Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Tra Càng Nuôi Càng Lỗ

Cá Tra Càng Nuôi Càng Lỗ
Publish date: Wednesday. August 14th, 2013

Hiện người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải “gồng lưng” chịu lỗ từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Đã lỗ, còn bị doanh nghiệp ép giá, chiếm dụng vốn khiến nông dân không còn tiền tái đầu tư nuôi mới. Tình trạng “treo ao” diễn ra khắp vùng, có nơi diện tích “treo ao” lên đến 60%. Sản phẩm chiến lược quốc gia vì đâu nên nỗi?

Không có khả năng hòa vốn

Vùng ĐBSCL có môi trường thuận lợi cho nghề nuôi cá tra xuất khẩu. Người dân tận dụng 50% diện tích đất bãi bồi ven sông, tức khoảng 6.000 ha làm vùng nuôi cá tra thương phẩm, cung ứng cho các doanh nghiệp. Với kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2012 đạt khoảng 1,75 tỷ USD, còn năm 2011 đạt khoảng 1,8 tỷ USD, nguồn lợi ngoại tệ do con cá tra mang về cao gấp rất nhiều lần so với trồng lúa (khoảng 3,5 triệu ha – hai vụ là khoảng bảy triệu ha nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ gấp đôi trị giá cá tra) và cả con tôm (một triệu ha nuôi tôm và kim ngạch khoảng hơn 2,5 tỷ USD/năm).

Hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể nói, cá tra là sản phẩm chiến lược quốc gia và “độc quyền” của Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên, thời gian qua, con cá tra và người nuôi cá gặp quá nhiều “bão táp”. Cuộc khủng hoảng cá tra năm 2008 đã khiến cho hàng vạn nông dân ở miền Tây thua lỗ nặng. Nhiều người vẫn quyết bám lấy nghề nuôi đã một thời giúp họ trở thành tỷ phú với mong muốn sẽ gỡ gạc ở những vụ sau nhưng thua lỗ lại nối tiếp thua lỗ. Từ tháng 3-2012 đến nay, tức khoảng gần một năm rưỡi là ba vụ nuôi liên tiếp, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lại tiếp tục lỗ nặng từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Vì thế, nhà lầu, xe hơi, ruộng đất và tất cả tài sản của người nuôi cá cứ lần lượt “đội nón” ra đi.

Ông Ba Đẹp, nuôi cá tra ở xã cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long mất ăn mất ngủ vì giá cá tra nguyên liệu không ổn định, lại liên tục có chiều hướng sụt giảm. Dẫn chúng tôi ra hai ao cá sắp thu hoạch, ông Đẹp khẳng định, vụ này giá thành đầu tư nuôi của ông khoảng 24 nghìn đồng/kg cá tra nguyên liệu. Với giá bán như hiện nay chỉ từ 19.500 đến 20.500 đồng/kg, ông bị lỗ từ 3.500 đến 4.500 đồng/kg. “Nuôi cá tra nếu lời được 1.000 đến 2.000 đồng/kg thì hỏng mấy chốc làm giàu, thành tỷ phú. Ngược lại, với mức thua lỗ nặng gấp đôi như thế thì phá sản, đỗ nợ cũng hỏng mấy hồi. Bao nhiêu vườn tược, đất đai của tôi ban đầu thì cầm cố, sau đó bán sạch luôn. Bây giờ, càng nuôi thì càng thua lỗ nặng”, ông Đẹp rầu rĩ nói.

Còn ông Nguyễn Minh Kha, hơn chục năm nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ nói: “Bây giờ không còn lấy thứ tài sản gì để thế chấp ngân hàng nên không vay được vốn. Ba cái ao nằm chình ình sau nhà cũng trơ đáy suốt hai mùa mưa nắng rồi. Hồi đó, nhờ năm ao nuôi cá tra mà tôi phất lên làm giàu nhanh chóng nhưng rồi cũng chính con cá tra khiến tôi mất hết những gì đã có. Hồi giữa năm 2012, ngân hàng siết nợ, tôi phải bán đi hai ao lớn để giải vây, còn ruộng rẫy đã “bay” hết vào hai năm trước nữa”.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, hiện tại Vĩnh Long, diện tích thả nuôi cá tra chỉ còn hơn 400 ha, số “ao treo” lên đến 60%. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, diện tích “treo ao” luôn từ 30 - 40%”.

