Xuất khẩu gặp khó, cá tra Việt Nam muốn đột phá ở thị trường nội địa
Việc đưa sản phẩm cá tra đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước đang là một yêu cầu cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Trong ảnh: Cá tra Việt Nam được nhiều thị trường nước ngoài ưa chuộng
Năm nay, ngành thủy sản sẽ phải tạo nên đột phá đối với cá tra ở ngay thị trường trong nước. Đây là thị trường hơn 90 triệu dân, dư địa còn rất lớn nhưng lâu nay dường như bị “xem nhẹ”.
Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 140 thị trường trên thế giới, tổng giá trị xuất khẩu năm qua đạt hơn 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, con cá tra vẫn chịu nhiều lận đận, khi gần như là một ngành độc quyền cung cấp trên thế giới nhưng không quyết định được giá bán. Trong khi thị trường nội địa gần như bị bỏ không.
Năm nay, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ và châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Một số thị trường có dấu hiệu chững lại do mặt hàng này đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi cá thịt trắng, cá rô phi... từ các nước khác.
Đối với thị trường Mỹ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá tốt; tuy nhiên thị trường này đang gặp khó khăn với thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Nhiều doanh nghiệp phải chịu mức thuế 0,36 USD/kg đến 0,6 USD/kg. Với mức thuế lên đến 0,6 USD/kg, phần lớn các doanh nghiệp cá tra Việt Nam không thể bán cá tra vào Mỹ.
Riêng định hướng xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 20% của toàn ngành. Tuy nhiên, Việt Nam cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao thay vì tập trung vào sản lượng.
Theo ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, tỉnh Đồng Tháp, trước những tác động của biến đổi khí hậu, thị trường, giá cả, rào cản thương mại... trong thời gian tới, doanh nghiệp của ông cũng phải thay đổi cách thức sản xuất và phương thức kinh doanh; xây dựng được các sản phẩm tốt nhất, sạch nhất, giá cả hợp lý nhất; tập trung phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam.
Công đoạn bán cá tra nguyên liệu cho nhà máy chế biến
Tại hội nghị "Tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra 2016 và giải pháp để phát triển bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức mới đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần phải bắt tay nhau cùng hợp tác, chia sẻ với người nuôi trong chuỗi giá trị; hợp tác cùng với nhà nước xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam, tạo ra ưu thế về sản xuất cá tra, để các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị thường và không bị chi phối bởi giá cả.
Các doanh nghiệp cũng cần tập trung khai thác thị trường trong nước thông qua phương thức đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến...
Hiện nay, hàng thủy sản sản xuất trong nước với chất lượng cao đang có xu hướng quay về với người tiêu dùng nội địa. Mỗi năm có khoảng 400.000 tấn sản phẩm, trị giá 15.000 tỷ đồng với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú được tiêu thụ thông qua các hệ thống phân phối trong nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống nên sản phẩm thủy sản đông lạnh tại thị trường nội địa còn chiếm tỷ trọng quá nhỏ. Cùng với đó, chi phí sản xuất, vận chuyển, bảo quản, quảng bá cao làm giá thành khó cạnh tranh, giá bán thấp hơn giá xuất khẩu./.
Related news
Mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP thuộc dự án Vì sự phát triển nguồn lợi ven biển (CRSD) đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều hộ nông dân nuôi tôm
Huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) là 1 trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng có thế mạnh về trồng lúa và nuôi thủy sản.
Hàu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu cho bà con nghèo ở vùng chót mũi Cà Mau mà còn níu chân du khách phương xa đến đây