Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Ngừ Đại Dương Giảm Giá Mạnh, Ngư Dân Gặp Khó Ở Khánh Hòa

Cá Ngừ Đại Dương Giảm Giá Mạnh, Ngư Dân Gặp Khó Ở Khánh Hòa
Publish date: Saturday. March 30th, 2013

Hiện nay, giá cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa chỉ còn 55 nghìn đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Cơn “bão giá” này khiến ngư dân hết sức khó khăn... 
Sản lượng tăng, giá giảm mạnh

Tại cảng cá Hòn Rớ, TP. Nha Trang, hàng chục tàu đánh cá xa bờ của nhiều tỉnh, thành đang nằm chờ người mua cá. Nhiều chủ tàu phải tranh nhau bán cá cho các đầu nậu vì giá cá giảm liên tục. Ông Đỗ Trung Hiệp - Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết: Giá cá ngừ đại dương giảm mạnh, khiến ngư dân rất bức xúc. Nhiều người còn đòi đánh chủ nậu vì cho rằng bị ép giá. Ban quản lý cảng phải ra làm việc, khuyên giải, ngư dân mới không hành động quá đáng. 
Theo ông Hiệp, ở nhiều tỉnh lân cận, giá cá ngừ cũng giảm mạnh nên các tàu Bình Định, Phú Yên cũng đổ về Khánh Hòa bán cá. Trong khi đó, ở cảng Hòn Rớ chỉ có 6 đầu nậu thu mua cá ngừ đại dương; nhưng việc kinh doanh khó khăn đã khiến các đầu nậu tạm ngừng mua cá. Chỉ có những tàu quen họ mới thu mua với giá 50 nghìn đồng/kg (trả tiền sau 2 tuần) và 55 nghìn đồng/kg (trả tiền sau 1 tháng). 
Một số đầu nậu cho rằng, chất lượng cá ngừ đại dương câu bằng phương pháp ánh sáng kết hợp câu tay không đảm bảo nên họ không thể mua với giá cao. Trong khi đó, sản lượng cá tăng mạnh khiến các công ty không đủ vốn để thu mua hết cá cho ngư dân. 
Ông Mai Thành Phúc, đội trưởng một tổ đội gồm 4 tàu cá xa bờ ở Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, tổ đội của ông đánh bắt với sản lượng rất lớn, mỗi chuyến trung bình thu về hơn 3 tấn cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, giá cá lại giảm rất mạnh (năm 2012, giá khoảng 150 đến 170 nghìn đồng/kg), đầu tháng 3 năm nay chỉ còn 65 nghìn đồng/kg; còn thời điểm này, giá cá chỉ còn 50 - 55 nghìn đồng/kg. Một tàu cá xa bờ tổn phí một chuyến đi biển từ 120 đến 150 triệu đồng; với giá cá như hiện tại, ngư dân chỉ đủ tổn phí hoặc bị lỗ. 
Đề nghị không dùng phương pháp mới

Về nguyên nhân giá cá giảm, ông Mai Thành Phúc - ngư dân có kinh nghiệm gần 40 năm trên biển thừa nhận: Đánh bắt cá ngừ theo phương pháp mới là dùng ánh sáng kết hợp câu tay. Tuy phương pháp này đem lại sản lượng cao nhưng chất lượng cá sụt giảm. Thịt cá bị chua hơn là cá câu bằng phương pháp truyền thống (câu vàng). Hiện nay, ở Phú Yên ngư dân đánh bắt bằng câu vàng truyền thống nên giá cá vẫn đảm bảo ở mức 110 - 120 nghìn đồng/kg. “Hiện nay, ở Khánh Hòa, toàn bộ ngư dân đều chuyển qua câu bằng phương pháp mới. Bản thân là ngư dân, tôi nhận thấy phương pháp này mang tính tận diệt, không đảm bảo chất lượng. Đề nghị Nhà nước có biện pháp quyết liệt, để đảm bảo quyền lợi của ngư dân” - ông Phúc nói. 
Ông Vũ Đình Đáp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tuy chưa có nghiên cứu chính thức về việc đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp mới ảnh hưởng đến chất lượng cá, nhưng có thể việc thắp đèn, rồi câu tay trực tiếp khiến cá ngừ bị sốc và tiết ra nhiều kháng chất. Do đó, chất lượng thịt cá không được tốt. Ngư dân không nên dùng phương pháp mới khi chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể từ cơ quan chức năng. 
Cá ngừ đại dương...

