Cam Rụng Quả Hàng Loạt
Vụ cam này nhiều người dân ở xã Yên Khê - Con Cuông (Nghệ An) hy vọng sẽ trúng lớn bởi vườn cam nhà nào cũng sai quả. Nhưng gần đến ngày thu hoạch thì cam rụng quả hàng loạt, cộng với bế đầu ra, khiến người trồng cam lâm vào khó khăn...
Chúng tôi tìm đến “vựa cam” ở bản Tân Hương, xã Yên Khê (Con Cuông), khác với không khí nhộn nhịp thu hoạch cam như mọi năm, thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch nhưng khách vào mua cam vắng teo. Hai bên đường người trồng cam phải tự dựng các sạp để bán cam. Vào thăm vườn cam của ông Đặng Thái Hòa, ông buồn bã cho biết: “Cam năm nay được đầu tư chăm sóc tốt nên rất sai quả, có những cây đạt từ 1,2-1,5 tạ. Nhưng đến gần ngày thu hoạch thì cam rụng hàng loạt, ngày nào cũng có quả rụng, quả đang tươi xanh bắt đầu ngả màu vàng, rồi thối và rụng hết”. Vườn cam của gia đình ông Hòa rộng trên 1,2 ha, chủ yếu là giống Vân Du và hiện bị rụng khoảng 40 tấn cam, nếu tính theo giá 25.000 đ/kg tại vườn thì vụ này ông bị thiệt hại trên 100 triệu đồng. Theo ông Hòa thì nguyên nhân chưa xác định rõ, có thể là do sâu bệnh hoặc do mưa nhiều nên cam rụng.
Ông Lương Văn Nghệ, bản Tân Hương buồn bã: “Tất cả tiền của vay mượn gia đình đều đầu tư vào vườn cam, 1 ha cam/100 triệu đồng, đến ngày thu hoạch thì rụng quả hàng loạt. Xót của lắm”. Đến nay, 2 ha cam của ông Nghệ bị rụng khoảng trên 30 tấn, hiện đang còn 10 tấn chưa thu hoạch. Ông Nghệ dự tính vườn cam năm nay sẽ thu về gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi từ 500 - 600 triệu đồng, nhưng cam rụng quả nhiều, cộng với khó tiêu thụ nên tính ra lại lỗ nặng. Ở bản Tân Hương, các hộ trồng cam khác cũng trong hoàn cảnh tương tự: hộ ông Lô Văn Tú trồng 250 gốc cam bị rụng hơn 12 tấn, hộ ông Lô Văn Tuân rụng 6 tấn, hộ ông Lô Văn Ưng rụng 3 tấn, hộ ông Lương Văn Kiêu rụng 10 tấn… Theo quan sát của chúng tôi, ngoài hiện tượng cam chín vàng rụng thì tỷ lệ quả xanh rụng cũng khá nhiều. Hiện bà con nông dân chưa xác định được nguyên nhân và cũng chưa có cách điều trị để hạn chế cam rụng.
Lâu nay ai cũng biết đến thương hiệu “cam Con Cuông” nhưng năm nay, đầu ra cho cam lại rất khó khăn. Theo nhiều hộ trồng cam, thì nguyên nhân được xác định là do hiện nay cam Trung Quốc và nhiều loại cam khác đang “nhái” cam Con Cuông, nên cam Con Cuông bị mất dần thương hiệu. Vả lại, mưa kéo dài nên độ đường của cam giảm, cam nhạt hơn, không ngon bằng các năm khác nên khó tiêu thụ. Hiện trong vườn của ông Đặng Thái Hòa đang còn trên 5 tấn cam chưa bán được, hàng ngày quả lại thi nhau rụng. Ông Hòa cho biết: “Cam khó tiêu thụ nên chúng tôi đã hạ giá xuống còn 20.000 đ/kg nhưng vẫn không có người mua. Mỗi ngày chỉ bán được từ 1-2 tạ cam, có ngày chỉ bán được 30 kg, trong khi đầu tư chi phí trên 100 triệu đồng, chưa kể công sức bỏ ra và tiền thuê nhân công, tính ra là lỗ vốn”.
Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: Từ năm 2004 thực hiện đề án “Khôi phục cây cam giai đoạn 2004-2015” của UBND huyện Con Cuông”, xã Yên Khê đã trồng được trên 50 ha (chủ yếu giống cam Vân Du). Nhờ trồng cam mà nhiều hộ dân đã đổi đời, mỗi vườn cam tạo việc làm cho 4-5 lao động địa phương. Năm nay cam rụng hàng loạt gây thiệt hại nặng nề cho người trồng cam, ước tính cả xã bị rụng khoảng trên 150 tấn, thiệt hại tương đương khoảng 3,7 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cam khó tiêu thụ nên người dân chưa thu hoạch, lượng cam rụng hàng ngày tăng, gây thiệt hại lớn về kinh tế”...
Ông Nguyễn Ngọc Thái - Trưởng Trạm Khuyến nông Con Cuông cho biết: Toàn huyện Con Cuông hiện có 91 ha cam, trong đó giống cam Vân Du chiếm trên 60 ha. Đây là giống cam chín sớm, năng suất cao, khối lượng trung bình 180 - 200g/quả; ưu điểm chống chịu sâu bệnh, chịu hạn, vỏ dày mọng nước và ngọt. Tuy nhiên lại thu hoạch sớm vào tháng 10 – 11, nếu gặp mưa thường bị rụng quả. Có thể khẳng định nguyên nhân rụng quả là năm nay mưa nhiều, giai đoạn chính vụ thu hoạch gặp mưa nên xảy ra hiện tượng “rụng quả sinh lý”. Trạm Khuyến nông huyện đã từng khuyến cáo bà con là khi cam chín cần bán ngay không giữ chờ giá, vì nếu gặp mưa sẽ bị rụng. Giải pháp hiện nay là cần phải trồng xen các giống cam chín muộn khác với cam Vân Du để tránh mưa, thu hoạch vào các dịp Tết Nguyên đán như giống cam V2.
Related news
Nông dân Võ Văn Cường, thôn Suối Méc, xã Ninh Thân (TX Ninh Hòa), một người trồng bí đỏ có thâm niên cho biết: Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên cây bí sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất tương đối ổn định, dao động từ 12-15 tấn/ha, tăng từ 2-3 tấn/ha so với năm ngoái.
Hơn 500 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lí và DN ngồi chật kín hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế tham dự Hội thảo Khoa học công nghệ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM do Bộ NN-PTNT và Bộ KHCN đồng tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội cho thấy sức hút của khoa học công nghệ (KHCN) với phát triển nông nghiệp hiện rất lớn.
Vụ nuôi tôm hùm năm 2014, các chủ lồng nuôi đã thay đổi hình thức nuôi tôm bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn tươi. Cụ thể là sau khi làm vệ sinh lồng bè xong, người nuôi thả tôm hùm con với mật độ 5 con/m2. Trong ba tháng đầu, chủ lồng không cho tôm ăn thức ăn tươi mà chỉ bón phân gây tảo trong từng ô để tạo thức ăn tự nhiên cho tôm.
Mặc dù tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2008-2013 khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng có tới 32% chi cho lương và hoạt động bộ máy. Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao…
Lượng khai thác ổn định là do hằng năm ngành Thủy sản thả bổ sung từ 800.000 đến 1 triệu con cá cho hồ Dầu Tiếng. Mặt khác, ngành thường xuyên thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông, kịp thời xử lý vi phạm nên sản lượng khai thác ổn định.