Các Biện Pháp Phòng Và Trị Bệnh Tôm Hùm
Trong thời gian gần đây, tình hình bệnh tôm hùm nuôi ở huyện Sông Cầu nói riêng, trong tỉnh nói chung có chiều hướng gia tăng.
Để hạn chế bệnh tôm hùm xảy ra trên diện rộng, Sở Thủy sản Phú Yên đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn một số biện pháp phòng và trị bệnh tôm như sau:
1/ Một số bệnh thường gặp hiện nay:
a/ Hội chứng đục cơ
- Dấu hiệu bệnh lý: Khi tôm còn sống phần cơ giữa thân và giáp đầu ngực lồi ra, màu sắc tôm vẫn bình thường, tôm ít hoạt động, trở nên yếu dần và chết từ rải rác đến hàng loạt. Khi chết màu sắc cơ thể tôm hơi nhợt nhạt, thân hơi đỏ, cơ trắng đục. Bệnh này thường xảy ra ở tôm hùm nuôi có kích cỡ từ 0,3 – 0,7kg/con.
- Tác nhân gây bệnh: do nhóm vi bào tử trùng
b/ Bệnh đỏ thân
- Dấu hiệu bệnh lý: Tôm bệnh có hiện tượng đỏ ở vùng giáp đầu ngực hay vùng bụng, sau đó màu đỏ lan dần ra toàn bộ cơ thể. Mô gan, tụy bị hoại tử, các khớp ở đôi chân rời ra, đôi râu dài dễ bị gãy, mặt bụng tôm tím bầm, tôm yếu dần bỏ ăn và chết.
- Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Vibrio sp gây ra
2/ Một số biện pháp phòng và trị bệnh:
a/ Các biện pháp phòng bệnh:
Chỉ sử dụng thức ăn tươi và phải rửa sạch bằng nước ngọt trước khi sử dụng cho tôm ăn; tập trung vệ sinh lồng bè nuôi, thu gom thức ăn thừa sau 2 – 3 giờ cho ăn và vớt xác tôm chết đưa vào bờ để tiêu hủy. Cần san thưa mật độ nuôi từ 4 – 5 con/m2 (cỡ tôm >500gr/con); giữ khoảng cách giữa các lồng nuôi từ 5 mét trở lên để đảm bảo nước lưu thông ở các lồng nuôi.
Tăng cường sức khỏe tôm nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp như Stay – C hoặc Cplus 5gr/1kg thức ăn; Vet – C – Encap 3-5gr/1kg thức ăn. Treo túi Chlorine quanh lồng nuôi từ 0,5 – 1kg/túi, sử dụng từ 4 – 5 túi/lồng, sau từ 3 – 5 ngày thay túi mới. Tách riêng những con tôm bệnh và tiến hành các biện pháp điều trị.
b/ Các biện pháp trị bệnh:
- Đối với bệnh do vi khuẩn: sử dụng hỗn hợp thuốc Doxyciline 0,3gr; Oxytetracyline 0,1gr; Steptomycine 0,1gr; Stay - C hay C – Plus 5gr dùng điều trị cho 1kg tôm hùm trong 1 ngày, thời gian điều trị liên tục từ 3 – 5 ngày.
- Cách sử dụng: hòa tan các loại thuốc vào nước sau đó ngâm hỗn hợp này với thức ăn là các loài giáp xác như cua, ghẹ, tôm… từ 15 – 30 phút trước khi cho tôm hùm ăn.
- Đối với bệnh do vi bào tử trùng:
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh này. Trước mắt chỉ áp dụng các biện pháp phòng bệnh là chính như bảo quản thức ăn tươi và vệ sinh sát trùng thức ăn trước khi cho tôm ăn nhằm hạn chế sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Khi có những cá thể tôm mắc bệnh trong hệ thống lồng bè nuôi, bà con nhất thiết phải loại bỏ hay tách chúng khỏi hệ thống nuôi, và phải đặt lồng cách đáy ít nhất 0,8m nhằm tránh lây lan nguồn bệnh…
Related news
Vibrio parahaemolitycus mới được phát hiện lần đầu tiên trên tôm hùm. Bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người dân tại vùng nuôi tôm
Bệnh đỏ thân thường xảy ra ở các loài tôm hùm mói chung, xảy ra nhiều từ tháng 2-8 hàng năm, có khả năng gây chết tôm hùm nuôi từ rải rác đến hàng loạt
Tôm hùm nước ngọt toàn thân màu đỏ (tới đỏ sậm), nên nhiều người hay gọi là tôm hùm đỏ. Điều này dễ gây nhầm lẫn với tôm càng đỏ. Vậy hai loài tôm này khác nhau
Bệnh do vi khuẩn Rickettsia - like là tác nhân chính; ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng.
Nuôi tôm hùm thương phẩm đang gặp một số bệnh làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng. Nắm vững các biện pháp phòng, trị bệnh cho tôm hùm kịp thời