Cách Trộn Thuốc Vào Thức Ăn Trị Bệnh Cho Vật Nuôi Thủy Sản
Trong các phương pháp trị bệnh cho tôm, cá thì đưa thuốc trị bệnh qua đường thức ăn được người nuôi sử dụng khá phổ biến. Để đạt được hiệu quả trị bệnh tốt nhất, điều quan trọng là cần trộn thuốc vào thức ăn đúng cách. Cần tiến hành theo các bước:
Tính lượng thuốc
Để xác định lượng thuốc cần dùng để trộn vào thức ăn cho tôm (cá), trước tiên phải xác định trọng lượng thực tế của đàn tôm (cá) hiện có trong ao, bằng công thức:
Tổng trọng lượng tôm (cá) = Số cá thả x Tỷ lệ sống x Trọng lượng bình quân mỗi cá thể. Tiếp theo, căn cứ liều sử dụng theo hướng dẫn trên trên nhãn thuốc. Lưu ý, trên nhãn thuốc có hướng dẫn liều sử dụng theo đơn vị thức ăn nhưng đây chỉ là thông tin để tham khảo, phải tính lượng thuốc cần sử dụng theo trọng lượng tôm (cá).
Chẳng hạn trên nhãn ghi: Sử dụng 0,2 kg thuốc cho 1 tấn tôm (cá) hoặc trộn vào 20 - 30 kg thức ăn, thì đó là liều tương đương của thức ăn và trọng lượng khi tôm (cá) còn ăn mạnh (khi tôm, cá bệnh lượng thức ăn sử dụng giảm). Nhưng khi tôm (cá) đã bệnh, người nuôi nên chọn liều là 0,2 kg thuốc/1 tấn tôm (cá).
Tính lượng thức ăn cần trộn thuốc
Nên trộn thuốc với 20 - 30% lượng thức ăn hàng ngày khi tôm, cá chưa bệnh để đảm bảo lượng thuốc cung cấp đủ nồng độ và tất cả cá đều ăn được thuốc.
Nếu trộn thuốc với lượng thức ăn như khi tôm, cá còn ăn mạnh thì sẽ ăn không hết thức ăn (do cá bệnh ăn yếu), vừa gây lãng phí thuốc, vừa làm cho nồng độ thuốc trong cơ thể không đủ diệt khuẩn. Còn nếu trộn thuốc với quá ít thức ăn sẽ làm một số cá ăn yếu không tranh được thức ăn cũng sẽ không được điều trị.
Pha nước vào thuốc
Theo tỷ lệ 7 lít nước/40 kg thức ăn. Sử dụng nước sạch để pha thuốc. Không nên sử dụng nước ao để trộn thức ăn vì nếu ao cá nhỏ, nước sẽ có rất nhiều tảo làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của cá; còn nếu cá lớn, nước ao sẽ có nhiều chất hữu cơ làm kết tủa một lượng thuốc, làm giảm nồng độ thuốc, dẫn đến hiệu quả không cao.
Dùng thùng có vòi sen múc nước thuốc tưới đều vào thức ăn, vừa tưới vừa trộn. Một số loại thuốc chậm tan, cần quậy đảo liên tục trong thùng tưới, tránh thuốc bị sa lắng dưới đáy thùng. Sau đó, để thức ăn nơi thoáng mát khoảng 30 phút, đợi thuốc ngấm sâu vào viên thức ăn, dùng dầu ăn bao áo viên thức ăn rồi rải đều khắp ao cho cá ăn.
Đối với thức ăn tự chế
Sau khi tính đủ lượng thuốc cho số cá trong ao, nên trộn số thuốc này với số cám dùng trong hỗn hợp tự chế. Chia nhỏ lượng cám và lượng thuốc cần trộn để trộn nhiều đợt (giúp thuốc phân tán đều vào cám). Sau khi cám và thuốc đã trộn đều thì dùng hỗn hợp cám + thuốc này trộn vào các thành phần khác theo tỷ lệ của thức ăn tự chế.
Lưu ý: Nếu sử dụng cùng lúc 2 hoặc 3 loại thuốc thì nên trộn riêng từng loại, không nên hòa nhiều loại thuốc vào nước để trộn vào thức ăn để tránh thuốc tương tác nhau làm giảm hiệu lực.
Related news
Khoảng 1 tháng nay, trong khi giá trứng gà bán ra từ các trang trại liên tục giảm mạnh thì trên thị trường mặt hàng này vẫn giữ giá ở mức cao. Sự bất hợp lý trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm đang làm nản lòng người dân trong đầu tư tái đàn gia cầm.
UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt kinh phí hỗ trợ dự án “Xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại An Giang”, do Thạc sĩ Phí Như Liễu, Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) làm chủ nhiệm; phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ An Giang) thực hiện. Tổng kinh phí gần 847 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ gần 664,8 triệu đồng, còn lại do hộ nông dân tham gia đối ứng.
Nhờ chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh nên từ đầu năm đến nay chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được duy trì ổn định, các loại dịch bệnh mặc dù có xuất hiện nhưng đã được ngăn chặn và khống chế kịp thời, không để bùng phát trên diện rộng.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn – Trường đại học An Giang phối hợp UBND xã Vĩnh Phước (Tri Tôn - An Giang) tổ chức hội thảo “kết nối nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa mùa nổi và khảo sát tiềm năng phát triển du lịch”. Qua đó, các doanh nghiệp thống nhất kế hoạch hợp tác với nông dân tiêu thụ sản phẩm lúa mùa nổi, các sản phẩm rau màu sản xuất trên nền diện tích lúa mùa nổi với giá ổn định; hình thành điểm du lịch lúa mùa nổi gắn với khung cảnh đồng quê xưa. Đồng thời, tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gạo lúa mùa nổi…
"Trồng rau ăn lá an toàn theo hướng VietGap" đang là mô hình sản xuất mà người dân các quận ngoại thành TP. Hồ Chí Minh nói chung, và nông dân các phường Hiệp Thành, P Thới An và phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 nói riêng đang triển khai với qui mô rộng, đã và đang cho thu hoạch với kết quả khả quan. Với xu thế hội nhập hiện nay, để được ổn định về giá cả sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập từ cây rau, thì sản phẩm: rau sạch phải đạt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, sản xuất rau theo hướng VietGap là điều kiện bắt buộc hiện nay nếu như sản phẩm muốn tồn tại trên thị trường.