Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cao Su Rớt Giá

Cao Su Rớt Giá
Publish date: Saturday. June 7th, 2014

Giá cao su xuất khẩu giảm mạnh gây khó khăn chung cho các doanh nghiệp trồng cao su trong nước. Ở khu vực Tây Nguyên, khi giá cao su giảm, đời sống của công nhân và tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty cao su càng khó khăn hơn.

Tiến thoái lưỡng nan

Ngay tháng đầu năm, giá mủ cao su xuất khẩu vẫn còn ở mức 56 triệu đồng/tấn. Nhưng từ tháng 2 trở đi, giá đã giảm liên tục và hiện dao động ở mức 40 triệu đồng/tấn. So với cách đây 2 năm, giá cao su hiện đã giảm phân nửa. Giá mủ xuống thấp làm nhiều doanh nghiệp, người trồng cao su không khỏi lo lắng khi thu nhập giảm, thậm chí chưa biết sẽ sống bằng cách gì trong những tháng tới, nếu như giá cao su cứ tiếp tục “lao dốc”.

Tại các công ty cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nhiều công nhân đã bỏ việc. Ở Công ty Cao su Chư Pah và Mang Yang, lượng công nhân nghỉ việc cũng lên đến cả trăm người do công ty buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi.

Khó khăn cũng “bủa vây” người trồng cao su tiểu điền tại khu vực Tây Nguyên. Nhiều hộ vay tiền ngân hàng để trồng mới hay mở rộng diện tích cao su trong vài năm gần đây, nay trở nên “sống dở chết dở”. Hộ vay trồng mới hay để chăm sóc cũng đều ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Nguyễn Văn Đệ (ở xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2ha cao su trong thời kỳ thu hoạch, nhưng bây giờ giá cao su lại giảm như thế, có cạo mủ bán cũng không đủ chi phí. Trong khi đó, vào cuối năm ngoái chúng tôi đã vay thêm ngân hàng mấy trăm triệu nữa để trồng cao su mới. Bây giờ không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng”.

Ngừng khai thác

Theo các công ty cao su, với giá mủ cao su xuất khẩu hiện chỉ còn khoảng 40 triệu đồng/tấn, các công ty sẽ lỗ khoảng 5 triệu đồng/tấn. Còn với thị trường trong nước, nông dân chỉ bán được cao su mủ tươi với giá khoảng 8.000 đồng/kg, không đủ bù chi phí khai thác. Vì thế, nhiều doanh nghiệp và người dân đã tạm ngừng khai thác vì sợ lỗ.

Ông Lê Văn Dương (ở xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Nông dân chúng tôi trồng nhỏ lẻ 1 - 2ha, thu về 20kg mủ/ha/ngày và bán ra được 200.000 đồng, đủ trả tiền công. Giá xuống thấp như lúc này, đành tạm ngưng cạo mủ để dưỡng cây, lúc nào giá lên mới tính”. Tại xã này, có khoảng 50% số hộ đã ngưng cạo mủ trên tổng diện tích cao su đang khai thác 730ha.

Theo bà Lê Thị Bích Thảo, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk, diện tích cao su liên kết của công ty hiện có hơn 4.000ha được phân chia cho các hộ với mỗi hộ từ vài sào cho đến vài hécta. Nhưng hiện bà con không khai thác vì có khai thác cũng không đủ bù chi phí. Còn những hộ có vài chục hécta trở lên khai thác với mức độ cầm chừng lấy chi phí duy trì vườn cây.

Khắc phục khó khăn

Trước tình hình cao su rớt giá mạnh, nhiều người dân ở Tây Nguyên không vội vàng chặt bỏ vườn cây như trước đây mà đang tìm cách giữ vườn cao su chờ đợi giá lên cao. Những công ty cao su cũng tìm cách vượt qua khó khăn.

