Cần Quy Hoạch Lại Nghề Nuôi Cá Tra Giống
Đã qua rồi thời kỳ ăn nên làm ra của nghề chuyên nuôi cá giống cung cấp cho nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi rất nhiều hộ đã quyết định “treo” ao hoặc thu hẹp diện tích, chuyển sang loại hình làm ăn khác.
Thực tế ở “vương quốc” cá giống
Được mệnh danh là “vua” cá tra giống ở tỉnh Đồng Tháp, lão nông Bùi Văn Khen ở xã cù lao Long Phú Thuận (huyện Hồng Ngự) có hơn 10 năm lăn lộn trong nghề. Thời điểm hưng thịnh khi con cá tra được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, người nuôi cá ở các tỉnh khu vực ĐBSCL phát triển mạnh, với gần 10 ha đất ao hàng tháng gia đình ông cung cấp cho thị trường hàng vạn con cá giống.
“Nhưng những ngày tươi đẹp đó đã qua. Hiện giá cá tra giống đang giảm mạnh trong khi giá thức ăn lại tăng vọt đã làm cho những hộ chuyên nuôi với số lượng lớn như tôi lao đao. Nuôi cá quy mô lớn rất khó chuyển đổi sang nghề khác do chi phí đầu tư đào ao, xây dựng cơ sở hạ tầng... rất cao nên giờ tôi phải chấp nhận đeo bám, chứ nhiều hộ nhỏ lẻ đã bỏ nghề từ lâu rồi”, ông Khen nói. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, hiện trên địa bàn có khoảng 250 hộ chuyên nuôi cá giống cung cấp cho thị trường. Tận dụng lợi thế dòng Mê Công khi đổ vào Việt Nam, tại đây chia đôi thành sông Tiền và sông Hậu, vùng đất cù lao Long Phú Thuận được những người trong nghề phong tặng danh hiệu “vương quốc” cá giống, trong đó có cá tra. “Khoảng 2 năm gần đây và đặc biệt 9 tháng đầu năm 2012, số hộ hạn chế diện tích hoặc bỏ nghề chiếm gần một nửa. Nguyên nhân do tỷ lệ hao hụt quá nhiều, chiếm đến 40 - 50%; giá cả bán ra cũng giảm mạnh” - anh Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay.
Trong khi đó tại An Giang, toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở sản xuất cá tra bột với tổng đàn cá tra bố mẹ khoảng 57.000 con, mỗi năm sản xuất hơn 5 triệu cá tra bột, đủ cung cấp cho nhu cầu ương nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL. Thời điểm đầu năm 2012, giá cá tra giống (loại 35 - 40 con/kg), dao động trong khoảng 1.000 - 1.400 đồng/con, nhưng hiện chỉ còn ở mức 600 - 700 đồng/con, tương đương với khoảng 20.000 đồng/kg Với giá này, theo ông Khen, người ương giống giỏi lắm là hòa vốn và hầu hết bị lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Cần quy hoạch lại nghề
Số liệu của Tổng cục Thủy sản, chỉ tính riêng nhu cầu giống cá tra, hàng năm các tỉnh ĐBSCL cần khoảng 25 - 30 tỷ con cá bột. Để sản xuất được lượng giống trên, toàn vùng đã có khoảng 200 trại sinh sản cá bột với hơn 4.000 hộ ương cá giống trên diện tích 2.250 ha, tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp, An Giang... Tuy nhiên, hầu hết phát triển tự phát, chỉ chạy theo số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng và chưa có sự quy hoạch, quản lý của ngành chức năng về vùng nuôi, quy trình chăm sóc... Qua thời gian, nguy cơ suy thoái giống, đồng huyết... khiến cá con rất khó dưỡng và dễ bị bệnh dẫn đến lượng hao hụt ngày càng tăng vọt.
“Với khó khăn hiện nay sẽ là dịp cho ngành thủy sản chấn chỉnh lại nghề nuôi cá giống. Theo đó, sản xuất cá giống phải có quy hoạch theo hướng xã hội hoá, trong đó việc nâng cao chất lượng được đặt lên hàng đầu. Công tác liên kết giữa những doanh nghiệp, hộ nhỏ lẻ nuôi ương giống, với các cơ quan chức năng trong việc chuyển giao kỹ thuật, nhằm mang đến cho thị trường nguồn giống tốt, sạch bệnh sẽ được thực hiện lâu dài và thường xuyên”, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhấn mạnh.
Nhìn xa hơn, để giảm tỷ lệ hao hụt, theo nhiều người trong cuộc, ngành nông nghiệp cần sớm xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với cá tra như: Quy chuẩn cá bố mẹ, cá giống, ương nuôi cá tra... Ngoài ra, các địa phương trọng điểm về nghề nuôi cá giống cần sớm có quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tiến tới xây dựng những mô hình liên kết tiên tiến góp phần hạ giá thành đảm bảo nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Related news
Đi dọc tuyến quốc lộ 12B qua xóm Lạng, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) người đi đường sẽ thấy rất nhiều những “trại gà” của những hộ nông dân ngay trên những cánh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch. Trên từng khoảnh ruộng, khu ruộng có đến hàng trăm con gà đang tìm kiếm thức ăn.
Vụ mía năm nay Công ty đường Quảng Ngãi thực hiện mua theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Sự minh bạch này đã xóa những nghi ngờ của nông dân về cách tính chữ đường của đơn vị thu mua. Tuy nhiên, gần 1/2 diện tích mía lại không được thực hiện theo phương thức này, gây ra tình trạng chậm trễ khiến mía già, trổ bông, sản lượng sụt giảm.
Xoài cát Hòa Lộc được thương lái mua tại vườn với giá cao, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, giúp nhà vườn chuyên canh trái xoài đặc sản này ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) đạt lợi nhuận cao.
Bộ NN-PTNT đã chọn Lâm Đồng để triển khai đề tài “Phát triển giống cá nước lạnh tại VN” do Viện Nghiên cứu Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đảm trách.
Năm 2010, mô hình trồng cam sành xen ổi do dự án Jica (Tổ chức phi chính phủ Nhật Bản) hỗ trợ; từ 02 mô hình vườn mẫu ban đầu, với diện tích 1,4 ha, đầu tư cho 02 hộ ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Đến nay, đã phát triển nhân rộng được gần 15 ha, có 30 hộ tham gia trên địa bàn các xã Phong Phú, Tam Ngãi, Thông Hòa, An Phú Tân (huyện Cầu Kè).