Cá Tra Xuất Khẩu Tăng, Còn Diện Tích Nuôi Lại Giảm
Xuất khẩu phục hồi, giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại trong hơn một tháng qua, nhưng người nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn rất dè chừng, không dám đầu tư khôi phục sản xuất.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc quí 1-2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 1,65 tỉ đô la Mỹ, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 409 triệu đô la Mỹ, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ xuất khẩu tăng nên giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong những tháng đầu năm nay nhìn chung cũng tăng theo. Đặc biệt, từ tháng 3-2014 đến nay, giá cá tra liên tục tăng mạnh và hiện dao động ở mức giá 24.500-26.000 đồng/kg (tùy chất lượng).
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, với giá bán như trên, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư như giống, thức ăn, nhân công…, người nuôi còn lãi khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Dù tình hình xuất khẩu, giá nguyên liệu diễn biến theo hướng có lợi cho người nông dân nhưng diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn tiếp tục sụt giảm do mức độ rủi ro cao, người nuôi ngại tái đầu tư sản xuất.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 4-2014, diện tích, sản lượng cá tra ở nhiều tỉnh ĐBSCL tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tại Vĩnh Long, diện tích nuôi đạt 419 héc ta với sản lượng 30.400 tấn, lần lượt giảm 3,6% về diện tích và 27,8% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái; tại An Giang diện tích nuôi giảm 38,9% (đạt 476 héc ta), sản lượng thu hoạch giảm 30,8% (đạt 45.689 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái…
Lý giải nguyên nhân khiến diện tích nuôi sụt giảm, ông Hải cho biết: “Một phần do những hộ nuôi nhỏ thua lỗ trước đây đã hết vốn tái đầu tư sản xuất, còn với những hộ có khả năng thì họ cho rằng đợt tăng giá lần này vẫn chưa bền vững nên chưa dám thả nuôi”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra huyện Châu Phú, An Giang, là thành viên của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) giải thích, chủ trương cho vay ưu đãi với lãi suất 8%/năm vẫn chưa đến tay người nông dân hay chính sách khoanh nợ, tái cấp vốn cho hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá tra (có phương án làm ăn hiệu quả) chưa được hệ thống ngân hàng triển khai quyết liệt nên họ không tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư thả nuôi trở lại.
Theo ông Nguyên, phần diện tích nuôi đang được duy trì chủ yếu là do doanh nghiệp tự đầu tư hoặc doanh nghiệp liên kết đầu tư với nông dân. “Còn hộ nuôi nhỏ lẻ hầu như đã rệu rã vì thua lỗ hết rồi”, ông nói.
Theo VASEP, trong quí 1-2014, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã mở rộng được thêm 11 thị trường mới, nâng tổng số thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là 146 so với con số 135 của cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ, Nhật Bản và EU là ba thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quí 1-2014.
Related news
Trước khi bắt tay vào nuôi vịt trời như hiện nay, anh Đào Duy Khương (thôn 2, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải Hải Phòng đã có vài năm công tác tại Công ty TNHH Nhà nước MTV Công nghiệp tàu thuỷ Bến Kiền (TP Hải Phòng). Một thời gian sau thì anh lấy vợ là giáo viên ở Hải Hà, lần lượt sinh 2 con gái. Lương “ba cọc ba đồng”, lại xa nhà nên anh không giúp đỡ gì được vợ con.
Quanh năm gắn bó với ruộng đồng, ông Phạm Văn Long (ấp An Phú A, xã Long An - Long Hồ - Vĩnh Long) đã dành trọn tình yêu cho cây lúa. Bằng sức sáng tạo, ông liên tiếp gặt hái thành công trong việc sáng chế máy chà lúa và lai tạo nhiều giống lúa mới.
Ngày 20-8, UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam tiến hành cấp Sâm giống cho 9 xã Trà Mai, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Tập, Trà Cang, Trà Nam, Trà Vân, Trà Vinh và Trà Don. Việc cấp cây Sâm giống này là nhằm để Sâm Ngọc Linh phát triển mạnh và giúp nhân dân các xã từng bước thoát nghèo nhờ cây Sâm
Được thành lập cuối năm 2014, hợp tác xã trồng màu ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có 47 thành viên với diện tích sản xuất trên 11,5 ha. Năm 2013, được Tổ chức hợp tác kỹ thuật của Cộng hòa Liên bang Đức (GTZ) tài trợ Dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng” trồng rừng phòng hộ chắn sóng ở khu vực đê biển ở ấp Mỏ Ó. Đây là dự án nhằm cung cấp những giải pháp thử nghiệm để quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 21/8, lô nhãn mẫu đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được doanh nghiệp thu mua, chuyển vào TP.Hồ Chí Minh chiếu xạ để lên đường xuất khẩu sang Mỹ.