Bùng phát bệnh đốm nâu trên cây thanh long
Những ngày qua, trời mưa liên tục dẫn đến độ ẩm cao tạo điều kiện cho bệnh đốm nâu phát sinh nhiều trên vườn thanh long. Tại huyện Hàm Thuận Bắc có khoảng 1.073 ha thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu, chiếm 12% tổng diện tích thanh long toàn huyện.
Trị bệnh đốm nâu cần sự ra quân đồng bộ của các hộ dân.
Còn tại huyện Bắc Bình, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu cũng tăng so với năm trước. Hiện nay, Bắc Bình có trên 74 ha thanh long nhiễm đốm nâu. Diện tích nhiễm bệnh tập trung trên những vườn vệ sinh kém, vườn có nhiều vết bệnh cũ… phân bố chủ yếu tại các xã Hải Ninh, Bình An, Hồng Thái, thị trấn Chợ Lầu. Ngoài ra, bệnh thán thư, bệnh thối rễ và teo tóp cành cũng tăng diện tích nhiễm lên tới hơn 100 ha…
Ông Nguyễn Văn Hùng, một hộ trồng thanh long ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Vào mùa mưa hằng năm đều xuất hiện bệnh đốm nâu, nhưng năm nay bệnh này bùng phát mạnh, hầu như các vườn thanh long trên địa bàn xã đều mắc bệnh này. Cũng theo ông Hùng trước khi mùa mưa đến gia đình đã bón vôi bột để phòng bệnh nhưng cũng không mang lại hiệu quả cao. “Bệnh đốm nâu rất dễ lây lan, vườn nhà bón vôi, phun thuốc nhưng hàng xóm lại mang những cành, trái thanh long bị bệnh bỏ ra mương thì mầm bệnh theo dòng nước sẽ lây lan sang vườn khác”, ông Hùng nói.
Trước tình hình bệnh đốm nâu có dấu hiệu gia tăng, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh, gắn với thực hiện nhiều biện pháp xử lý mầm bệnh, như: dọn sạch cỏ và tạo điều kiện thoát nước tốt cho vườn thanh long trong mùa mưa bão. Bón phân N-P-K, trung vi lượng cân đối, đầy đủ và hợp lý theo quy trình kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Không nên bón quá nhiều phân đạm (hoặc phân bón lá) để thúc cây ra đọt non và bón bổ sung nhiều phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng trichoderma cho cây. Không nên sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới trực tiếp lên tán cây, cần quản lý kỹ nguồn nước tưới. Điều chỉnh số lần xử lý ra hoa nghịch vụ phù hợp vào tình hình sức khỏe, sinh trưởng của vườn cây, tránh khai thác quá mức dẫn đến cây suy kiệt và dễ bị bệnh tấn công. Khi tỉa cành, trái bị nhiễm bệnh, người dân cần đào hố bỏ vôi để tránh bệnh lây lan…
Bệnh đốm nâu là bệnh dễ lây lan qua nguồn nước, vì vậy các địa phương cần phải tổ chức cho người dân thực hiện các biện pháp phòng, chữa bệnh một cách đồng bộ, cùng một thời gian nhằm giảm thiệt hại do loại bệnh này gây ra cho cây thanh long.
Related news
Không thiếu những người trẻ chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và gặt hái thành công. Họ đều có những đặc điểm chung là có sự học hành bài bản
Theo anh Nguyễn Thành Kiên, sâu bệnh gây hại ở mức độ nhẹ có thể lấy áo mưa phủ để diệt trừ nấm, khuẩn gây bệnh.
Giải pháp kỹ thuật giảm lượng axit hữu cơ và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa trên đất phèn và đất phù sa tỉnh Hậu Giang