Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Lường Trước Rủi Ro

Cần Lường Trước Rủi Ro
Publish date: Tuesday. April 22nd, 2014

Không thể phủ nhận việc Việt Nam trúng thầu XK 800 ngàn tấn gạo sang Philippines sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những băn khoăn, lo ngại...

Tác động trước mắt của việc trúng thầu 800 ngàn tấn gạo, là giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đã tăng ngay sau khi có thông tin trúng thầu. Ông Phạm Vỹ Bền, một thương gia ngành gạo ở ĐBSCL cho biết, giá lúa tươi loại thường thu mua tại ruộng đã tăng lên ở mức 4.400 đ/kg.

Ông Trần Bảo Toàn, GĐ DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp), cho hay, từ sau khi trúng thầu đến giờ, giá gạo hàng hóa tăng liên tục. Hiện tại, gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm ở mức 6.900 đ/kg, gạo nguyên liệu làm gạo 15% tấm là 6.750 đ/kg, gạo thành phẩm 5% tấm tại kho là 7.900 đ/kg, gạo thành phẩm 15% tấm tại kho là 7.700 đ/kg... Nhìn chung, giá nhiều loại gạo xuất khẩu đã tăng khoảng 200-250 đ/kg so với trước khi trúng thầu.

Quý 1 năm nay, xuất khẩu gạo chỉ đạt trên 1,219 triệu tấn, giảm tới 15,41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vụ đông xuân lại đang thu hoạch rộ, với lượng lúa đã thu hoạch đến ngày 10/4 là 10,54 triệu tấn. Vì thế, việc trúng thầu 800 ngàn tấn gạo cũng tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện lô hàng 800 ngàn tấn gạo trúng thầu xuất khẩu sang Philippines, giao hàng từ tháng 5 đến hết tháng 8 năm nay, đang tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ, mà trước hết là về giá cả. Theo một số nguồn tin trong ngành lương thực, giá bình quân trúng thầu gạo 15% đi Philippines, nếu quy đổi về giá FOB (giao hàng tại cảng TP.HCM), chỉ tương đương với 7.700-7.800 đ/kg hoặc cao hơn một chút.

Mà như đã nói ở trên, giá gạo 15% tấm thành phẩm tại kho ở ĐBSCL hiện đã là 7.700 đ/kg. Khi đưa đến cảng cho lọt lòng tàu, nếu cộng chi phí vận chuyển, bao bì, bốc vác..., tổng cộng là 220 đ/kg, thì giá thành đã lên tới 7.920 đ/kg, cao hơn hoặc bằng so với giá trúng thầu bình quân.

Mà giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL lại có vẻ chưa dừng ở đó. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp chuyên cung ứng gạo xuất khẩu ở khu vực này, đang có dấu hiệu cho thấy nông dân, thương lái giữ lại lúa gạo hàng hóa, chưa vội bán ra, khiến cho doanh nghiệp khó thu mua được lượng gạo cần thiết, nhất là gạo 15% tấm.

Chẳng hạn, DN của ông Trần Bảo Toàn đang cần phải thu mua mỗi ngày tới 300 tấn gạo để đáp ứng đơn hàng cho các nhà xuất khẩu, nhưng mỗi ngày chỉ mua được một nửa số ấy. Vì thế, nhiều khả năng trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua gạo để cung ứng cho Philippines, giá gạo 15% tấm sẽ còn tăng nữa, với mức tăng có thể tới 200 đ/kg.

Mặt khác, do gạo 15% tấm chỉ có thể lấy từ gạo sản xuất trong vụ đông xuân (do gạo vụ hè thu chất lượng thấp, chỉ làm gạo 25% tấm), nên chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải đua nhau mua loại gạo này trong thời gian ngắn sắp tới. Thành ra, việc giá gạo 15% tấm ở ĐBSCL sẽ còn tăng cao là điều đã có thể tiên liệu được.

Những dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ và FAO, tuy có khác nhau về số liệu, nhưng đều cho rằng nhu cầu tiêu thụ và thương mại gạo trong năm nay trên thế giới sẽ tăng cao hơn so với sản lượng.

Cụ thể, dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ: sản lượng tăng 3,3 triệu tấn lên mức 474,8 triệu tấn; tiêu thụ tăng tới 6,8 triệu tấn lên 474 triệu tấn; thương mại tăng 2,3 triệu tấn lên 41 triệu tấn. Dự báo của FAO: sản lượng tăng 2,8 triệu tấn, tiêu thụ tăng 11,6 triệu tấn, thương mại tăng 1 triệu tấn.

