Cá rồng ngân long được nuôi làm phong thủy, mang về tài lộc cho gia chủ
Cá rồng ngân long được coi là biểu tượng của sự giàu có, uy quyền. Mức giá của loài này khá cao cho nên quy trình chăm sóc loài cá này đòi hỏi hết sức cẩn trọng.
Cá rồng ngân long là loài dễ nuôi hơn so với các loại cá rồng khác. Ảnh: VTC News
Cá rồng ngân long hay còn gọi là cá ngân long, cá rồng bạc, ngân đới,... Đây là loài cá cảnh phong thủy mang lại tài lộc cho người nuôi nên được hầu hết các chủ doanh nghiệp nuôi tại đại sảnh công ty hoặc tại nhà riêng. Ngoài ra, cá rồng ngân long còn rất được yêu thích bởi những người mới chơi cá rồng.
Cá này có kích thước tương đối lớn, cơ thể dài, đầu to và một cái đuôi nhọn, nhỏ, với vây lưng và vây hậu môn kéo dài về phía vây đuôi nhỏ, nơi chúng gần như hợp nhất. Khi cá còn non, vây lưng cá có màu phấn hồng, ánh xanh lam. Thân cá màu sáng bạc ánh hồng. Cá trưởng thành vẩy to như vỏ sò, dạng nửa tròn, đường bên cá có 31-35 vẩy. Toàn thân cá là màu trắng như kim loại xen lẫn ánh xanh lam và phấn hồng lấp lánh. Cá rồng ngân long có kỹ năng săn mồi rất tốt trong giới cá rồng nên chúng có thể phát triển mạnh mẽ ngoài tự nhiên.
Anh Tuấn Duy (Ba Đình, Hà Nội) chuyên sưu tầm các loại cá rồng cho biết, Cá rồng ngân long dễ nuôi, có sức sống khỏe nên người mới bắt đầu chơi cá rồng cũng nên bắt đầu từ cá ngân long để lấy kinh nghiệm. Cá rồng ngân long mang nét đẹp uy nghi của loài cá rồng, thậm chí hình dáng hùng dũng và hoạt động của chúng uyển chuyển. Tuy không có màu sắc sặc sỡ nhưng ngân long có lớp vải ánh bạc sáng lấp lánh rất đẹp.
Theo các kỹ sư nông nghiệp, hồ kính phải có kích thước lớn (tối thiểu khoảng 120 x 60 x 60 cm), ban đầu tuy trống trải (cá có kích thước nhỏ khoảng 20 - 30 cm) nhưng về sau khỏi phải thay hồ vì ngân long phát triển nhanh, dài 60 - 70 cm (nuôi ao hồ, cá có thể dài khoảng 1,2 - 1,5 m). Hồ rộng cá dễ vận động cũng như thể hiện khả năng “biểu diễn” của mình. Kính hồ dày và che đậy cẩn thận do cá hay phóng cao. Hồ nuôi cá ngân long không cần trang trí tiểu cảnh hay đá sỏi, phải có hệ thống lọc. Môi trường nước nuôi ngân long tương đối dễ, pH 7 - 8.
Cá ăn thiên về động vật từ cá nhỏ, côn trùng, sâu bọ đến ếch nhái, tôm tép ... Cá cũng ăn thức ăn đông lạnh và thức ăn viên. Thức ăn của cá rồng ngân long là các lọai cá con (cá chăm, chép con có bán tại các tiệm cá cảnh), côn trùng, động vật thân giáp (giáp sát như: tôm, tép).
Cần lọc nước thường xuyên, tránh nước dơ ảnh hưởng đến vảy cá. Khi cá đạt kích thước khoảng 30 - 40 cm bắt đầu chuyển sang màu trắng ánh bạc, giai đoạn này giữ nước tốt, mở đèn để vảy cá sáng óng (ít nhất 4 - 5 giờ/ngày). Hồ cá đặt nơi tối, nước dơ, thiếu ánh sáng màu vảy cá sẽ đục không đẹp. Phông nền hồ nuôi cá ngân long cần màu trắng sáng, hạn chế màu tối xanh đậm, đỏ, cam...
Loài cá này dễ mắc bệnh xoăn mang. Nguyên nhân bị bệnh là do không thay nước thường xuyên khiến cho lượng nitrat, amoniac trong nước tăng cao, lượng oxi giảm nên dẫn tới việc thở của cá gặp khó khăn. Một số loại vi khuẩn ký sinh trong mang khiến cho các cơ cấu mang bị viêm và đẩy vỏ mang phình lên.
Ngoài ra cá có thể còn mắc bệnh trướng bụng. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn uống. Vì vậy nên tránh cho cá ăn quá no. Nếu cho ăn tôm thì nên bóc cả đầu và râu trước khi cho vào bể vì đầu tôm có 1 cây kiếm có thể đâm thủng ruột cá. Nếu cho ăn dế, gián, châu chấu thì nên ngắt bỏ càng và chân tránh hiện tượng hóc. Nếu cho cá rồng ăn động vật thì phải còn sống, tránh cho ăn động vật chết. Vậy nếu thấy cá bỏ ăn, bụng hơi to thì nên thay 1/3 lượng nước hồ cá rồng, tăng cường bơm hơi, tăng lượng muối và duy trì nhiệt độ ở 30 độ C và có thể thêm một lượng metronidazol rồi theo dõi.
Related news
Đó là mô hình của anh Nguyễn Văn Nha (SN 1987 ở thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, Hưng Yên). Một chàng trai trẻ dám nghĩ, dám làm và dám dấn thân
Nhiều năm nay, trong cơ cấu xuất khẩu ngành thủy sản, con tôm vẫn chịu trách nhiệm dẫn dắt, khi chiếm tới gần 50% giá trị xuất khẩu của ngành
Cá đuôi kiếm là một loại cá cảnh được nhiều người ưa thích nuôi trong hồ thủy sinh, cá này là loài dễ nuôi và sinh sản nhanh.