Chàng trai 8X lập nghiệp từ nuôi cá lồng trên sông Hồng, thu tiền tỷ/năm
Đó là mô hình của anh Nguyễn Văn Nha (SN 1987 ở thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, Hưng Yên). Một chàng trai trẻ dám nghĩ, dám làm và dám dấn thân
Anh Nguyễn Văn Nha
Cơ duyên với nghề nuôi cá
Sinh ra trong một gia đình kinh tế cũng không được khá giả là bao. Chàng trai trẻ phải làm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống, nuôi bản thân. Trong quá trình kiếm tiền, anh Nha tích cực ôn thi và thi đậu Khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội).
Với mong ước, sau khi kết thúc 5 năm đại học, anh sẽ tìm được cho mình công việc phù hợp. Thế nhưng, cuộc đời anh lại rẽ sang hướng khác. Anh đi theo con đường lập nghiệp với một công việc vừa lạ lẫm, vừa lo lắng.
Đó là năm 2013, trong một lần sang Hải Dương chơi, anh Nha thấy mô hình nuôi cá lồng của anh Nguyễn Thế Phước (SN 1989, xã Nam Tân, huyện Nam Sách) cho thu nhập tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đầu anh Nha nảy ra suy nghĩ tại sao Phước làm được mà mình không làm được?
Sau nhiều đêm trăn trở, anh Nha đánh liều một phen, mạnh dạn xin phép bố mẹ đầu tư vốn, làm 3 lồng nuôi thử cá trên sông Hồng. Nào ngờ, chỉ sau vài tháng chăm sóc, cá lớn nhanh như thổi, ít dịch bệnh, cho thu nhập cao. Từ đó, anh quyết tâm đi theo con đường làm giàu bằng nuôi cá lồng.
“Khi mới bước vào mô hình nuôi cá lồng, tôi đã mời Phước về địa phương hướng dẫn cho cách làm lồng và chăm sóc. Sau vài tháng thì đàn cá phát triển mạnh, sức đề kháng tốt, thu nhập cũng khá nên tôi quyết định tiếp tục đầu tư, mở rộng số lượng lồng”, anh Nha cho biết.
Đến nay, anh Nha đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm 27 lồng cá với các kích thước 6 x 6 x 3m và 6 x 9 x 3,5m (mỗi lồng nuôi được khoảng 3 - 4 tấn cá thương phẩm). Toàn bộ khung lồng được làm bằng ống tuýp sắt mạ kẽ chống rỉ liên kết với các thùng phuy lớn rất chắc chắn.
Do nguồn nước sông Hồng chảy qua địa bàn xã Mai Động rất sạch, không bị ô nhiễm, rất thuận tiện cho việc nuôi cá lồng nên mô hình nuôi cá lồng của anh Nha chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh. Cá lớn nhanh và đạt chất lượng cao.
Theo anh Nha, đối với những người nuôi cá lồng trên sông lớn, rủi ro cao nhất là do thiên tai, khi vào mùa bão lũ, nước chảy dễ gây ô nhiễm nguồn nước. Hộ gia đình nào thiệt hại ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì lên đến hàng trăm triệu, cũng có khi mất cơ nghiệp.
Hiện tại, mỗi con cá chép giòn có trọng lượng khoảng 10kg
Lãi hơn 1 tỷ đồng/năm
Hiện tại, anh Nha chủ yếu nuôi cá chép giòn, cá lăng và cá diêu hồng. Cứ lứa này gối lứa khác, anh Nha có cá bán quanh năm. Mỗi năm, anh bán ra thị trường khoảng 80 tấn cá các loại.
Với giá bán 120 - 150 nghìn đồng/kg cá chép giòn, 80 - 100 nghìn đồng/kg cá lăng và 40 - 45 nghìn đồng/kg diêu hồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, anh Nha thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
“Gia đình tôi nuôi cá chép giòn khoảng 6 - 8 tháng, cá lăng từ 14 - 16 tháng, cá diêu hồng từ 3 - 5 tháng là cho thu hoạch. Cứ lứa này gối lứa khác nên gia đình luôn đảm bảo được nguồn cung cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh”, anh Nha bộc bạch.
“Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 năm 2016 khiến mực nước dâng cao, sóng lớn, gây thiệt hại cho gia đình tôi khoảng 600 triệu đồng. Sau trận bão đó, tôi làm thêm cái lồng vát hình tam giác, buộc ở đầu lồng để chắn rác, tránh thiệt hại do bão lũ”, anh Nha phân trần.
Theo anh Nha, đây là những loài cá có sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh và rất phù hợp với mô hình nuôi cá lồng. Thức ăn chủ yếu dành cho cá là hạt đậu tằm giúp thịt cá chắc, dai, giòn, thơm ngon hơn cá nuôi trong ao.
Song chỉ có cá trắm và chép ăn đậu tằm mới cho thịt giòn. Trước khi cho cá ăn, hạt đậu phải được ngâm trước khoảng 1 ngày với muối trắng. So với nuôi cá trong ao hồ, nuôi cá lồng nhanh lớn hơn, ít bệnh, năng suất cao hơn 20 - 30%.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi cá lồng, anh Nha cho hay, đối với giống cá chép giòn, người nuôi phải đặc biệt chú ý đến khâu thu hoạch. Đây là loại cá hay bị vỡ cơ nên khi thu hoạch phải nhẹ nhàng.
Với giống cá lăng và diêu hồng phải phòng bệnh tốt bằng cách buộc túi vôi bột xung quanh lồng, cho tắm muối để khử trùng, giảm thiểu bệnh nấm, dịch mắt đỏ.
Dẫn chúng tôi đi tham quan lồng cá, anh Nha bảo, thời gian tới, anh sẽ cùng một số hộ nuôi cá lồng thành lập HTX hướng tới nuôi cá sạch, gây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Thời điểm này, gia đình anh đang chăm sóc khoảng 3 tấn cá thương phẩm các loại để phục vụ thị trường tết. Sau khi bán hết lứa này, ra tết anh Nha bắt đầu thả lứa mới. Anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ổn định với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Lồng cá được làm rất chắc chắn
Ông Lê Quang Khắc, Bí thư Đoàn xã Mai Động cho biết, anh Nha là một trong những thanh niên trẻ rất năng động, có chí hướng làm giàu. Mô hình nuôi cá lồng của anh Nha đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Related news
Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà kính, lót bạt đáy ao, vận hành máy xử lý nước và sục khí oxy...
Nhiều nông dân xã Tân An (TX. Tân Châu - An Giang) đã thực hiện mô hình nuôi lươn trong bồn ủ bằng cây bắp (ngô) khô, thu lợi nhuận cao, cải thiện đời sống
Cá linh là loài cá có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay sản lượng đang giảm đi rõ rệt vì khai thác nhiều. Vì vậy, việc nuôi cá linh sẽ rất hiệu quả.