Home / Tin tức / Tin thủy sản

Cá lăng lòng hồ thủy điện thơm, ngọt nhờ tắm nước sạch

Cá lăng lòng hồ thủy điện thơm, ngọt nhờ tắm nước sạch
Author: Hải Anh
Publish date: Thursday. February 23rd, 2017

Với nguồn nước sạch cùng cách thức nuôi thả đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm, cá lăng vùng lòng hồ thủy điện cho vị ngọt béo, thơm đậm đà với thớ thịt săn chắc.

Trong ảnh: Cá lăng được coi là một trong những loài cá đặc sản của vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Bizmedia.

Hồ Hòa Bình được tạo ra từ dòng chảy của sông Đà, hình thành sau khi có công trình thủy điện Hòa Bình. Với chiều dài trên 70km, diện tích nước mặt khoảng 200 km2 cùng dung tích hơn 9 tỷ m3 nước, hồ trải rộng trên địa bàn 20 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình. Đây là một trong những khu vực tiềm năng trong việc phát triển các nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Lòng hồ có mực nước sâu, nhiệt độ ổn định, nguồn nước mặt sạch, tạo điều kiện cho nhiều loại cá phát triển. Trong đó, cá lăng là một loài cá đặc sản được nuôi thả thành công tại đây.

Cá lăng nuôi ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình luôn sạch bởi khu vực thả lồng nằm trong vùng quy hoạch của Chi cục thủy sản tỉnh, được kiểm định chặt chẽ về chất lượng nước. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống lồng cá đều làm bằng sắt có mạ kẽm chống gỉ và lót lưới trên lồng để tiện cho việc vệ sinh cũng như chăm sóc. Lớp lưới này được vệ sinh ít nhất một tháng một lần để loại bỏ hết rong rêu, mảng bám.

Ngoài ra, lượng thức ăn sử dụng đều được cân đo tương ứng theo độ tuổi và số lượng cá thả, giảm thiểu tình trạng dư thừa thức ăn gây ô nhiễm nguồn nước. Cá ở đây còn "tắm" thường xuyên bằng nước có nồng độ vôi nhất định để tiêu diệt các loại ký sinh trùng và nấm mà không cần sử dụng đến hóa chất.

Về nguồn thức ăn, người dân nuôi cá lăng bằng cá tép dầu - một loại cá tự nhiên phổ biến ở lòng hồ thủy điện. Trong quá trình sinh trưởng, cá còn được bổ sung vitamin C và tỏi để tăng sức đề kháng.

Nhờ sinh trưởng trong môi trường nước sạch, thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, thịt cá lăng thương phẩm cho vị ngọt béo, thơm đậm đà; thớ thịt chắc không bở hay nát như thịt cá nuôi công nghiệp. Ngoài ra, khi nấu chín, thịt cá có mùi thơm đặc trưng do nguồn nước nuôi sạch sẽ.

Với những cách làm trên, cá lăng của các cơ sở nuôi tại lòng hồ thủy điện sông Đà được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm định, chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nếu có dịp đến với Hòa Bình, du khách nên ghé qua hồ thủy điện Hòa Bình để thưởng thức món cá lăng đặc sản được nuôi tại đây. Trong nhiều năm qua, hương vị thơm ngon của những món ăn chế biến từ cá lăng như lẩu cá lăng, cá lăng kho tộ, cá lăng nấu chua…, đã trở thành dư vị khó quên đối với nhiều người.


Related news

Tôm càng xanh “cứu” lúa ở Vĩnh Thuận Tôm càng xanh “cứu” lúa ở Vĩnh Thuận

Huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) là 1 trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng có thế mạnh về trồng lúa và nuôi thủy sản.

Tuesday. February 21st, 2017
Nuôi hàu nơi chót mũi Cà Mau Nuôi hàu nơi chót mũi Cà Mau

Hàu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu cho bà con nghèo ở vùng chót mũi Cà Mau mà còn níu chân du khách phương xa đến đây

Tuesday. February 21st, 2017
Xuất khẩu gặp khó, cá tra Việt Nam muốn đột phá ở thị trường nội địa Xuất khẩu gặp khó, cá tra Việt Nam muốn đột phá ở thị trường nội địa

Việc đưa sản phẩm cá tra đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước đang là một yêu cầu cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Wednesday. February 22nd, 2017