Cà Phê Tăng Giá, Dân Găm Hàng
Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhất là những ngày gần đây, giá cà phê liên tục tăng, nhưng nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên bán ra rất ít. Không những vậy, những hộ dân có tiền nhàn rỗi còn đến các đại lý, doanh nghiệp (DN) mua cà phê đem về nhà tạm trữ ngóng giá lên!
Phơi cà phê nhân
Tạm trữ chờ giá lên...
Khoảng hai tuần qua, giá cà phê liên tục tăng, đến ngày 20-2, cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên được thu mua ở mức 37.000 - 39.000 đồng/kg (tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với cách đây một tháng) và là mức giá cao nhất kể từ đầu vụ. Nhưng khác với mọi năm, hiện người dân Tây Nguyên vẫn chưa vội bán ra mà găm hàng chờ giá.
Nhà ông Nguyễn Văn Đệ (ở xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) dù đang có 9 tấn cà phê nhân xô trong kho nhưng vẫn chưa bán ra. “Với mức giá đó, người trồng cà phê đã có lãi, nhưng ai cần tiền đầu tư thì họ chỉ bán ra một ít mà thôi, còn lại chúng tôi phải chờ giá trên 40.000 đồng/kg mới bán ra”, ông Đệ cho biết.
Tại hai vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng là Di Linh và Lâm Hà, người dân vẫn chưa vội bán cà phê, dù giá đang ở mức khá cao. Theo ông Lê Viết Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), sau khi thu hoạch, các hộ dân chỉ bán một lượng ít để lấy tiền sắm tết, lo cho con cái học hành và chi phí tưới nước cho vụ mới, còn lại phần lớn vẫn giữ lại chờ giá vì người dân đã nắm bắt được khá nhiều thông tin về thị trường.
Còn theo ông Trần Văn Tự, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), hầu hết người trồng cà phê hiện có điều kiện khá giả chứ không khó khăn như trước, vì vậy, họ không phải bán tháo cà phê từ đầu vụ, mà trữ lại đến 80% sản lượng. Mấy ngày qua giá tăng mạnh, người dân bắt đầu bán nhưng chưa ồ ạt, vì dự báo giá chưa đạt đỉnh.
Không chỉ giữ lại cà phê của gia đình sản xuất, một số hộ có tiền nhàn rỗi còn mua thêm cà phê để trữ. Từ đầu năm đến nay, nhiều người dân trong vùng đã đến Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Thái Hà (ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) mua cà phê tạm trữ.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, Giám đốc Công ty Thái Hà, cho hay: “Sau khi hàng loạt doanh nghiệp cà phê vỡ nợ vào những năm trước, bây giờ người dân họ không còn gửi cà phê và chốt giá bán sau nữa. Những người dân thiếu vốn tái đầu tư họ mới đem cà phê đi bán vào thời điểm này, còn những hộ dân giàu có lại đi mua cà phê về tạm trữ. Từ đầu vụ đến nay, công ty chúng tôi đã bán khoảng 200 tấn cà phê cho người dân dự trữ”.
Tương tự, Công ty TNHH Hải Ngân (ở thị trấn Quảng Phú) cũng cho biết đã bán cho người dân trong vùng khoảng 200 tấn cà phê.
Có lợi cho thị trường cà phê?
Hai năm trước đây, Chính phủ đã có chính sách thu mua tạm trữ cà phê để giữ giá cà phê trong giai đoạn cà phê rớt giá. Một số chuyên gia và DN cho rằng, chính sách này chỉ giải quyết được một thời điểm nhất định và chỉ đem lại lợi ích cho một số DN được thu mua tạm trữ mà thôi. Còn việc người dân đi mua cà phê của đại lý, DN về tạm trữ không có gì bất thường, mà làm cho thị trường cà phê sôi động thêm.
