ các mô hình đã mang lại cho gia đình của ông khoản lãi trên 80 triệu đồng.
Bản thân ông cũng đi đầu trong áp dụng tiến bộ kĩ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư khoan giếng trên đồi để lấy nước tưới phục vụ cây ăn quả trồng trong mùa khô hanh.
Ông Lý là nông dân tiêu biểu trong các phong trào thi đưa sản xuất của xã nhà là tấm gương sáng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới xây dựng vườn mẫu. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế.
Related news
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Phát triển chăn nuôi theo mô hình liên kết, hộ chăn nuôi được đầu tư con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và đặc biệt không lo về giá cả đầu ra.
Anh Nguyễn Văn Luyện (33 tuổi) ở thôn 20, xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) đã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn theo hướng an toàn