Cẩn Trọng Nuôi Ba Ba Ở Miền Bắc

Đó là khuyến cáo mới nhất của các nhà khoa học trước thực trạng, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Bắc đang có xu hướng mở rộng, phát triển nghề nuôi ba ba.
Theo các nhà khoa học, vào mùa lạnh, nhất là các thời điểm rét đậm, rét hại như hiện nay, ba ba chủ yếu chui xuống bùn “ngủ đông”, không ăn, chậm lớn, dễ mắc bệnh.
Nuôi ba ba chỉ có lỗ
Những ngày thời tiết lạnh giá như hiện nay, ông Trần Văn Việt - chủ một trang trại tổng hợp ở thôn Đào, xã Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định vẫn ném mồi ra ao ba ba, nhưng cả tuần nay vẫn không thấy ba ba nổi lên ăn. "Cấp mồi cho ba ba cho có vậy thôi, họa hoằn lắm, hôm nào trời hửng nắng mới có con lên ăn. Còn lạnh như thế này, có mò cả ngày cũng không bắt được ba ba" - ông Việt nói.
Ông Việt cho biết thêm, qua gần 10 năm nuôi ba ba, việc ba ba "ngủ đông" không phải là hiện tượng bất thường mà năm nào cũng diễn ra. Hơn nữa, theo ông Việt, vào khoảng tháng 2 - 3 âm lịch, khi ba ba phối giống, con cái thường bị con đực cào, tạo ra nhiều vết xước. Thời điểm này, khí hậu ở miền Bắc lạnh, ẩm ướt, nên ba ba dễ bị lở loét, ghẻ kẽ chân, mai khiến ba ba hao hụt rất nhiều. Có lứa ông Việt thả 1.000 con giống, nhưng khi thu hoạch, chỉ bắt được 600 con thành phẩm, tức thất thoát tới 40%. Ông Việt chia sẻ: "Nhiều người đề nghị mua giống ba ba để nuôi nhưng tôi không bán. Tôi thành thực khuyên bà con không nên nuôi ba ba thương phẩm ở miền Bắc".
Ông Lê Văn Chung ở xã Tiêu Động (Bình Lục, Hà Nam) chuyên nuôi ba ba bán thịt. Có thời điểm, ông Chung nuôi tới 4.000 con/lứa. Với 8 năm nuôi ba ba, ông Chung cho biết, năm lãi nhất cũng chỉ được 50 - 60 triệu đồng, còn vài năm gần đây toàn hòa với lỗ. Khi hỏi về nguyên nhân thua lỗ, ông Chung nói thật: "Ba ba nuôi lớn rất chậm, một năm chỉ đạt 0,8 - 1kg/con. Nuôi năm rưỡi đến hai năm may ra mới đạt 1,6 - 1,8kg/con".
Nên nuôi quy mô nhỏ
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc, phụ trách mảng thủy sản của Trung tâm Khuyến nông quốc gia xác nhận: Khí hậu miền Bắc có nhiều tháng lạnh nên không thuận lợi cho việc nuôi ba ba. "Tính về tăng trưởng khối lượng, ba ba nuôi ở miền Bắc chỉ đạt khoảng 50% so với phía Nam" - ông Tiêu nói.
Hộ bán giống mới có lời
Một số cán bộ khuyến nông ở Nam Định, Hà Nam được hỏi cho biết, những hộ nuôi ba ba phát đạt ở miền Bắc chủ yếu là bán giống; chứ hộ nuôi ba ba thương phẩm thực sự hầu như không có lãi. Nhiều gia đình, thậm chí là công ty nuôi ba ba thịt thua lỗ nặng, phá sản.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Quốc gia Thủy sản nước ngọt thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I lại cho rằng, sự chênh lệch về giá đó khó "thắng" được trong điều kiện giao thương rộng rãi như hiện nay. Ông Bình cũng khuyến cáo, việc chống lạnh cho ba ba có thể triển khai bằng các biện pháp như nuôi thêm bèo trong ao để cản gió, xây tường che chắn.
Tuy nhiên, hiện chưa có biện pháp nào vừa hiệu quả vừa kinh tế để chống lạnh triệt để cho ba ba. "Bà con hết sức cân nhắc khi nuôi ba ba ở miền Bắc. Nếu có nuôi, nên nuôi ở quy mô nhỏ, xen canh với các loại thủy sản khác, không nên nuôi theo quy mô lớn" - ông Bình khuyên.
Related news

Nhiều nông dân ở Đác Nông đã chú trọng hái cà phê khi tỷ lệ qủa chín đạt trên 90%, góp phần nâng cao chất lượng xuất khẩu cà phê của tỉnh.

Chất lượng con giống là một trong các yếu tố đầu vào quyết định sự thành công của nghề nuôi tôm nước lợ. Nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất giống tôm “sạch” là điều cấp thiết hiện nay đối với Quảng Nam.

Thời gian gần đây, dịch bệnh trên tôm nuôi ở tỉnh Bình Định diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người nuôi tôm. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, một số vấn đề về phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

Ngày 10/1, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất và điều hành nguyên liệu mía, sắn niên vụ 2011-2012, triển khai nhiệm vụ niên vụ 2012-2013.

Bến Tre là một trong 3 tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng cây ăn quả. Trong đó, một số cây trồng đã có “thương hiệu” như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, nhãn... Đây cũng là nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và được quy hoạch phát triển, ổn định sản xuất đến năm 2020.