Bón Phân Vi Sinh Giảm Giá Thành, Nâng Cao Sản Lượng Lúa
Nhiều năm nay, ông Bùi Vĩnh Hiệp, xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Nhứt (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã sử dụng phân vi sinh trong việc bón lót cho ruộng lúa của mình. Nhờ đó, năng suất lúa tăng lên 1 tấn/ha, tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 50% so với trước.
Đến thăm ruộng lúa của ông Hiệp ở giai đoạn sắp thu hoạch, mọi người ai cũng trầm trồ bởi toàn bộ diện tích 7,5ha lúa phát triển đồng đều, cây không bị đổ ngã, đặc biệt là hạt lúa đóng dày sáng bóng, từng chùm lúa dài trĩu nặng… 4 năm trở lại đây, ông Hiệp sử dụng phân vi sinh (từ phân gà xử lý) bón lót cho ruộng lúa, nhờ đó lúa phát triển tốt hơn, bông dài hơn, nhiều gié hơn và năng suất đạt từ 5,5 – 6 tấn/ha. “Trước kia vụ nào trúng lắm cũng chỉ khoảng 5 tấn/ha” - ông Hiệp nói.
Đặc điểm khu đất ruộng của ông Hiệp có tỉ lệ đất cát cao, trước kia chủ yếu bón phân hóa học nhiều nên nền đất ruộng luôn cứng, chân đi không lún đất, bộ rễ cây lúa phát triển không tốt. Khi bón phân vi sinh, nền đất ruộng xốp hơn và bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, thân cây lúa chắc khỏe và cho nhiều nhánh hơn (nhiều hơn từ 2 đến 3 nhánh/mỗi bụi) do đó năng suất cao hơn.
Điều thuận lợi của việc bón phân vi sinh là giúp phân hủy nhanh rơm rạ, giúp ruộng lúa không bị ngộ độc hữu cơ. Thông thường, nhà nông luôn “đau đầu” khi chuyển vụ từ vụ hè thu sang vụ mùa (vụ chính), do yêu cầu thời gian chuyển vụ khẩn trương, nên các gốc rạ từ vụ trước không kịp phân hủy làm cho hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xuyên xảy ra trong ruộng lúa. Khi đó, rễ lúa bị thối, chậm phát triển làm cho cây lúa vàng vọt rất khó khắc phục.
Phân vi sinh là giải pháp tốt nhất hiện nay giúp phân hủy nhanh các xác bã thực vật trên ruộng lúa. Ngoài ra, khi bón phân vi sinh cũng giúp cho cây lúa phát triển tốt, giảm thiểu việc bón các loại phân hóa học đắt tiền, theo đó giúp giảm giá thành đến hơn 50% so với trước kia. Ông Hiệp so sánh, kể từ khi sử dụng phân vi sinh bón lót, chi phí sản xuất 1ha ruộng chỉ có khoảng 3,5 triệu đồng, trong khi đó chi phí này trước kia là 7,5 – 8 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Anh Tú, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, trong các loại phân vi sinh thông thường có vi sinh vật hoạt động sống. Khi bón vào đất, các vi sinh vật này tiếp tục phát triển giúp cho việc phân hủy tàn dư xác bã thực vật trong ruộng lúa. Với cơ chế phân hủy như trên làm cho đất xốp, đồng thời giải phóng một số phân khó tiêu trong đất… và sản phẩm phân hủy cuối cùng tạo ra các xúc tác, trao đổi chất trong đất, tăng sự hấp thu tối đa dinh dưỡng trong đất cho cây trồng. Ngoài ra, trong phân thường có các nguyên tố đa, vi lượng và các khoáng chất cần thiết khác giúp cho cây phát triển tốt.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là người nông dân phải biết cách để chọn những sản phẩm có chất lượng đúng như công bố trên bao bì. Bà con nông dân cần phải lưu ý những yếu tố quan trọng trong phân vi sinh gồm có: Men giúp cho các vi sinh vật phát triển; vi sinh vật trong phân và các vi sinh vật hoạt động sống… Khi bón phân vi sinh đúng chất lượng, dấu hiệu nhận biết đầu tiên là các các chất hữu cơ được phân hủy, đất tơi xốp, trong đất có nhiều trùn phát triển, bộ rễ lúa phát triển, lúa đẻ nhiều nhánh hơn trước…
Hiện nay, tại HTX dịch vụ nông nghiệp An Nhứt có đến 60% số nông dân sử dụng phân vi sinh để bón lót cho ruộng lúa. Trong kế hoạch sắp tới, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã sẽ vận động số hộ còn lại tham gia và mời các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về tập huấn triển khai kỹ thuật sử dụng cũng như tác dụng của những loại phân bón này để bà con học tập làm theo, cải thiện năng suất trên ruộng lúa của mình.
Related news
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm không còn nhộn nhịp, rầm rộ như trước vì dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến nông dân chán nản, kiệt quệ. Thế nên thành công của một số mô hình nuôi tôm theo hướng an toàn dịch bệnh đã và đang mang lại sức sống mới cho nghề nuôi tôm…
Trong 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Quảng Ngãi chịu nhiều tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sau hơn 1 tháng triển khai Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo giao cho NHCSXH thực hiện đã có hơn 30.000 hộ trên toàn quốc được vay vốn phát triển sản xuất.
heo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thuộc Sở NN&PTNT, sau 5 năm thực hiện (2011-2015), toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực với tổng số vốn 3.635 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất.
Những năm gần đây, mô hình nuôi bò vỗ béo ở huyện Vân Canh phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.