Cao Lãnh (Đồng Tháp) Sản Xuất Rau Màu Trên Ruộng Lúa Trong Mùa Khô
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhằm nâng cao giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích, những năm qua, chính quyền các địa phương ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) tích cực vận động bà con nông dân đưa cây màu xuống ruộng thay thế cho vụ lúa hè thu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Theo thông lệ, vụ hè thu bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 6 (âm lịch). Đây là những tháng thời tiết không thuận lợi cho việc sản xuất lúa, đặc biệt đối với những vùng đất gò cao, do tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài, khiến cho đồng ruộng luôn bị thiếu nước. Để khắc phục những bất lợi này, ở những vùng đất sản xuất lúa vụ hè thu kém hiệu quả, bà con nông dân đã chuyển sang trồng rau màu.
Chị Mai Thị Cúc ở ấp 4, xã Mỹ Long đã xuống giống 4 công bắp hơn 2 tuần tuổi cho biết: “Trồng lúa mấy năm trước bị chuột, rầy nâu hại nhiều, chi phí cao, có khi lỗ vốn nên tôi chuyển sang trồng màu. Tôi trồng rẫy trên đất lúa vụ hè thu năm nay là năm thứ 2.
Năm trước vụ này tôi trồng dưa hấu, năm nay trồng bắp MICKY 36, hợp đồng bán cho công ty 1.500 đồng/trái. Trồng rẫy lợi nhuận cao hơn lúa từ 2 đến 3 triệu đồng/công”.
Tiếp chuyện với chúng tôi tại ruộng dưa hấu trên 7 công đang chuẩn bị cho trái, ông Nguyễn Văn Vinh ở ấp 2, xã Tân Hội Trung nói: “Thấy giá lúa thấp nên tôi trồng dưa hấu vụ hè thu. Vụ này dưa hấu cũng khó trồng nhưng nhờ có kinh nghiệm nên tôi rất tự tin thành công”.
Mấy năm qua, các xã của huyện Cao Lãnh đều vận động bà con nông dân thu hoạch lúa đông xuân sớm xong, ở những vùng gò cao, khó sản xuất vụ lúa tiếp theo nên trồng cây màu để thay thế vụ lúa hè thu, rồi sau đó mới sản xuất lại vụ lúa thu đông.
Ông Võ Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung cho biết thêm: “Sau khi thu hoạch lúa đông xuân xã có chủ trương vận động bà con chuyển qua trồng một số cây hoa màu đặc thù của địa phươngnhư hiện tại, đã xuống giống được khoảng 20ha dưa hấu, khoảng 40ha sen”.
Theo ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh, từ đầu năm đến nay toàn huyện đã gieo sạ trên 1.130ha rau màu các loại, trong đó, trồng trên đất lúa trên 700ha. Rau màu chủ lực trong vụ này là các loại cây lấy củ, sen, đậu nành, mè đen, bắp, dưa hấu, cây họ bầu bí, dưa leo...
Kỹ sư Nguyễn Văn Phong - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cao Lãnh đánh giá: “Trong những năm gần đây chủ trương của huyện chuyển đổi cây lúa trên vùng đất gò sang cây màu đã mang lại nhiều hiệu quả cho nông dân.
Trồng luân canh cây màu trên ruộng lúa trong mùa khô ngoài hiệu quả kinh tế bà con nông dân còn có nhiều lợi ích khác như giúp giải quyết những khó khăn trong mùa khô hạn, nhất là nước tưới, thay đổi được cơ cấu mùa vụ, cây trồng; nếu thay thế một vụ lúa bằng vụ rau màu sẽ có tác dụng ngăn chặn các đối tượng dịch hại lây lan từ vụ lúa này sang vụ lúa khác; cải tạo được đất đai, tăng độ màu mỡ và tăng lượng đạm trong đất, giúp giảm chi phí phân bón cho các vụ lúa tiếp theo”.
Related news
Các hộ nuôi tôm ở vùng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) hiện đang phải đối mặt với tình trạng tôm nuôi bị chết trên diện rộng.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi và lãnh đạo các sở, ngành đã có đợt khảo sát thực tế vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm ở đây đều gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh và tình hình dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt.
Dự án bò Heifer do Hội Nông dân (ND) Long An và Công ty Heifer triển khai tại huyện Thủ Thừa (Long An) đang mang lại những kết quả tích cực. Từ con bò giống mượn của dự án, nhiều hộ đã có tài sản tích lũy.
Thời tiết khô hạn kéo dài khiến năng suất, sản lượng mía niên vụ 2012 - 2013 ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, những diện tích mía đủ nước tưới vẫn có năng suất cao hơn năng suất trung bình 30 - 40%.
Đầu năm 2013, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi hàu thương phẩm ven biển. Đến thời điểm này, có thể xem đây là hướng nuôi thủy sản triển vọng, vừa tận dụng nhiều diện tích mặt nước ven biển vừa tạo thu nhập cao cho người nuôi.