Cả đời gắn bó cây điều
Điều là loại cây đang gắn bó với hàng vạn hộ nông dân vùng sâu vùng xa và tạo nên kỳ tích với kim ngạch XK trên 2 tỷ USD!
50 năm trước (năm 1965), lúc còn là chàng trai trẻ làm việc tại Viện Khoa học VN, ông Nguyên lần đầu tiên biết đến “đào lộn hột” (hạt điều nằm bên ngoài trái) khi được cử vào Quảng Bình, Quảng Trị để khảo sát.
Nhưng phải đến năm 1983, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có chủ trương tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển cây điều, ông Nguyên mới có điều kiện gắn đam mê đời mình với loại cây kỳ lạ này.
Cụ thể, Viện Khoa học Việt Nam giao ông Nguyên thành lập đoàn khảo sát về cây điều từ Quảng Nam – Đà Nẵng vào đến Tây Nguyên, Đông Nam bộ và lập báo cáo, đánh giá về thực trạng, tiềm năng phát triển.
Đến năm 1987, ông Nguyên tiếp tục được cử sang Ấn Độ để khảo sát về cây điều.
Thời điểm này, Ấn Độ có kỹ thuật làm điều khá phát triển, nhiều viện nghiên cứu và trường đại học đầu tư phòng nghiên cứu sâu về cây điều.
Sau hai đợt khảo sát thực tế, ông Nguyên đã cho ra đời cuốn sách đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu toàn diện về cây điều, trong đó thông tin đầy đủ, từ khâu sản xuất, thu mua, đến chế biến, xuất khẩu.
Lúc đó, cuốn sách được xem như cuốn “gối đầu giường” của các đơn vị, cá nhân liên quan đến ngành điều.
Năm 1990, ông Nguyễn Văn Thạch, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu chế biến thực phẩm Vinalimex đã đánh giá: “Với cuốn sách này, tác giả không những cho chúng ta nắm được những kiến thức cơ bản, mà còn cung cấp những tư liệu mới nhất liên quan đến từng lĩnh vực nói trên.
Trong từng phần của cuốn sách, tác giả đề cập đến điều kiện sinh thái, đặc điểm sinh học của cây đào lộn hột, từ đó giới thiệu kỹ thuật chọn giống, gieo trồng, chăm sóc.
Đặc biệt, tác giả chú trọng giới thiệu các phương pháp chế biến và xuất khẩu hạt đào lộn hột và các sản phẩm khác của cây, đang được áp dụng ở một số nước và Việt Nam – một trong những vấn đề chúng ta đang đặc biệt quan tâm”.
Cũng trong năm 1990, Hiệp hội Điều VN (Vinacas) được thành lập và cuốn sách nghiên cứu về cây điều của ông được phát hành rộng rãi cho các đại biểu nhân sự kiện quan trọng này.
Khi chúng tôi tới nhà kỹ sư Phạm Văn Nguyên, đúng lúc văn phòng Vinacas gọi điện mời ông sáng sớm hôm sau cùng Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh đi miền Trung để khảo sát thực tế về chương trình ghép cải tạo vườn điều.
Không chần chừ, ông đồng ý ngay.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, ông khẳng khái nói: “Anh em bên Vinacas gọi, còn sức khỏe là tôi lên đường ngay!”.
Với uy tín của mình, ông Nguyên cũng được mời giảng dạy lớp “Nhân giống vô tính điều” đầu tiên của dự án phát triển cây điều tại Việt Nam, do FAO tài trợ.
Ông cũng là người có công xây dựng đề án phát triển cây điều tại Phước Long (Bình Phước), tập trung chọn giống, nhân giống và thâm canh tại “thủ phủ” điều sau này của cả nước.
Ông Nguyên cũng đứng đầu nhóm nghiên cứu sáng chế ra máy đo độ ẩm hạt điều tại VN, được nhiều trung tâm khoa học và các đơn vị quản lý nhà nước thừa nhận.
Và cũng vì niềm đam mê với cây điều, khi ông Hiệu – Viện trưởng Viện Khoa học VN giao nhiệm vụ: “Cậu chuyên sâu về cây điều, nên vào Sài Gòn sẽ thuận lợi hơn cho nghiên cứu”.
Không đắn đo, ông Nguyên đã đưa cả gia đình vào Nam, mặc dù trong đó chưa có nhà cửa, cuộc sống kinh tế còn bộn bề khó khăn.
Tinh thần làm việc hết mình của ông Nguyên đã được ông Hiệu hết lời khen ngợi trong buổi họp mặt các cựu cán bộ, nhân viên của Viện vào tháng 7/2015 vừa qua: “Anh Nguyên là người đi tiên phong nghiên cứu cây điều và góp phần tạo nên thành quả XK hơn 2 tỷ USD mỗi năm của ngành điều VN hôm nay…”.
Mấy năm gần đây, khi Vinacas có chủ trương giúp nông dân cải tạo vườn điều, ông Nguyên đã bắt tay viết cơ sở lý luận về ghép cải tạo, từ những trải nghiệm thực tế và hàng chục năm kinh nghiệm của mình.
Từ cơ sở này, Vinacas đã tiến hành thực hiện chương trình khuyến nông trong suốt 2 năm qua, tạo nên phong trào ghép cải tạo, thâm canh, tăng năng suất, chất lượng vườn điều trên khắp cả nước và tạo được hiệu ứng cao khi lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng nhiều địa phương quyết liệt vào cuộc.
Related news
Ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gắn bó với nghề nuôi tôm hùm gần 20 năm với bao thăng trầm, nay đã trở thành tỷ phú.
Xuất hiện ở thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn, Yên Bái) từ năm 1991, giờ đây chăn nuôi thuỷ đặc sản ba ba đang trở thành một nghề mang lại thu nhập tiền tỷ. Nhiều gia đình ở đây có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, xây dựng được nhà cửa khang trang cũng là nhờ nuôi ba ba.
Với những lợi thế về giá, khả năng kháng chịu dịch bệnh tốt, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, mô hình nuôi heo rừng bán hoang dã ở thôn Trung Nghĩa, xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đang giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng một năm.
Đến nay, 19/19 Hội ND các xã, thị trấn ở huyện Mường Tè đã hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017, bảo đảm thời gian, cơ cấu cán bộ Ban chấp hành hội
Mướp đắng (khổ qua) trồng được quanh năm, nhưng thích hợp nhất là mùa mưa. Nếu áp dụng màng phủ nông nghiệp sẽ cho năng suất cao, giá bán lại cao nên nông dân rất thích trồng trong vụ này.