Cảnh giác với chiêu trò bán sản phẩm hỗ trợ vật nuôi, cây trồng
Cuối tháng 5 vừa qua, hàng chục hộ dân ở đội 2, thôn Ân Phú, xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) nhận được giấy mời tập huấn về kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Ai cũng tưởng đó là lớp tập huấn của cán bộ Sở NN&PTNT về tận cơ sở hướng dẫn, nên rủ nhau tập trung tại nhà văn hóa thôn theo giấy mời.
Tuy nhiên, khi tham gia vào lớp tập huấn, họ không hề được nghe về cách phòng chống bệnh rầy nâu hay cách chăm vật nuôi an toàn, hợp vệ sinh như nội dung đã ghi trên giấy mời. Suốt buổi sáng, những người nông dân này được nhóm người tự xưng là nhân viên Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ xanh Việt Nam quảng cáo và chào mời mua hai sản phẩm Siêu dinh dưỡng Sumo-AGRE (dành cho vật nuôi) và phân bón lá A4 (dành cho cây trồng). Mỗi lọ chưa tới 150ml có giá 190 nghìn đồng.
Buổi tập huấn dù đã trôi qua hơn 1 tuần, nhưng ông Nguyễn Bính vẫn không dám lấy hai sản phẩm đã mua với số tiền gần 400 nghìn đồng ra dùng. “Nghe mấy người đó nói hay quá, họ bảo dùng phân bón lá A4 thì cây sẽ xanh mướt, cho ra quả chi chít dù đó là cây gì. Còn cái chai siêu dinh dưỡng thì cho bò, heo, gà uống đều lớn như thổi, thịt siêu nạc…”- Ông Bính kể lại.
Thế cho nên, người nọ rủ người kia bỏ ra một số tiền khá lớn đối với một hộ gia đình nông dân là 380 nghìn đồng để mua hai sản phẩm này. Tuy nhiên, hầu hết các hộ gia đình đã lỡ mua, đều không dám mang ra áp dụng cho vật nuôi, cây trồng trong nhà. “Nghĩ lại thì đúng là mình dại, không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà lại mua rồi về, rồi không dám dùng. Một con bò giá 30-40 triệu đồng, lỡ cho uống thuốc này vào rồi chết luôn thì tiêu tan hết công sức, tài sản. Còn cây cối thì mình cũng phải mất công chăm bẵm, chạy nước, bắt sâu hàng tháng trời. Giờ lỡ xài mà vật nuôi chết, cây trồng héo thì có phải khổ không. Vả lại, tính tôi cẩn thận đã đem hai lọ thuốc đi hỏi nhiều cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, họ đều lắc đầu bảo không biết. Vậy thì càng lo hơn!”- ông Nguyễn Bính phân trần.
Mang cùng tâm trạng với ông Bính, nhiều nông dân sau khi mua hai sản phẩm này liền biết mình đã bị lừa. “Bình thường, tôi mua một chai thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc hỗ trợ cho vật nuôi cũng chỉ có giá từ 30 - 50 nghìn/lọ loại tốt nhất. Mà giờ lại tin theo lời quảng cáo của bọn người đó để mất hàng trăm nghìn đồng một cách oan uổng, muốn trả sản phẩm lấy tiền lại cũng không biết họ ở đâu mà tìm”- bà Phạm Thị Tĩnh tiếc nuối nói.
Đem câu chuyện về buổi “tập huấn” kỳ lạ của nhóm người với mục đích chính là mời mua hai sản phẩm không rõ nguồn gốc trên trao đổi với UBND xã Tịnh An, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng, nhóm nhân viên bán hàng này đã đưa ra tờ giấy giới thiệu của Sở NN&PTNT và nhờ chính quyền xã liên hệ với dân.
Ông Phùng Ngọc Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh An cho hay: Họ đến và trình giấy giới thiệu rất rõ ràng. Nên chúng tôi đã không nghi ngờ gì về mục đích ban đầu họ nói là tập huấn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng cho bà con. Sau khi họ đi, nhiều nông dân báo lại thì chúng tôi mới biết rõ sự việc.
Liên hệ với nhiều cơ quan chức năng của tỉnh, phóng viên cũng nhận được câu trả lời tương tự là không hề hay biết về hành vi bán hàng trái phép của nhóm nhân viên thuộc Công ty CP ứng dụng công nghệ xanh Việt Nam. Ông Đào Minh Hường- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi khẳng định, không có chuyện Sở NN-PTNT Quảng Ngãi giới thiệu hay cấp phép cho Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ xanh Việt Nam để bán 2 sản phẩm nói trên. “Nếu người dân phát hiện các đối tượng trên, thì có thể trực tiếp báo với chính quyền, công an và Sở NN&PTNT phối hợp đến xử lý hành vi lừa đảo”- ông Hường nói.
Còn ông Nguyễn Văn Thuận- Chi cục phó Chi cục Thú y Quảng Ngãi cũng cho hay, chưa hề nghe về sản phẩm Siêu dinh dưỡng Sumo-AGRE. Đây là sản phẩm không có trong danh mục được phép lưu hành. Do đó, ông Thuận khuyến cáo, nông dân không nên mua và tin dùng sản phẩm để tránh tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, cũng như cây trồng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe người tiếp xúc với sản phẩm này.
Đây không phải là lần đầu nhóm nhân viên bán hàng này đến mời chào hai sản phẩm không rõ nguồn gốc ở các vùng nông thôn. Trước đó, vào năm 2014, nhiều hộ nông dân ở các địa phương tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên cũng từng phản ánh về hành vi lừa đảo này. Nếu không ngăn chặn kịp thời, thì sẽ còn nhiều nông dân bị sập bẫy chiêu chào mời, bán hàng với giá cắt cổ.
Related news
Đại diện các hộ dân thăm cánh đồng mía được canh tác theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ tại xã Xuân Lam (Thọ Xuân).
Kiểm tra và làm việc tại xã Vĩnh Châu, đại diện Bộ Y tế nhận định, viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể xem như một bệnh liên quan đến các hoạt động canh tác hành tím.
Hiện toàn tỉnh Đồng Nai có 2 dự án cánh đồng lớn liên kết và tiêu thụ gồm cây chuối già cấy mô và cây điều đang triển khai nhưng phải tạm dừng vì doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.
Sau 3 năm làm công nhân cao su, anh Hoàng Sơn Thọ (thôn 6, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk LắK) xin nghỉ làm, vay mượn tiền mua 2 ha cà phê tại xã Ea Nam (huyện Ea H’leo).
Thông tin trên vừa được các tiểu thương kinh doanh mặt hàng khoai tây tại Chợ nông sản Đà Lạt cho biết vào trưa 21/10.