Bên cạnh đó, thị trường lớn nhất hiện nay của gạo Việt Nam là Trung Quốc, cũng đang ăn mạnh gạo 15% tấm. Theo ông Trần Bảo Toàn, từ tháng 3 về trước, gạo 5% và 15% tấm từ ĐBSCL được đưa ra Hải Phòng khá nhiều để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhưng từ ngày 1/4 đến giờ, do Bộ GT-VT siết chặt kiểm tra tải trọng khiến cho một lượng gạo khá lớn đang nằm tồn đọng ở Hải Phòng, nên lượng gạo 15% tấm đưa ra phía Bắc cũng đang tạm bị ngưng lại.

Nếu như Bộ GT-VT chưa siết kiểm tra tải trọng, tức là gạo 15% tấm vẫn đang ào ào đi Trung Quốc, thì sau khi trúng thầu loại gạo này ở Philippines, giá gạo 15% tấm ở ĐBSCL chắc chắn còn vọt lên cao nữa.

Ngay chính thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng ghi nhận việc Trung Quốc đang có nhu cầu cao về gạo 15% tấm của Việt Nam. Vì thế, khả năng giá gạo loại này tăng cao là rất lớn. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu trúng thầu ở Philippines, các doanh nghiệp sẽ phải chịu nhiều rủi ro vì chào giá thấp, khi mà họ vẫn chưa xác định được xu hướng giá cho giao hàng đến tháng 8/2014.

Tất nhiên, không phải toàn bộ 800 ngàn tấn gạo 15% tấm trúng thầu xuất khẩu sang Philippines đều có nguy cơ bị lỗ, bởi trước khi đi đấu thầu, trong kho của các doanh nghiệp cũng đã trữ sẵn một lượng gạo 15% tấm với giá thành ở mức đảm bảo có lợi nhuận so với giá bỏ thầu.

Thế nhưng, khi mà các doanh nghiệp vẫn phải mua một lượng gạo 15% tấm không nhỏ để đáp ứng nhu cầu giao hàng cho Philippines trong bối cảnh diễn biến giá gạo trong nước, nhất là gạo 15% tấm sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, thì có thể thấy hiệu quả kinh tế của đợt trúng thầu này là không cao, nếu không muốn nói là có nguy cơ lỗ. Mà từ đầu năm đến nay, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành gạo, từ nhà xuất khẩu tới các nhà cung ứng, đều đang không có lời, thậm chí thua lỗ liên tục.


Related news

Cầm tay chỉ việc cho nông dân Cầm tay chỉ việc cho nông dân

Lâu nay, cụm từ “trông chờ, ỷ lại” thường được gán cho nông dân một cách áp đặt khi nói về nguyên nhân của tư duy sản xuất lạc hậu, trì trệ, kém phát triển; trong khi điều mà họ cần là một định hướng phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả để làm “điểm tựa” chứ không hoàn toàn là sự hỗ trợ mang tính “mùa vụ”. Khắc phục điểm yếu này, Hội Nông dân tỉnh đang triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hội viên bằng phương pháp “Cầm tay chỉ việc”.

Thursday. July 23rd, 2015
Hoàng Su Phì từng bước cơ giới hóa trong nông nghiệp Hoàng Su Phì từng bước cơ giới hóa trong nông nghiệp

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp (NN) của huyện Hoàng Su Phì đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất NN theo hướng hàng hóa; huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đưa máy móc vào sản xuất, chế biến nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thursday. July 23rd, 2015
Đồng Nai phát hiện 4 trại heo sử dụng chất tạo nạc Đồng Nai phát hiện 4 trại heo sử dụng chất tạo nạc

Ăn phải thịt heo có tồn dư chất tạo nạc sẽ bị ngộ độc, lâu dài có thể gây biến chứng ung thư.

Thursday. July 23rd, 2015
Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, huyện Phụng Hiệp tập trung thực hiện chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đưa sản xuất nông nghiệp ở địa phương có bước phát triển mới.

Thursday. July 23rd, 2015
Khoai tây Đà Lạt khan hiếm, hàng Trung Quốc tràn về thế chỗ Khoai tây Đà Lạt khan hiếm, hàng Trung Quốc tràn về thế chỗ

Giá khoai tây Đà Lạt vài ngày gần đây tăng vọt lên 15.000 đồng/kg nhưng không có hàng để bán, tạo điều kiện cho khoai Trung Quốc tràn về thế chỗ

Thursday. July 23rd, 2015