Cá Ngừ Đại Dương Tìm Đường Vào Nhật?
Năm 2014, xuất khẩu cá ngừ đại dương tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản..., với mục tiêu đạt khoảng 560 triệu USD. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch này, ngư dân cần tuân thủ quy trình đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương một cách nghiêm ngặt theo công nghệ mới của Nhật Bản.
Chất lượng cá quyết định giá xuất khẩu
Các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hiện có khoảng 3.500 tàu tham gia khai thác cá ngừ đại dương, trung bình mỗi năm đánh bắt hơn 16.000 tấn. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm cá ngừ đại dương tại 3 địa phương này đạt khoảng 527 triệu USD.
Sau khi tiếp nhận kỹ thuật đánh bắt và bảo vệ chất lượng cá ngừ đại dương theo công nghệ của mới của Nhật Bản, tháng 8/2014, một số ngư dân tỉnh Bình Định đã đánh bắt được 37 con cá ngừ đại dương, nhưng chỉ có 9 con được thị trường Nhật Bản chấp nhận với giá bình quân là 437.000đồng/kg, số còn lại do không đủ tiêu chuẩn nên giá chỉ đạt 50.000 đồng/kg.
Điều này cho thấy, không phải cứ đánh bắt được cá ngừ đại dương là có thể xuất khẩu, mà quan trọng nhất là kỹ thuật đánh bắt và bảo quản chất lượng cá để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá cao. Điều này đòi hỏi ngư dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương một cách nghiêm ngặt theo công nghệ mới của Nhật Bản.
Vậy kỹ thuật đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương như thế nào để được thị trường Nhật Bản chấp nhận? Theo kỹ thuật, nguyên tắc bảo quản sản phẩm này là phải giữ cá ở nhiệt độ thấp. Khi khai thác được cá, ngư dân phải nhanh chóng loại bỏ toàn bộ phần nội tạng và mắt ra khỏi thân cá, đồng thời lấy hết máu trong thân cá ra ngoài trong vòng 2-5 phút. Sau đó, cá đưa vào cấp đông tối đa 10 ngày phải được xuất khẩu đến tay người tiêu dùng. Như vậy, thịt của cá ngừ đại dương có màu đỏ tươi.
Trong khi đó, khi đánh bắt được cá ngừ đại dương, ngư dân Việt Nam thường có thói quen dùng cây gỗ đánh cho cá chết, hoặc để cá nằm trên nền đất sau khi đánh bắt... Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng cá không đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mặt khác, do đặc thù của ngư dân Việt Nam là đánh bắt xa bờ, 20 - 25 ngày mới đưa cá vào bờ, nên thịt cá ngừ có màu đỏ sẫm, thâm hoặc bầm, dẫn đến giá trị xuất khẩu chưa cao.
Đây là một trong những lý do khiến trong số 37 con cá ngừ ngư dân Bình Định đánh bắt được, chỉ có 9 con được lựa chọn xuất khẩu. Trong khi đó, tại Nhật Bản, cá ngừ đại dương là một món khoái khẩu, chế biến các món như sushi, sashimi… Do đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ có chất lượng cao của thị trường này rất lớn.
Xây dựng “Trung tâm giao dịch cá ngừ đại dương”
Nhằm làm gia tăng giá trị của sản phẩm cá ngừ đại dương tham gia xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản, Bộ NN&PTNT vừa quyết định đầu tư 1.200 tỷ đồng thí điểm xây dựng Đề án khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương tại 3 tỉnh Nam Trung bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Thời gian thực hiện Đề án này từ năm 2014 đến năm 2020 với mục đích nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp.
Tại Hội nghị về sản xuất cá ngừ đại dương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại TP.Nha Trang, các địa phương đã mạnh dạn đề xuất Bộ đầu tư xây dựng 3 cảng cá ngừ chuyên dụng tại Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; đồng thời xây dựng một Trung tâm giao dịch cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa với tổng kinh phí khoảng 550 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện kể từ năm 2014 đến năm 2018. Những kiến nghị này đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chấp nhận. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định sẽ trình Chính phủ quyết định trong thời gian sớm nhất.
Khẳng định đó của Bộ trưởng mang đến hy vọng trong thời gian tới, thương hiệu cá ngừ đại dương của Việt Nam sớm chiếm lĩnh thị trường không chỉ tại Nhật Bản, mà còn tiến xa đến thị trường Mỹ và EU.
Related news
Sau 5 năm huyện Sơn Hà kiên trì triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Huyện Sơn Hà đang nỗ lực thực hiện những giải pháp mới nhằm đưa nghị quyết này vào cuộc sống.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đưa ra gói hỗ trợ vốn cho con tôm, thông qua việc gia tăng mức tín dụng để các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm trên diện tích 1.811 ha, đạt 73% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh và giảm 5,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nền nhiệt độ cao, nên đã xảy ra dịch bệnh tôm nuôi.
Đó là nội dung được nêu trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2014. Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp ới các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định trình ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trong những năm gần đây, nhiều nông dân vùng biên xã Vĩnh Xương (An Giang) có đời sống khá giả hơn nhờ mô hình nuôi dê thịt. Với đặc tính dễ nuôi, khả năng thích nghi tốt, ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có xung quanh nhà như rau muống, cỏ dại...