Theo ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, việc người dân tạm trữ cà phê sẽ có lợi cho cả họ và các DN xuất khẩu cà phê. Khi người dân tạm trữ cà phê, số lượng bán ra thị trường sẽ rất ít và giá cà phê sẽ ổn định hơn. Trong lúc đó, các DN không còn phải lo lắng tìm vốn mua bằng được nguồn hàng cà phê khi người dân bán ra ồ ạt. Trước đây, các DN xuất khẩu cà phê thường bán trước giao sau và gặp khó khăn khi cà phê tăng giá đột ngột. Bây giờ khi có đơn hàng, DN mới thu mua xuất khẩu theo giá thị trường nên không đáng ngại lắm khi giá cà phê lên xuống đột ngột.
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Đầu tư - Phát triển An Thái, phân tích: Mấy năm trước, có nhiều người dân đem tiền đến các đại lý, DN thu mua cà phê nhờ họ mua dùm, sau đó chốt giá bán ra khi giá cà phê lên cao và nhận tờ giấy xác nhận đem về. Nhưng có những DN, đại lý lại dùng số tiền đó đầu tư vào việc khác, đến khi có quá nhiều người dân đến chốt giá bán ra lúc giá cà phê lên cao thì họ không đủ tiền để trả và dẫn đến vỡ nợ. Vì thế, bây giờ không còn tin tưởng vào các đại lý, DN kia nữa và đem tiền đến mua cà phê về tạm trữ chắc ăn hơn.
Giá cà phê nhân xô hiện đã ở mức có lãi cho người dân, nhưng nó sẽ tiếp tục tăng hay giảm thì rất khó đoán. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, phân tích: Giá cà phê Việt Nam tăng trong mấy ngày qua chủ yếu do thông tin về tình hình hạn hán ảnh hưởng đến vụ cà phê của Brazil, một phần là do sản lượng cà phê trong nước giảm chứ không phải như dự báo ban đầu của các nhà đầu cơ. Với tình hình này, dự báo xu hướng ngắn hạn giá cà phê có thể tăng.
Tuy nhiên, ông Lương Văn Tự cũng cảnh báo rằng, người dân cần theo sát thông tin về thời tiết và mùa vụ cà phê tại Brazil để quyết định thời điểm bán cà phê hợp lý.
Ông Trương Quang Trình, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, phân tích: Thời gian qua, có thông tin cho rằng năm nay cà phê ở Brazil và Colombia mất mùa, vì thế nguồn cung sẽ giảm và giá cà phê thế giới sẽ tăng. Nhưng đó chỉ là dự đoán, chứ giá cà phê lên xuống rất khó lường. Vì thế, nếu người dân thấy có lãi lớn thì nên bán chứ không nên găm hàng lâu.
DN gặp khó do chưa được hoàn thuế
Trong thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu cà phê ở Đắk Lắk gặp khó về nguồn vốn khi không được Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk hoàn thuế giá trị gia tăng. Trước việc nhiều DN “ma” kinh doanh theo hình thức “mua bán khống” để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đã tạm ngưng hoàn thuế nhiều DN xuất khẩu cà phê để tránh thất thu thuế. Hiện có 6 DN xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bị Cục Thuế tỉnh nợ tiền hoàn thuế lên tới hơn 150 tỷ đồng.
Ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, cho biết: “Công ty chúng tôi hiện đang bị Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk nợ khoảng 22 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, vì thế chúng tôi không chủ động được vốn và sản lượng thu mua cà phê giảm khoảng 8.000 tấn so với cùng kỳ. Nếu Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk không sớm hoàn thuế cho các DN, việc xuất khẩu cà phê của nhiều DN trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến việc thu mua cà phê của người dân”.
Related news
Anh Nguyễn Văn Luyện (thôn 20, xã Kim Phú, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn.
Ông Trần Xuân Lý là một trong nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những mô hình như đưa cây ăn quả lên sườn dốc thật sự là cách làm đột phá.
Nói đến cựu chiến binh Đặng Ngọc Sỹ ở thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh nhiều người biết đến là một người đã có thâm niên trong nghề trồng hoa, cây cảnh, cây công trì
Vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 cũng như giá phân bón liên tục gia tăng, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa trên đất tôm năm 2021