Hiện 3 nhà kho lớn của Công ty 72 (thuộc Binh đoàn 15) và 12 phòng họp của các đội sản xuất của công ty đều được tận dụng để chứa 4.300 tấn mủ cao su thành phẩm tồn đọng. Mấy tháng gần đây, mủ cao su thành phẩm của công ty xuất khẩu chỉ đạt 20% so cùng kỳ.

Trong khi đó, ông Phan Sỹ Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, cho rằng: Thị trường hàng hóa luôn có sự điều tiết, biến động theo những quy luật riêng, ở đây chủ yếu là quy luật cung - cầu trong từng thời điểm.

Vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp đã có sự tính toán và chủ động ứng phó trước sự biến động theo chiều hướng bất lợi. Do đã xác định từ trước nên đơn vị có phương án phù hợp. Công nhân làm việc tại công ty vốn có tích lũy, có nguồn thu nhập khác và mức thu nhập từ trồng, chế biến cao su trong thời điểm hiện nay có thể xem là chấp nhận được đối với công ty.

Đại tá Phạm Văn Giang, Giám đốc Công ty 72: "Tình hình khó khăn như thế này, chúng tôi tiết giảm các chi phí, nâng cao năng suất. Năm nay chúng tôi nâng năng suất mủ cao su lên 1,7 tấn/ha. Đấy cũng là cơ sở giảm giá thành, hạ giá bán để tiêu thụ sản phẩm mủ cao su, vốn là sản phẩm chủ lực của công ty."


Related news

Chọn Giống Dê Năng Suất Cao Chọn Giống Dê Năng Suất Cao

Ngoài một số giống dê nội và nhập ngoại quen thuộc như dê Bách thảo, Boer..., hiện chúng ta còn có một số giống dê nhập ngoại và lai tạo cho năng suất cao. Xin giới thiệu một số loại dê cho năng suất cao và cách chọn lựa loại giống dê này.

Saturday. October 12th, 2013
Một Nửa Nông Dân Nuôi Cá Tra Bị Lỗ Một Nửa Nông Dân Nuôi Cá Tra Bị Lỗ

Theo Trường Đại học Cần Thơ, năm 1993 tỷ lệ số hộ nuôi thủy sản bị lỗ là 9,4%; giai đoạn 2002-2005 tỷ lệ trên tăng lên 25%; giai đoạn 2005-2009 là 30% và giai đoạn 2010-2012 lên tới gần 50%. Những con số này đưa ra tại hội thảo tháo gỡ khó khăn cho cá tra tổ chức ở Cần Thơ ngày 9-10.

Monday. October 14th, 2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Quản Lý Và Giám Sát Dịch Bệnh Cúm Trong Chăn Nuôi Thủy Cầm Hiệu Quả Từ Mô Hình Quản Lý Và Giám Sát Dịch Bệnh Cúm Trong Chăn Nuôi Thủy Cầm

Nuôi vịt là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập cho rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, với phương pháp chăn nuôi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học như hiện nay rất dễ xảy ra dịch bệnh.

Monday. October 14th, 2013
Bảo Hiểm Con Tôm Và Những Bất Cập Cần Tháo Gỡ Bảo Hiểm Con Tôm Và Những Bất Cập Cần Tháo Gỡ

Từ thực tế ghi nhận được ở người dân nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL có thể khẳng định, nếu bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở ĐBSCL bị "phá sản” và không triển khai nữa, thì đây là những "điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng sự phát triển kinh tế biển của vùng vốn có thế mạnh nhất cả nước.

Tuesday. October 15th, 2013
Quang Thuận (Bắc Kạn): Vào Vụ Thu Hoạch Quýt Quang Thuận (Bắc Kạn): Vào Vụ Thu Hoạch Quýt

Trong những ngày này, tại xã Quang Thuận (Bạch Thông - Bắc Kạn) nhiều tư thương đã cho cả xe tải từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn và thành phố Hà Nội đến các hộ dân để thu mua quýt. Không khí mua bán chưa nhộn nhịp do mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng các hộ dân khá vui vì giá thu mua tương đối cao.

Tuesday. October 15th, 2013