Cần Trên 29.500 Tỷ Đồng Mua Điều Vụ Mới: Vinacas Đề Nghị Ngân Hàng Bắt Tay

ƯU TIÊN SỐ 1 MUA ĐIỀU TRONG NƯỚC
Theo ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Vinacas, vụ 2012 toàn ngành đặt mục tiêu XK 170.000 tấn nhân điều các loại và 60.000 tấn dầu vỏ hạt điều, thu về 1,5 tỷ USD (tăng trên 11% so với 2011). Tại Hội nghị, Vinacas cũng thống nhất đảm bảo thu mua 100% lượng điều thô của nông dân trong nước trong tháng 3/2012, sau đó mới lên kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi và Campuchia (dự kiến tháng 4 – 5/2012).
Để đảm bảo thắng lợi như mục tiêu đề ra, Vinacas ước tính ngành điều cần sự quan tâm hợp tác của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ vốn vay với mức cụ thể như sau: Vốn vay ngắn hạn và trung hạn bằng VNĐ để thu mua toàn bộ điều thô trong nước khoảng 380.000 tấn với giá 35 triệu đồng/tấn, tương đương vay 13.300 tỷ đồng. Về nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi và Campuchia, đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng VNĐ và ngoại tệ (USD) để nhập khoảng 450.000 tấn với giá 1.400 USD/tấn, tương đương vay 13.230 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinacas đề nghị vốn vay dài hạn hỗ trợ tín dụng đầu tư trang thiết bị, máy móc cho ngành điều khoảng 3.000 tỷ đồng. Tổng cộng, niên vụ điều 2012, ngành điều cần ít nhất 29.530 tỷ đồng để thu mua, sản xuất và kinh doanh.
Tại Hội nghị, Vinacas cũng khẳng định năm 2011 là giai đoạn khó khăn với ngành, ngoài nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt (do yếu tố thời tiết, khí hậu) thì chi phí chế biến như nguyên vật liệu, tiền công, nhiên liệu điện, nước, xăng dầu, lãi ngân hàng… tăng đột biến. Theo báo cáo của các DN thành viên Vinacas, chỉ tính riêng chi phí nguyên liệu mua trong nước tăng trên 100% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, tổng kết năm 2011 toàn ngành điều đã XK được trên 166.000 tấn nhân điều và 40.000 tấn dầu vỏ hạt điều, thu về 1,35 tỷ USD, giảm 16,46% về lượng nhưng tăng 20,13% về giá trị so với năm 2010.
QUÝ II/2012, THỊ TRƯỜNG ĐIỀU SÔI ĐỘNG?
Ông Nguyễn Văn Chiểu – Trưởng Ban xúc tiến thương mại của Vinacas khẳng định, việc thị trường hạt điều trong tháng 1 và tháng 2 kém sôi động là thông lệ bình thường bởi người tiêu dùng mới trải qua tết dương lịch và âm lịch. Ngoài ra, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến tất cả các mặt hàng XK, trong đó có sản phẩm điều (nhu cầu tiêu thụ thấp, giá giảm…).
“Tuy nhiên, sang quý II/2012 giá nhân điều chắc chắn sẽ khởi sắc và thị trường XK sẽ sôi động hơn khi các thị trường trọng điểm là Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc đẩy mạnh mua hàng để bù đắp lượng hàng tồn kho đang ở mức thấp. Các thị trường khác như Đông Âu, Tây Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn khi lượng nhập khẩu tăng lên. Ngoài ra, do thiếu hụt lao động ngày càng lớn nên lượng cung nhân điều thế giới năm 2012 được dự báo giảm, sẽ tác động đến giá bán nhân điều trong thời gian tới” – ông Chiểu nhận định. Từ những yếu tố này, Trưởng Ban xúc tiến thương mại đề nghị các ngân hàng cần hỗ trợ DN vay vốn càng sớm càng tốt, giúp DN chủ động xây dựng kế hoạch thu mua điều xô cho dân và chế biến, XK như mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, Vinacas cũng khuyến cáo các DN phải có kế hoạch ứng biến nếu tình hình thị trường có những biến động khó lường. Vinacas sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan ban ngành để cùng DN tháo dỡ dần những khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trước mắt, Vinacas kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại ưu tiên 100% nguồn vốn vay để DN thu mua nguyên liệu, đồng thời áp dụng hình thức cho vay tín chấp, thế chấp theo hạn mức tín dụng bằng 90% giá trị kho hàng hoặc giá trị tài sản DN (thay bằng 70% giá trị hiện nay).
Ngoài ra, do vòng quay vốn cùng với chu trình dự trữ nguyên liệu và sản xuất điều kéo dài từ 6 – 12 tháng, Vinacas đề nghị các ngân hàng gia tăng thời hạn tín dụng đối với các khoản vay của DN lên 12 tháng.
Related news

Tôm tích là loài thủy sản nước mặn đặc trưng ở vùng đất Năm Căn (Cà Mau), thế nhưng mô hình nuôi tôm tích lại rất mới mẻ đối với người dân nơi đây. Anh Thái Trọng Tín, ở ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới là người tiên phong nuôi thử nghiệm đem lại hiệu quả cao mô hình kinh tế này.

Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện công suất nhỏ phát triển đã làm suy giảm mạnh nguồn lợi, hiệu quả khai thác. Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững được kỳ vọng góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đa dạng hóa đối tượng nuôi nhằm tăng thêm giá trị kinh tế cho nông hộ và ngành Thủy sản là một hướng đi đúng, nhưng xét trên phương diện nuôi để xuất khẩu, trong thời gian dài, An Giang chỉ “độc nhất” có con cá tra, trong khi các loại thủy sản khác có tiềm năng rất lớn.

Từ năm 2000 đến nay, nuôi nghêu thương phẩm đã giúp người dân Phú Hải có thu nhập ổn định, đời sống ngày một khấm khá. Tuy nhiên, người nuôi nghêu ở đây vẫn còn không ít nỗi băn khoăn, lo lắng…

Chứng nhận nhóm mở ra hướng đi mới cho các hộ nuôi thủy sản nhỏ đạt được các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Tuy nhiên, để áp dụng và mở rộng mô hình đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều công việc và vượt qua không ít thách thức.