Ca Cao Không Lo Ế
Nhiều hộ dân trồng xen ca cao trong vườn cao su, trái cây tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã có thêm nguồn thu khá trong bối cảnh mủ cao su và nhiều loại trái cây liên tục rớt...
Ông Anh Quân, nông dân ở xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) hồ hởi: “Tôi có hơn 600 gốc ca cao trồng xen với cao su trên diện tích 2 ha, nên vừa rồi dù giá mủ cao su rớt mạnh, nhưng cũng vớt vát lại được hơn 100 triệu đồng nhờ bán quả ca cao tươi”.
Tương tự, chị Lê Thị Nên ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cũng cho hay: “Nhờ trồng khoảng 500 gốc ca cao xen với chôm chôm trong khu vườn hơn 1 ha, nên giá chôm chôm có xuống thấp, tôi cũng thu được vài chục triệu đồng”.
Chị Nên còn dự tính sẽ tích lũy thêm kỹ thuật, kinh nghiệm và đợi khi nào tại huyện có nhà sơ chế, sấy ép, mở rộng việc thu mua quả tươi ca cao thì sẽ đầu tư mua thêm vườn, mở rộng diện tích canh tác cây trồng loại cây này.
Theo ông Lê Minh Tôn, chủ nhiệm CLB Ca cao Hưng Lộc: Hiện bình quân năng suất thu hoạch của bà con trong CLB ca cao dao động từ 17 đến 20 tấn quả tươi/ha (chuyên canh). Với giá thu mua ổn định ở mức 5 triệu đồng/tấn quả tươi như hiện nay thì sau mỗi vụ khai thác bà con thu được từ 80 đến 100 triệu đồng/ha (chuyên canh), còn trồng xen với cao su, trái cây cũng thu thêm vài chục triệu đồng trên mỗi ha.
Điển hình như hộ anh Nguyễn Thanh Phước, thành viên CLB Ca cao Hưng Lộc, nhờ trồng xen canh ca cao với xoài trong khu vườn rộng 3 ha, kết quả vụ thu hoạch vừa qua đã mang về cho anh cả trăm triệu đồng từ bán ca cao tươi.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh tăng cường các biện pháp hỗ trợ và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của CLB ca cao để nhiều địa phương khác học tập, làm theo”, ông Trần Hải Sơn nói.
Nhiều thành viên CLB ca cao Hưng Lộc khẳng định, việc trồng xen ca cao cùng cây trồng khác trong bối cảnh hiện nay sẽ là giải pháp kinh tế khá tốt. Việc trồng xen canh, ngoài giúp thu nhập tăng, thì việc đa dạng hóa cây trồng thay cho việc độc canh sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro, thiệt hại trong sản xuất khi giá cả nông sản luôn bấp bênh, trồi sụt như hiện nay.
Về phía đầu ra cho ca cao, ông Đặng Tường Khanh, chủ DN thu mua ca cao Trọng Đức (đối tác chính của Cargill tại Việt Nam) cho biết: Công ty đang phối hợp cùng CLB Hưng Lộc hỗ trợ 60% chi phí trong việc mua máy sấy ca cao để tổ chức lập điểm thu mua quả tươi, sơ chế và sấy khô tách hạt ngay tại địa phương, giúp giảm bớt chi phí chuyên chở cho nông dân.
“Trong tương lai gần bà con ở huyện Thống Nhất và khu vực lân cận chỉ việc gom hái quả tươi rồi mang đến bán lấy tiền ngay. Chúng tôi cũng cam kết thu mua toàn bộ sản lượng ca cao cho bà con nông dân với giá không đổi trong năm 2014”, theo ông Khanh.
Theo ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, diện tích ca cao tại tỉnh hiện có khoảng 800 ha, với hạt nhân là nhiều CLB tập hợp nông dân cùng trồng ca cao. Trong đó Hưng Lộc là CLB hoạt động hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực nhất cho bà con nông dân.
Sắp tới, CLB Ca cao Hưng Lộc cũng hoàn thiện xong nhà sơ chế, lò sấy, tách hạt và đưa vào hoạt động thử nghiệm thành công sẽ là nơi tổ chức tốt quá trình thu mua, đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân để họ yên tâm canh tác.
Related news
Những loại trái cây ngoại "sang chảnh" giá cả triệu đồng/kg đang trở thành món ăn quen thuộc với người tiêu dùng Việt có mức thu nhập cao.
Vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp là rất quan trọng trong thực hiện có hiệu quả Kết luận 61/2009 (KL 61) và Quyết định 673/2011 (QĐ 673) .
Từ một hộ nghèo nhất nhì xã, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trang trại đa canh, đến nay gia đình ông Nguyễn Đình Lâm, thôn 3/2B, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn (Hoà Bình) đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trái ngược với xu hướng khó khăn từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo những tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng do có một số yếu tố thuận lợi.
Làm nghề này rất bấp bênh vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái Trung Quốc. Năm 2013 tôi cũng từng lỗ 700 triệu đồng vì tồn hơn 50 tấn cau sấy khô do thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng.