Các làng nghề nuôi rắn loay hoay tháo gỡ đầu ra

Những năm trước con rắn với giá trị thu nhập cao, có thời điểm lên tới 1,1 - 1,2 triệu đồng/1kg rắn thịt, 100 - 150 ngàn đồng/1 quả trứng đã giúp cho các hộ dân làng nghề thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nhiều hộ có nhà xây cao tầng, mua xe máy, nuôi con ăn học, mua sắm vật dụng đắt tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình... cũng là nhờ con rắn.
Do giá rắn thịt, giá trứng rắn xuống thấp nên hộ ông Nguyễn Quang Trúc ở làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã (Lâm Thao) đã giảm mạnh lượng rắn nuôi so với trước. Ông Trúc kiểm tra đàn rắn bố mẹ.
Thế nhưng, sau một thời gian con rắn sản sinh ra lợi nhuận kha khá thì đến nay nhiều hộ dân làng nghề nuôi rắn lại méo mặt vì rắn do sản phẩm làm ra nhưng khó tiêu thụ, giá rắn thịt, rắn giống, trứng rắn sụt giảm mạnh so với trước, trong khi nguồn thức ăn cho rắn khan hiếm đẩy giá thức ăn lên cao. Thức ăn của rắn chủ yếu là cóc, một phần là gà, vịt loại từ các lò ấp trứng gia cầm, tuy nhiên với giá cóc khoảng 40.000 đồng/1kg thì để duy trì đàn rắn 200 - 300 con mỗi tháng người nuôi phải bỏ ra trên dưới chục triệu đồng tiền thức ăn.
Không kham được, nhiều nhà đã thu hẹp quy mô chăn nuôi, thậm chí có hộ bỏ nghề tìm việc khác để làm. Ngay ở làng nghề nuôi và chế biến rắn Khuôn Dậu thời kỳ cao điểm có khoảng gần 100 hộ nuôi rắn nhưng đến nay theo ông Trần Ngọc Oanh - Trưởng làng nghề cho biết: “Số hộ nuôi dao động từ 70 - 80 hộ, quy mô nuôi giảm xuống còn vài chục con đến 300 con, song số hộ nuôi 200 - 300 con không nhiều”.
Nguyên nhân do nuôi rắn không có lãi, nếu trước kia giá rắn thịt được thu mua trung bình từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/1kg thì nay sụt giảm chỉ còn 400.000 - 500.000 đồng/kg; giá trứng cũng giảm từ 135.000 đồng xuống còn 35.000 - 40.000 đồng/quả (tùy theo thương lái phân loại). Vì giá rẻ, hạch toán chăn nuôi không có lãi nên một số hộ vẫn giữ trứng lại chờ giá hoặc cho ấp nở để bán rắn giống nhưng cũng không khá khẩm hơn, ngay nhà ông Oanh cũng đang còn tồn hơn 1.000 quả trứng rắn chưa bán.
Về làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã, chúng tôi mắt thấy tai nghe những câu chuyện về con rắn chưa bao giờ khó khăn về đầu ra như hiện nay. Ông trưởng làng nghề Nguyễn Quang Trúc đưa đi tham quan chuồng nuôi rắn chỉ còn lèo tèo vài con. “Do giá rắn rẻ nuôi không có lời nên tôi đã giảm dần từ 300 con xuống còn hơn 30 con nuôi thịt và giữ giống, chờ khi giá cả thị trường lên cao mới khôi phục” - ông Trúc vừa nói vừa chìa cánh tay còn vết sẹo rắn cắn tiếp lời: “Trót theo nghề, suýt đánh đổi cả mạng sống với nghề nên bỏ nghề cũng tiếc, nhưng vay vốn ngân hàng để mua thức ăn cho nó thì chúng tôi không kham nổi”. Theo báo cáo của xã Tứ Xã thì thời kỳ “hoàng kim” của nghề nuôi rắn chỉ kéo dài từ năm 2008 đến năm 2012, lúc đó có tới 430 hộ làm nghề, tổng doanh thu của làng nghề đạt 40 - 50 tỷ đồng/năm, nhưng sang năm 2014 doanh thu làng nghề rắn đã sụt giảm xuống còn 25 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu được biết: Từ năm 2013 trở lại đây giá rắn thịt, rắn trứng giảm dần đến năm 2015 thì giảm mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn hơn, thương lái thu mua nhỏ giọt, mua theo phân cấp, phân loại sản phẩm theo hướng không có lợi cho người nuôi. Do đó đến nay ở Làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã cũng chỉ còn 267 hộ nuôi, tổng đàn rắn giảm còn gần 33.000 con.
Giá rẻ, thương lái liên tục ép giá, không chủ động đầu ra là tình trạng chung hiện nay của 2 làng nghề nuôi rắn trên địa bàn tỉnh. Những hộ non vốn, non kinh nghiệm đã bỏ nghề và đang muốn bỏ nghề, một số hộ có tiềm lực vốn cố gắng giữ đàn rắn giống và một lượng nhỏ rắn thịt, trứng rắn chờ giá lên mới bán.
Trả lời câu hỏi các sản phẩm rắn thịt, trứng rắn của làng nghề tiêu thụ ở đâu, tại sao lại có tình trạng sụt giảm giá mạnh?... nhiều hộ dân trong làng nghề khẳng định với chúng tôi rằng: Rắn được tư thương mua gom chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên mới có tình trạng giá cả bấp bênh như trên. Trước tình trạng bấp bênh của giá cả sản phẩm và đầu ra không ổn định, một số hộ nuôi rắn đã cất công theo những tư thương mua gom để tìm hiểu song cũng không tìm được lời giải thỏa đáng cho bài toán đầu ra của sản phẩm làng nghề nuôi rắn hiện nay.
Về hướng chế biến sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, theo ông Bùi Đại Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã: “Địa phương cũng đã định hướng cho các hộ chế biến sản phẩm từ rắn như: Ngâm rượu rắn, mở cửa hàng đặc sản rắn, lấy nọc nhưng qua thử nghiệm vẫn chưa ổn do rượu rắn rất khó bán, mở hàng đặc sản nhưng chưa thu hút được thực khách, còn lấy nọc rắn thì không dễ do phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật sao cho an toàn, bảo quản nọc tươi thế nào cho tốt rồi bán cho ai...
Giá như có công ty dược phẩm nào về ký kết bao tiêu và hướng dẫn kỹ thuật thì chúng tôi mới có thể làm được”. Do mắc, vướng từ nhiều khâu nên ý tưởng chế biến các sản phẩm từ rắn đến nay cũng chỉ dừng lại ở khâu thử nghiệm, định hướng.
Trong khi chờ giải pháp, chờ thị trường thì nghề nuôi rắn vẫn loay hoay tháo gỡ và đang có chiều hướng mai một!
Related news

Từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi cá lóc mà anh Thái Văn Luông (39 tuổi, ngụ ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú - An Giang) đã khá lên. Có được sự thành công ban đầu, anh mua đất đầu tư mở rộng mô hình ương nuôi cá lóc giống cũng mang lại hiệu quả cao.

Một trong những giải pháp để hình thành cánh đồng mẫu lớn là sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học). Thế nhưng từ cách làm theo kiểu “cắm biển, ghi tên” ở 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định mà chúng tôi đã phản ánh, thì mối liên kết ấy hầu như không có gì, nếu có thì cũng rất sơ sài, lỏng lẻo.

Việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu ở khu vực ĐBSCL đã triển khai từ 15.6, nhưng 4 ngày qua giá lúa vẫn không tăng, nông dân vẫn chưa được hưởng lợi...

Ngày 18-6, Liên minh Châu Âu (EU) cam kết tài trợ vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) cho Việt Nam trong năm 2013 là 743 triệu Euro (tương đương 965 triệu USD).

Như nhiều người cùng quê Quảng Ngãi, Nguyễn Thị Mơ vào Phan Thiết tìm việc làm. Mấy tháng đầu Mơ gánh cá thuê ở Cảng cá Cồn Chà. Rồi khi cá ít mà người gánh lại đông, cô thường ngồi không nhiều ngày.