Cá ngừ đại hạ giá
SÁNG sớm, nhiều phương tiện lưới vây ở xã Bình Minh (Thăng Bình) cập bờ chở đầy ắp cá ngừ trong khoang. Ngư dân chuyển cá xuống thúng chai, hối hả bơi vào bãi để kịp phiên chợ sáng. Chợ cá trên bãi biển Bình Minh cũng la liệt những thúng, rổ chứa tràn trề cá ngừ tươi rói.
Bình Minh hiện có khoảng 170 phương tiện lưới vây, sau một đêm đánh bắt ở ngư trường lộng, nhiều phương tiện thu được hàng tấn cá ngừ. Ông Nguyễn Quang Thành (ngư dân làm nghề lưới vây ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh) cho biết: “Hơn nửa tháng nay cá ngừ vào ngư trường lộng, loại hải sản này đứng đèn, chạy nổi nên phương tiện lưới vây đánh bắt dễ dàng.
Cá ngừ đi theo từng đàn với số lượng lớn, nếu gặp đàn cá đứng đèn, một vác lưới có thể thu được hàng tấn cá…”.
Cá ngừ bán ở chợ biển Tam Tiến, giá dao động 7 - 10 nghìn đồng/kg.
Tại các làng chài ven biển Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành), những ngày qua ngư dân cũng liên tiếp có những chuyến biển bội thu cá ngừ. Ở các địa phương này, ngư dân chủ yếu khai thác hải sản bằng các nghề gần bờ, trong đó phương tiện lưới vây lộng (hay còn gọi là mành mùng) chiếm số lượng lớn.
Từ đầu mùa biển đến nay, nghề mành mùng ở Tam Tiến khai thác không hiệu quả bằng mọi năm, gần đây nhiều phương tiện mới có những chuyến bội thu cá ngừ, cá cơm… “Năm nay mới thấy loại cá ngừ nhỏ vào tuyến lộng nhiều như ri, mọi năm cũng có nhưng ít hơn. Gần một tháng nay hầu như ghe mành mùng nào cũng được cá ngừ, chủ yếu là ngừ chù loại nhỏ.
Được nhiều nhưng cá đại hạ giá nên thu nhập của ngư dân không cao” - ông Huỳnh Sơn (ngư dân ở thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến) nói.
Hiện ở chợ biển Bình Minh và Tam Tiến, giá mỗi ký cá ngừ (loại khoảng 6 con/kg) dao động 7 - 10 nghìn đồng. Ông Sơn cho biết phương tiện của ông vừa khai thác được hơn 1 tấn cá nhưng bán chỉ được 7 triệu đồng bởi vào bờ trễ, bán không được giá; trừ chi phí, mỗi bạn biển chỉ thu nhập khoảng 300 nghìn đồng.
Theo nhiều tư thương, hiện loại cá ngừ nhỏ này chưa có đầu ra với sản lượng lớn, chủ yếu được các rổi cá mua đi tiêu thụ lẻ ở các chợ trên địa bàn tỉnh nên giá rất thấp. Trong khi đó hải sản cùng loại từ các địa phương khác như Đà Nẵng chuyển vào, Bình Thuận, Khánh Hòa… chuyển ra tiêu thụ ở địa bàn tỉnh khá nhiều nên ứ đọng.
Ông Trương Công Thuấn - Trưởng thôn Hà Bình (xã Bình Minh) cho biết, cá ngừ loại này không thể chế biến, dự trữ với sản lượng lớn. Hiện địa phương có gần 10 cơ sở hấp cá, làm mắm nhưng nguyên liệu chủ yếu là cá cơm nên số lượng cá ngừ hàng ngày khai thác không thể tiêu thụ tại chỗ hết được. “Loại cá này cũng ít người khơi phô, mà nếu có phơi thì cũng xẻ ra rất mất công, rồi phải phụ thuộc vào thời tiết, trong khi đó cá ngừ khô ít được ưa chuộng, khó tiêu thụ.
Ở vùng bãi ngang hiện nhiều ghe giã cào khai thác được loại cá kình nhỏ, giá cũng chỉ vài nghìn đồng mỗi ký, chủ yếu tiêu thụ ở các nhà máy chế biến thức ăn gia súc…” - ông Thuấn nói.
Related news
Ông Võ Văn Hưng, 61 tuổi (tổ 28, Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có thâm niên 23 năm nuôi cá lóc. Năm nay mô hình nuôi cá lóc trong lưới của ông cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Về thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang), hỏi thăm đến nhà ông “vua gấc” Trần Sĩ Quảng, bà con trong thôn từ già đến trẻ nhỏ ai nấy đều cho biết, ông Quảng là một nông dân cần cù, chịu khó, làm giàu và nổi danh từ nghề trồng cây gấc.
Chính sách đầu tư hạ tầng ngày càng hoàn thiện để người dân Trần Đề (Sóc Trăng) tiếp tục khai thác lợi thế của vùng đất ngập mặn ven biển thành công hơn.
Trước tình trạng chất lượng giống tôm thẻ chân trắng trên thị trường không đảm bảo do mang mầm bệnh, và để đảm bảo được nguồn giống tốt, Tổng cục thủy sản khuyến nghị doanh nghiệp nên nhập giống từ Singapore và Indonesia.
Sáng ngày 26/12 Câu Lạc bộ (CLB) Chủ trang trại Thanh Hoá đã tổ chức kỳ sinh hoạt cuối năm, đánh giá tình hình hoạt động của CLB trong năm. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong phát triển kinh tế để tiếp tục mở hướng làm giàu.