Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển mô hình cánh đồng lớn
Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" hay còn gọi là "Cánh đồng lớn" xuất hiện đầu tiên tại vùng ĐBSCL. Sau gần 5 năm triển khai, mô hình này đã và đang khẳng định được vai trò, vị trí của một phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo Cục Trồng trọt, nếu như năm 2011 vùng ĐBSCL diện tích thực hiện "cánh đồng lớn" chỉ khoảng 8.000ha thì đến năm 2014 đạt khoảng 140.000ha và dự kiến trong năm 2015 đạt khoảng 200.000ha. Mô hình "cánh đồng lớn" giúp nông dân tăng năng suất từ 15 - 20%; lợi nhuận tăng thêm từ 1,2 - 7,5 triệu đồng/ha so với mô hình bên ngoài…
Đặc biệt, mô hình đã tạo được sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp). Từ đó làm tăng sản lượng, tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, làm tăng giá trị và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo trên thị trường trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, các đại biểu một lần nữa khẳng định phát triển mô hình "cánh đồng lớn" là xu thế tất yếu, là giải pháp thiết thực nhất cho sản xuất lúa và cả ngành trồng trọt nhằm hướng tới thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, mô hình "cánh đồng lớn" còn nhiều khó khăn, thách thức cần có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển của mô hình trong thời gian tới. Đó là: Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo trong nước tham gia "cánh đồng lớn" còn khá chậm; trong khi mô hình này chính là điểm xuất phát cho việc xây dựng vùng nguyên liệu.
Một số doanh nghiệp tham gia mô hình nhưng nguồn lực có hạn, thiếu vốn để thu mua sản phẩm, đầu tư kho bãi… trong khi tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng còn nhiều khó khăn. Diện tích đất sản xuất/nông hộ ít (khoảng 0,6ha/hộ), trình độ sản xuất không đồng đều nên khả năng đầu tư, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Một số nông dân trong "cánh đồng lớn" chưa tuân thủ đúng quy trình canh tác đã được hướng dẫn, chưa áp dụng sạ hàng, chưa quan tâm ghi chép sổ sách, nhật ký đồng ruộng…
Việc tổ chức, triển khai mô hình còn nhiều hạn chế do một số nơi chưa có hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các mô hình kinh tế hợp tác này còn nhiều yếu kém… Đặc biệt, một số văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, chưa tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ gắn kết sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng trên "cánh đồng lớn", vùng nguyên liệu tập trung…
Related news
Xã Phú Long, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) là một trong những địa phương có truyền thống và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi gia súc. Việc tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo đầu ra cho các xã viên trong Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo Phú Bình là biện pháp hiệu quả để ổn định thu nhập cho bà con trong nghề chăn nuôi.
Trong những năm qua, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng (Hà Nội), nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã chuyển sang trồng đu đủ, dưa chuột, dưa lê… Đây là hướng đi đang mang lại thu nhập cao cho người dân so với trồng lúa, ngô truyền thống.
Các tỉnh thành ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa hè thu, tuy nhiên mấy ngày qua liên tục bị mưa dầm khiến việc thu hoạch ùn ứ do lúa đổ ngã, ẩm ướt… Lúa gặp mưa làm chất lượng giảm nên bị thương lái chê, đẩy nông dân vào cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được.
Qua 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thanh long ước đạt 16,9 triệu USD tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, chiếm 61,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản và chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu thanh long đã có biến chuyển tích cực, phát triển vào thị trường Mỹ, Hồng Kông và Qatar, tuy số lượng thấp, nhưng đây vẫn là điều đáng mừng của các doanh nghiệp.
Nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, chú trọng đầu tư thâm canh nên 3 tháng nay 7 sào lúa hè thu trên cánh đồng Cồn Mồ của anh Tám Duy Vinh ở huyện Duy Xuyên sinh trưởng và phát triển rất tốt.