Cùng ý kiến với ông Đáp, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho rằng, phương pháp mới làm cá bị sốc, stress khi giằng co quyết liệt với người câu; còn phương pháp câu vàng truyền thống câu cá ở độ sâu khoảng 100m, cá ăn mồi sau 4 - 6 tiếng mới được ngư dân vớt lên, do đó tránh được hiện tượng sốc. Trước tình hình giá cá giảm, chất lượng không đảm bảo như hiện nay, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ có văn bản báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có sự đầu tư nghiên cứu về phương pháp mới cũng như có giải pháp để giúp ngư dân. 
Theo Chi cục Khai thác vào bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, toàn tỉnh có hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ chuyên khai thác cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, với phương pháp đánh bắt mới, cả tỉnh có hơn 220 tàu lưới rê cũng đủ điều kiện, chi phí để tham gia đánh bắt loại cá này. Kết thúc vụ cá ngừ đại dương năm 2012, sản lượng đạt lớn nhất từ trước đến nay với hơn 4.000 tấn. Sản lượng cá ngừ tăng mạnh, đồng nghĩa kèm theo nhiều rủi ro tiềm ẩn. Trong khi đó, phương pháp này lại không nằm trong danh mục cấm khai thác.


Related news

Kết Quả Bước Đầu Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính Thương Phẩm Ở Na Hang Kết Quả Bước Đầu Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính Thương Phẩm Ở Na Hang

Thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP), năm 2011 Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm” tại xã Năng Khả, huyện Na Hang với diện tích 0,5 ha, số lượng cá giống thả nuôi là 10.000 con, có 10 hộ gia đình tham gia. Sau 5 tháng thực hiện mô hình đã cho hiệu quả kinh tế khả quan, mở ra hướng làm kinh tế mới cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Na Hang.

Wednesday. May 16th, 2012
Ứng Dụng Khí Biogas An Toàn Tại Miền Núi An Giang Ứng Dụng Khí Biogas An Toàn Tại Miền Núi An Giang

Nằm trong “Chương trình khí sinh học dành cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Chính phủ Hà Lan tài trợ, Chương trình ứng dụng khí biogas an toàn sinh học được tổ chức thí điểm cho 22 hộ chăn nuôi gia súc ở xã An Nông, huyện miền núi Tịnh Biên, An Giang đã thành công.

Friday. March 2nd, 2012
Giá Rau Màu Tăng Mạnh Giá Rau Màu Tăng Mạnh

Năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long lũ lớn, giá các loại rau màu tăng mạnh, người trồng màu lãi khá nên rất phấn khởi. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành – vùng trồng màu nổi tiếng tỉnh Tiền Giang, trong mấy ngày qua hầu hết các loại rau đều hút hàng, giá tăng gấp nhiều lần so với trước lũ

Wednesday. November 9th, 2011
“Vỗ Béo” Cua Đồng “Vỗ Béo” Cua Đồng

Tuy là năm đầu tiên triển khai thí điểm nhưng mô hình “vỗ béo” cua đồng ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã đem lại hiệu quả đáng kể. Nhiều hộ chỉ với 1.000m2 ao nuôi nhưng qua khoảng 5 tháng đã thu được lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng

Sunday. September 18th, 2011
Cá Lồng Trường Sa Cá Lồng Trường Sa

Họ là cán bộ, chiến sĩ Hải quân Công ty Hải sản Trường Sa Đoàn 129. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, nuôi cá lồng ở Trường Sa góp phần quan trọng trong cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần bộ đội, khẳng định ý chí làm chủ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc gắn với xây dựng kinh tế quốc phòng vững chắc.

Thursday. May 17th, 2012