Doanh nghiệp làm khó người nuôi cá

Ông Võ Văn Đệ từng được mệnh danh là “ngư dân” giỏi về nuôi cá tra thương phẩm ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt suốt nhiều năm liền. Giữa lúc cuộc “khủng hoảng” cá tra năm 2008, số “đại gia” cá tra “rớt” như… sung rụng thì ông Đệ vẫn hốt bạc đều đều. Vậy mà, hiện nay, ba ao nuôi to tướng của ông cũng phải “treo” suốt hai mùa rồi.

Chỉ cho chúng tôi hàng giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nuôi theo các quy trình do các tổ chức quốc tế và trong nước cấp, ông Đệ tỏ rõ ngao ngán. “Nuôi theo quy chuẩn chất lượng của nước ngoài khó khăn và tốn kém chi phí vô cùng vì họ tới lui đánh giá vùng nuôi liên tục. Vậy mà, con cá tra khi bán ra lại bị các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu “cào bằng” với cá thường. Chưa nói, gặp lúc nguồn nguyên liệu dồi dào thì doanh nghiệp sẵn sàng ép giá người nuôi. Áp lực cá quá lứa sẽ càng lỗ nặng nên dù giá rẻ vẫn phải bán đổ bán tháo, “hốt” lại được đồng nào hay đồng đó”, ông Đệ chia sẻ.

Ông Hồ Văn Vàng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng khốn khó của con cá tra Việt Nam như hiện nay. Ông khẳng định: “Chính doanh nghiệp vì cạnh tranh không lành mạnh đã tự “giết” nhau và kéo cả người nuôi cá vào vòng xoáy này. Hiện nay, khách hàng và người tiêu dùng quốc tế đã mất niềm tin vào sản phẩm cá tra Việt Nam, giảm sức mua nên xuất khẩu và cả người nuôi đều gặp khó.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mua bán kiểu chụp giật, hạ giá xuất khẩu để giành hợp đồng rồi sẵn sàng lừa đảo đối tác bằng cách quay tăng trọng, mạ băng (bơm nước và hóa chất vào miếng cá tra fillet) đến 40 - 50%, khiến thịt cá bị bở, bị lạt và kém chất lượng. Trong khi, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cho phép mức tăng trọng, mạ băng tối đa 20%. Không hiếm trường hợp giá xuất khẩu thấp hơn giá thành sản xuất, sau đó doanh nghiệp quay lại ép giá người nuôi cá trong nước”.

Cũng theo ông Vàng, mặc dù đã trải qua hàng chục năm nhưng việc quy hoạch vùng nuôi cá tra nguyên liệu vẫn cứ loay hoay, tự phát nên nguồn nguyên liệu không ổn định, lúc thiếu, lúc thừa. Rủi ro, thua lỗ, thiệt thòi bao giờ người nuôi cá cũng bị tác động đầu tiên. Việc quản lý thức ăn, thuốc thú y thủy sản còn lỏng lẻo nên tình trạng tự tăng giá bán mà chất lượng kém thường xuyên xảy ra.

Giá vật tư đầu tư vào tăng cao, tần suất tăng giá dày đặc, nhất là giá thức ăn công nghiệp liên tục tăng, tác động đến giá thành nuôi cá ngày càng cao. Đã vậy, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không quan tâm đến người nuôi, còn ép giá và chiếm dụng vốn của họ. “Hiện nay, hầu hết các công ty khi bắt cá tra nguyên liệu đều không trả tiền trước cho nông dân (mặc dù chỉ 20% tổng giá trị hợp đồng).

Họ bắt cá, chế biến bán đi, rồi mang bộ “chứng từ” bán hàng đó đi vay ngân hàng, lấy tiền làm việc khác chứ không trả nợ tiền cá cho nông dân. Người nuôi cá, ít nhất phải 30 ngày sau mới có thể nhận được tiền bán cá nhưng thông thường, doanh nghiệp trì hoãn, kéo dài thời gian trả nợ đến 60 ngày. Suốt thời gian này, nông dân phải gò lưng đóng lãi ngân hàng… thay cho doanh nghiệp”, ông Vàng phân tích.

