Cả Thôn Xây Nhà, Sắm Ô Tô Nhờ... Cây Cảnh

Từ việc trồng sanh, si, duối… để phục vụ thú chơi cây, đến nay hàng chục hộ dân ở thôn Thượng Phường, xã Yên Thành (Yên Mô, Ninh Bình) đã trở thành triệu phú, trong đó không ít hộ thu nhập lên tới tiền tỷ.
Thôn Thượng Phường hiện có 165 hộ dân thì có tới trên 80% số hộ trồng và kinh doanh cây cảnh. Là người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, ông Bùi Thiện Toại (80 tuổi) cho biết: Sau khi đất nước giải phóng, làng tôi đã bắt đầu có người trồng sanh, si, duối... nhưng chủ yếu để phục vụ thú chơi cây trong gia đình.
Mãi đến những năm 1990, khi cây cảnh được thị trường ưa chuộng, nhiều người săn tìm mua cây nên dân trong làng mới trồng nhiều hơn để kinh doanh, hộ ít trồng vài cây, hộ nhiều ngót trăm cây.
“Nghề trồng cây cảnh tưởng làm chơi mà ăn thật, cả thôn Thượng Phường giờ đa phần sống bằng nghề trồng và cắt tỉa cây cảnh, nhiều hộ bỏ túi từ vài trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm” - ông Toại tự hào nói.
Ông Vũ Đức Thuận – Trưởng thôn Thượng Phường cho biết thêm: “Nhờ làm cây cảnh mà bộ mặt thôn Thượng Phường thay da, đổi thịt. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 50% vào năm 2005, đến cuối năm 2013 chỉ còn dưới 10%, trong đó một số hộ có thu nhập “khủng” như anh Mai Văn Phú, Vũ Văn Sở, Vũ Văn Hoàn… Càng vinh dự hơn khi làng nghề làm cây cảnh Thượng Phường có anh Bùi Thanh Khiết và Bùi Văn Bạch được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh”.
Trò chuyện với phóng viên, Nghệ nhân sinh vật cảnh Bùi Thanh Khiết tâm sự: Sau gần chục năm đầu tư vào nghề làm cây cảnh, gia đình tôi không chỉ xây được nhà khang trang, nuôi con ăn học đầy đủ mà còn mua được ô tô. Dù những năm gần đây, thị trường cây cảnh không “sốt” như trước nữa, nhưng không vì thế mà cây cảnh mất đi giá trị, ngược lại, cây đẹp vẫn luôn “cháy” hàng.
“Hiện nay cây sanh, hoa giấy, duối là những loại cây cảnh chủ lực ở Thượng Phường, do vừa dễ nhân giống, dễ trồng, giá cả vừa phải nên cũng dễ bán. Không chỉ tiêu thụ mạnh ở địa bàn trong tỉnh, mà cây cảnh Thượng Phường còn được khách hàng từ Bắc chí Nam biết tới, nhờ những lần đem cây đi giới thiệu ở các triển lãm sinh vật cảnh” - anh Khiết nói thêm.
Ngoài nghề trồng cây cảnh, ở Thượng Phường còn có nghề cắt, tỉa thuê cũng rất phát triển. Ông Vũ Đức Thuận cho biết, trước nhu cầu lớn của thị trường, người trồng và chơi cây ngày càng nhiều nên ngoài việc làm cây ở hộ gia đình, một số hộ còn cầm kéo đi khắp nơi cắt tỉa thuê cây cảnh. Tùy vào tay nghề, mỗi người cũng đút túi từ vài trăm ngàn đến tiền triệu mỗi ngày.
Related news

Chưa khi nào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, sản xuất giống gia cầm trở nên “bi đát” như năm nay. Những năm trước, giá giống gia cầm lên xuống là chuyện bình thường, song đều có quy luật. Nhưng từ khi gà thải loại, gà, vịt giống lậu ồ ạt tràn vào nước ta, sản xuất giống và chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại càng lúng túng.

Sáng 28/5, tại TP Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị “Đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay và định hướng phát triển chăn nuôi 2013 - 2015”.

Trong khi nhiều vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP Hà Nội lo lắng về việc tiêu thụ sản phẩm, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn lại có đầu ra tương đối ổn định, thậm chí không có hàng để bán. Theo các hộ nông dân, bí quyết để rau trồng theo phương pháp hữu cơ (rau hữu cơ) có đầu ra ổn định là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo.

Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm vừa tổng kết đề tài "Chọn lọc và phục tráng giống cam chanh đặc sản huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương năm 2011 - 2012". Đề tài đã lựa chọn được 10 cây đầu dòng để khai thác mắt ghép sản xuất cây giống cam chanh sạch bệnh.