Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bước Chuyển Tam Nông

Bước Chuyển Tam Nông
Publish date: Wednesday. June 4th, 2014

Hạ tầng nông thôn được kiện toàn qua 5 năm (2009 - 2014) triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) là tiền đề để huyện Thăng Bình thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.

Hạ tầng đồng bộ

Tuyến đường từ Quán Gò (xã Bình An) dẫn vào trung tâm xã Bình Nam phẳng phiu, được hoàn thành trong năm qua đã đem lại niềm hân hoan cho người dân địa phương. Sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của huyện cùng với sự đồng tình hưởng ứng của người dân đã khiến cho con đường quanh năm dãi dầu bùn bụi này được xây dựng khang trang.

Các tuyến đường liên xã, liên huyện như Bình Nam - Bình Triều, Bình Chánh - Bình Tú, Bình Giang - Bình Dương… cũng được nâng cấp trong thời gian gần đây. Đến thời điểm này, huyện Thăng Bình đã có bước đột phá mạnh mẽ về giao thông khi đã xây dựng được hơn 263km đường bê tông nông thôn trong 5 năm qua.

Con số 102km đường ĐH được hoàn thiện trong khoảng thời gian này cũng đã cho thấy sự nỗ lực của toàn huyện. Thăng Bình được Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua phát triển giao thông nông thôn năm 2010. Cùng với hạ tầng giao thông, nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2009 đến nay, Thăng Bình đã xây dựng được 10 ao thu gom nước nhỉ, 5 trạm bơm, 7 đập dâng, mở mới 3 tuyến kênh. Huyện kiên cố hóa kênh mương nội đồng được 27,75 km. Sáng kiến xây dựng kênh tưới nội đồng bằng ống nhựa kín theo nguyên tắc bình thông nhau đã đem lại hiệu quả cao, được phát triển nhân rộng trong toàn tỉnh.

Ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hạ tầng nông thôn được đầu tư đã đóng vai trò đòn bẩy giúp kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện khởi sắc. Giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp của huyện vào thời điểm này là hơn 600 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 4,5%. Trong 5 năm qua, để triển khai quy hoạch cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung, huyện đã triển khai dồn điền đổi thửa được 5.839ha.

Việc chỉnh trang lại đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi cũng như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã khiến cho các quy trình sản xuất được thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, 8/33 cánh đồng mẫu ở các xã Bình Tú, Bình Chánh, Bình Giang, Bình Trung, Bình Nam, Bình Quý, Bình Nguyên đã cho hiệu quả cao khi năng suất lúa đã tăng từ 10 - 15 tạ/ha.

Trên địa bàn huyện đã hình thành hơn 1.400 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 3.600 lao động. “Các làng nghề tiêu biểu đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, khẳng định thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường”  -  ông Phan Công Vỹ nói.

Chú trọng công nghệ mới

Trong 5 năm qua, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi của huyện Thăng Bình đã làm nổi bật một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Giá trị bình quân trên một héc ta canh tác đạt 30 triệu đồng. Nhờ ứng dụng kịp thời tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp phòng ngừa, khống chế dịch bệnh nên chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển khá. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm của huyện đạt 6.320 tấn.

Giá trị công nghiệp đạt 300 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 31,95%. Huyện đã xây dựng 3 cụm công nghiệp: Hà Lam - Chợ Được, Kế Xuyên - Quán Gò, Nam Hà Lam với sự đầu tư sản xuất của 20 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động địa phương. Giá trị thương mại - dịch vụ của huyện đạt 400 tỷ đồng.

Theo ông Phan Công Vỹ, những thành tựu về khoa học, công nghệ được tập huấn, chuyển giao và ứng dụng đã đem lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất của người dân. Chương trình 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa; cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch ngày càng được chú trọng.

Nếu như tỷ lệ cơ giới hóa vào năm 2010 ở Thăng Bình là 40% thì đến nay đã đạt hơn 72%. Khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp từ 0% diện tích vào năm 2010 đã chuyển lên hơn 50% diện tích vào thời điểm này.

Thăng Bình đang có kế hoạch phối hợp với một số trường đại học để thực hiện các đề tài khoa học, qua đó ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra những đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Cùng với đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khảo nghiệm, chọn lọc, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đồng thời huyện tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình canh tác nông - lâm kết hợp, mô hình kinh tế trang trại có triển vọng.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, huyện đang đề ra các mục tiêu cụ thể để tiếp tục tạo nên các bước chuyển biến về tam nông trong thời gian đến. Theo đó, từ nay đến năm 2015, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 4,5%.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 8%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề chiếm 45%; hằng năm giải quyết việc làm từ 2.000 - 2.500 lao động; hoàn thành 80% chương trình giao thông nông thôn, 100% đường ô tô đến trung tâm xã, 80% giao thông nội đồng; phấn đấu đạt 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

“Giải pháp của chúng tôi là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi đó là cú hích để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đổi mới cơ cấu vốn đầu tư phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, huyện sẽ có cơ chế ưu tiên để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ở địa bàn nông thôn.

Quy hoạch hình thành vùng sản xuất giống hàng hóa; vùng sản xuất gạo chất lượng cao; vùng sản xuất rau theo hướng VietGAP cũng là những ưu tiên của huyện” - ông Nguyễn Văn Ngữ nói.


Related news

Chôm chôm Bình Hòa Phước nhận nhiều đơn đặt hàng xuất sang Châu Âu Chôm chôm Bình Hòa Phước nhận nhiều đơn đặt hàng xuất sang Châu Âu

Khoảng tháng nay có rất nhiều công ty ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đến đặt vấn đề mua chôm chôm, số lượng khoảng 600 - 700 kg/tuần để xuất sang các thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, do hiện tại chôm chôm hết mùa nên “HTX hẹn hợp đồng vào tháng 11 tới”.

Monday. October 26th, 2015
Đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn xây dựng nông thôn mới Đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn xây dựng nông thôn mới

Năm 2015 này, tổng nguồn vốn Quảng Nam phân bổ cho các địa phương để xây dựng NTM là gần 328,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 307 tỷ đồng và vốn sự nghiệp xấp xỉ 21,4 tỷ đồng.

Monday. October 26th, 2015
CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THEO NGHỊ ĐỊNH 41/2010/NĐ-CP Ngân hàng ngại đầu tư CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THEO NGHỊ ĐỊNH 41/2010/NĐ-CP Ngân hàng ngại đầu tư

Cơ chế tín dụng thông thường, thiếu bảo đảm tiền vay, dự án và sự “ngại” đầu tư của các ngân hàng khiến nguồn vốn tín dụng chưa khơi thông mạnh vào nông nghiệp, nông thôn… là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị về "chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn".

Monday. October 26th, 2015
Nhân rộng mô hình trồng sâm ba kích dưới tán rừng Nhân rộng mô hình trồng sâm ba kích dưới tán rừng

Từ kết quả khảo sát thực địa tại một số địa bàn về mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng tự nhiên đem lại hiệu quả, huyện Tây Giang đang tiếp tục nhân rộng mô hình, nhằm giúp người dân có cơ hội phát triển nguồn dược liệu quý tại địa phương.

Monday. October 26th, 2015
Tập huấn kỹ thuật trồng tiêu cho nông dân Tiên Phước Tập huấn kỹ thuật trồng tiêu cho nông dân Tiên Phước

Trong các ngày 22 và 23.10, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước mời chuyên gia đầu ngành về mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, phòng ngừa sâu bệnh trên cây tiêu cho hàng chục nông dân trên địa bàn.

Monday. October 26th, 2015