Sắp xếp lại ngành cá tra theo hướng bền vững

Tại buổi gặp gỡ và làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về tháo gỡ khó khăn cho con cá tra, cây lúa tại Vĩnh Long mới đây, ông Hồ Văn Vàng đã đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực. Ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách vay vốn theo chế độ tín dụng đặc thù hoặc được bảo lãnh vay thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với người nuôi cá tra. Vì qua gần hai năm liên tục thua lỗ (ba vụ), người nuôi cá đã hết vốn và cũng không còn tài sản thế chấp.

Sớm lập lại trật tự thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu; quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu; có biện pháp xử lý tình trạng bán phá giá và gian lận thương mại của các doanh nghiệp làm ảnh hướng đến uy tín và thương hiệu cá tra Việt Nam. Đặc biệt, sớm ra đời Nghị định về điều hành sản xuất và xuất khẩu cá tra để Hiệp hội Cá tra Việt Nam dựa trên cơ chế chính sách của Nhà nước để điều hành, nhằm củng cố và sắp xếp lại ngành cá tra theo hướng bền vững.


Related news

Nông Dân Khá Nhờ Trồng Lúa Nhật Ở An Giang Nông Dân Khá Nhờ Trồng Lúa Nhật Ở An Giang

Thực hiện mô hình liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất lúa Nhật, nhiều nông dân phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên - An Giang) đã cải thiện kinh tế gia đình và vươn lên khá giả. Hàng năm, Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật cung cấp cho công ty thu mua hơn 500 tấn lúa giống và thương phẩm, thu về lợi nhuận trên 4,5 tỷ đồng.

Tuesday. April 16th, 2013
Lo Với Nguy Cơ Chim Yến Nuôi Nhiễm Vi-Rút Cúm Ở Bình Định Lo Với Nguy Cơ Chim Yến Nuôi Nhiễm Vi-Rút Cúm Ở Bình Định

Thời gian gần đây, khi rộ lên thông tin dịch cúm A (H5N1) bùng phát trên một đàn yến nuôi ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), không chỉ những người nuôi yến mà nhiều người dân đang “chung sống” với những ngôi nhà yến ở tỉnh Bình Định cũng đang thấp thỏm lo lắng…

Wednesday. April 17th, 2013
Cây Dừa Xiêm Đỏ Đang Thay Thế Dần Cây Lúa Ở Tiền Giang Cây Dừa Xiêm Đỏ Đang Thay Thế Dần Cây Lúa Ở Tiền Giang

Từ cuối tháng 3 đến nay, do trời nắng nóng nên giá dừa uống nước tăng cao, từ 60.000 đồng/chục (12 trái) lên 90.000 đồng. Dì Ba Thành ngụ ấp Bình Phong (Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) phấn khởi cho biết: Với giá dừa này, 1,5 công dừa của tôi hiện cho trái, mỗi tháng thu hoạch được khoảng 3 triệu đồng bằng lợi nhuận làm ra từ 4 công lúa suốt hơn 3 tháng trời vất vả.

Wednesday. April 17th, 2013
Tình Trạng Bẫy Tôm Hùm Con Vẫn Tái Diễn Ở Bình Thuận Tình Trạng Bẫy Tôm Hùm Con Vẫn Tái Diễn Ở Bình Thuận

Mặc dù đang trong thời gian “giới nghiêm” cấm bẫy tôm hùm con của UBND tỉnh Bình Thuận. Nhưng tại một số nơi như: xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam); phường Mũi Né, TP.Phan Thiết… tình trạng thả lưới bẫy tôm hùm con vẫn diễn ra.

Thursday. April 18th, 2013
Sẽ Có Quy Định Về Quản Lý Hoạt Động Nuôi Chim Yến Sẽ Có Quy Định Về Quản Lý Hoạt Động Nuôi Chim Yến

Ngày 17/4, Bộ NNPTNT sẽ họp để xây dựng Thông tư quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến nhằm đối phó ngay với việc phát hiện vi rút cúm A/H5N1 trên đàn chim yến tại Ninh Thuận, ngăn ngừa nguy cơ phát tán dịch.

Thursday. April 18th, 2013